Cảnh giác với lời mời mọc quanh “cơn bão” đa cấp

(PLO) - Quá nhiều lỗ hổng khiến một hình thức kinh doanh tiến bộ trên thế giới trở thành “cơn bão” biến tướng gây ra nhiều hệ lụy. Sự việc đã trở nên cấp bách, đòi hỏi không chỉ chính người tham gia phải tỉnh ngộ, mà cần hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, tạo dựng cơ hội việc làm cho những người có nhu cầu cải thiện kinh tế.

 Chương trình giới thiệu sản phẩm của một công ty đa cấp đã thu hút sự chú ý của không ít người.
Chương trình giới thiệu sản phẩm của một công ty đa cấp đã thu hút sự chú ý của không ít người.
“Cơn bão” vẫn chưa chịu dừng
Cả chục năm qua, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã lừa đảo, thu lợi từ mồ hôi nước mắt của người khác. Cho đến bây giờ, vẫn nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy đáng sợ ấy. Hết hoành hành ở thành thị, chúng “bò” vào các trường đại học và lan nhanh sang cả đối tượng công nhân và đang tiếp tục hoành hành ở các vùng quê, khiến cho biết bao người “sống dở, chết dở”. 
Biết bao sinh viên lâm vào bi kịch, phải gác lại chuyện học hành, thậm chí có em bị đuổi học, trở thành con nợ bị các đối tượng giang hồ tìm đến. Một trong những điển hình là H. sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền.
Vì muốn có việc làm nên H. nhờ bạn xin vào Công ty CP Liên minh tiêu dùng có trụ sở trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhưng em phải vay nặng lãi số tiền 24 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng của công ty này. Thực chất là bỏ tiền mua một chỗ làm việc. Đến ngày phải trả mà không có tiền, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền H. nợ cả gốc lẫn lãi lên đến 70 triệu đồng. Em bị chủ nợ siết, đành phải tạo ra màn kịch bị đối tượng nghiện ma túy bắt cóc, tống tiền bố mẹ để trả tín dụng đen. Chưa kịp làm giàu, chưa kịp nhận tiền từ bố mẹ, H. bị cơ quan chức năng phát hiện, bị nhà trường đình chỉ học tập.
Sinh viên nhiều em chuốc lấy nỗi cay đắng như vậy, còn người nông dân ở nhiều vùng quê như Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Khánh Hòa… mà chúng tôi tìm hiểu được, hàng nghìn giấc mơ đổi đời cũng chung cảnh ngộ. Nhiều người nông dân cả đời ki cóp gửi sổ tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng, phòng lúc lo chuyện ốm đau cho mình và chồng, cũng đem đi “cúng” đa cấp. 
Hay có người nhẹ dạ đến mức chẳng tham khảo ý kiến ai, cầm cố luôn sổ đỏ, bỏ ra hàng trăm triệu đồng để kinh doanh vì cứ ngỡ mình sẽ đổi đời, đến nỗi muốn quyên sinh. Ông Nguyễn Văn Kham, người dân xã Bảo Thành (huyện Yên Thành) là nạn nhân của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đặt tại thị trấn huyện Diễn Châu (Nghệ An), đã bỏ ra số tiền hơn 600 triệu đồng để có chức “phó trưởng phòng”, thốt lên: “Đúng là già đời còn dại!”. 
Vì sao nhiều người nông dân nghèo, sinh viên ngoại tỉnh ra phố nhập học dễ dàng vướng vào kinh doanh đa cấp đến thế? Với cái nhìn của một nạn nhân sau khi đã rút chân ra khỏi vòng xoáy ác nghiệt, em Hoàng Thị Tư, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nói đến lý do chính: Các đối tượng dụ dỗ tổ chức các buổi sinh hoạt, hội thảo, đánh mạnh vào tâm lý các sinh viên đang có ước vọng kiếm tiền, được đào tạo để trở thành người tự tin, có khả năng thuyết trình tốt. Các sinh viên dễ dàng bị người ta thuyết phục, bỏ ra một số tiền đặt cọc hoặc đổi sản phẩm là mua được một cơ hội kinh doanh. 
