Thượng tá Nguyễn Văn Thiềm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh thì trong những năm qua, BĐBP tỉnh đã phát hiện, phối hợp triệt phá nhiều vụ án, giải cứu được nhiều nạn nhân, trở thành lực lượng nòng cốt để phòng, chống loại tội phạm này, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và xử lý cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc giải cứu thành công 10 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc (chủ yếu là buôn bán phụ nữ và trẻ em), phá 4 vụ mua bán người, bắt 5 đối tượng.
Điển hình gần đây nhất là vào cuối tháng 1/2018, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận một thiếu nữ vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trước đó, thiếu nữ ở độ tuổi 15, thường trú ngay tại phường Cao Thắng, TP Hạ Long đã cùng cùng 4 nam thanh niên Việt Nam vượt biên trái phép qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) sang Đông Hưng (Trung Quốc). Từ đơn trình báo của gia đình thiếu nữ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã có thư trao đổi và đề nghị Tổng đội Công an Biên phòng khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây điều tra, xác minh làm rõ và trao trả qua cửa khẩu.
Ngày đón con trở về, gia đình đã vô cùng xúc động, bố của thiếu nữ rất phấn khởi cho biết, sau khi cháu bỏ nhà đi, gia đình chúng tôi đã tìm và nhờ khắp nơi, rất may được lực lượng biên phòng giúp đỡ.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong chỉ đạo đấu tranh với các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn biên giới, Thượng tá Nguyễn Văn Thiềm cho hay: “Qua nhiều vụ giải cứu các nạn nhân, chúng tôi thấy điểm chung là phần lớn các nạn nhân đều là phụ nữ dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, có nhu cầu cao về tìm việc làm nên dễ bị lừa gạt. Khi bị bán sang khu vực vùng sâu, xa của nước bạn, hầu hết họ chịu cuộc sống rất khổ cực, bị bóc lột cả về thể xác và tinh thần. Nhiều người trở thành nô lệ tình dục trong một số gia đình mà đàn ông nghèo khó, bị bán vào các động mại dâm.
Các đối tượng tội phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới dùng chiêu thức dụ dỗ thông qua mạng xã hội hay điện thoại làm quen, đưa đi chơi, du lịch, đi tìm việc có thu nhập cao rồi đưa nạn nhân vượt biên theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán. Thậm chí có những đối tượng trước kia là nạn nhân, sau vì những cám dỗ đã quay lại hành nghề buôn bán người. Hoạt động buôn bán người ngày càng tinh vi, có tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và giải cứu nạn nhân.
Để giúp đỡ các nạn nhân quay về với gia đình và đấu tranh hiệu quả, phòng chống loại hình tội phạm này, thời gian qua, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị tăng cường phối hợp với các lực lượng trên địa bàn và nước bạn, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng để kịp thời phát hiện đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm mua bán người qua biên giới.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thiềm, điều cần thiết hơn cả, là cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, để người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi 15-30, nâng cao ý thức cảnh giác, các gia đình tự bảo vệ con em mình trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm.
Với những đối tượng môi giới việc làm ở nước ngoài, người dân có nhu cầu tìm việc cần tìm hiểu kĩ nhân thân của họ để tránh rơi vào cạm bẫy của tội phạm. Đặc biệt, khi đã bị lừa đi, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi vấn, các nạn nhân hãy nhanh chóng tìm mọi cách thông tin với các lực lượng chức năng, các đồn biên phòng ở khu vực biên giới để giải cứu càng sớm càng tốt, tránh hệ lụy về sau cũng như khó khăn trong quá trình điều tra.
Chỉ tính riêng tại địa bàn TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), 5 năm qua lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 30 vụ, 46 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 40 phụ nữ, 11 trẻ em, trong đó có 4 trẻ sơ sinh. Công an TP Móng Cái phối hợp với các Đồn Biên phòng và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận từ Cục Công an thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 116 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.
TP Móng Cái và Tổ chức Trẻ em Rồng xanh tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về bằng nhiều hình thức; tư vấn tâm lý, hỗ trợ kinh phí, bàn giao cho gia đình nạn nhân.
Theo lực lượng chức năng, đối tượng phạm