Tư nhấn mạnh: “Các bạn sinh viên xiêu lòng nhưng ngại không dám xin tiền bố mẹ thì phía công ty đa cấp ngoài treo thưởng rất cao, họ còn gợi ý những cơ sở có thể cầm cố đồ, vay tiền. Thực tế thì họ cấu kết với nhau. Khi tham gia rồi, không có tiền trả nợ thì họ siết nợ”.
Sinh viên thì như vậy, còn người nông dân thì sao họ dám ôm cả đống tiền đưa cho người khác để nhận về những sản phẩm mà bản thân chẳng rõ chất lượng? Vì sao họ bị xoáy vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo? PGS.TS Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (thuộc Thành đoàn Hà Nội) cho rằng: “Mọi người đều có thể bị các đối tượng thôi miên, làm cho trở nên mê mị, nên cần phải tỉnh táo chọn lựa công việc. Ở đời chẳng ai cho không ai thứ gì”.
Bà Trinh còn chỉ ra một thực tế, công ty đa cấp đưa sản phẩm cho sinh viên đi bán, nhưng có “mánh” là chính họ cử người mua đồ để sinh viên mới đến làm tin rằng việc bán hàng thuận lợi, kiếm tiền cũng dễ. Từ đó trở thành công cụ kiếm tiền cho họ. Bản thân hoạt động đa cấp sinh ra rất ít lợi nhuận, mà chỉ lấy của người vào sau chi trả cho người vào trước.
Còn ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương. Hội Nông dân Việt Nam lý giải: “Một bộ phận người dân muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không phải cực nhọc. Người nông dân vốn sống tình nghĩa, cả nể, thương người, ai cũng có thể tiếp chuyện nhiệt tình. Có khi chỉ nói với nhau dăm câu ba điều là thân nhau được ngay, cởi mở hết tấm lòng ra. Người tham hệ hệ thống đa cấp chỉ cần nói tôi có mối làm ăn tốt lắm, lợi nhuận cao, vậy là người nghe dễ dàng xin tham gia cùng ngay. Hệ thống kinh doanh đa cấp đánh vào tâm lý đó nên đã len lỏi được vào rất sâu trong dân cư”.
Căng mình chống lũ
Dù hậu quả nhãn tiền và lâu dài song hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ và việc xử lý cũng không triệt để. Trước thực trạng nhức nhối này, một số trường đại học, cao đẳng đã cảnh báo sinh viên không bán hàng đa cấp. Các tổ chức như hội sinh viên, đoàn trường các trường đại học, cao đẳng đã nhập cuộc mạnh mẽ trong công tác tư vấn cho sinh viên. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng cho các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm để tổ chức giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho sinh viên, thanh niên ở cả thành thị và nông thôn. 
Trước “bão” đa cấp và một số kẻ núp bóng từ thiện để lừa đảo, ông Lại Xuân Môn cho biết: Trung ương Hội Nông dân phản đối các đối tượng lừa đảo người dân, lên án các hành động lợi dụng danh nghĩa hỗ trợ người nghèo, làm từ thiện để trục lợi từ người nông dân. Cơ quan đại diện cho quyền lợi của người nông dân cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành cảnh giác đối với các đối tượng này, đồng thời tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không tham gia, không tiếp tay cho kinh doanh đa cấp biến tướng.
Nhu cầu có việc làm thêm để trang trải cuộc sống của sinh viên là chính đáng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên khẳng định, đồng thời mong mỏi các cơ quan chức năng sớm kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh đa cấp, tránh làm ảnh hưởng đến đối tượng dễ bị tổn thương là sinh viên. Bà Trinh cũng nhắn nhủ: “Sinh viên cần việc làm, hãy đến với chúng tôi ở địa chỉ 88 Trần Nhật Duật-Hà Nội. Chúng tôi tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí”. 

Đọc thêm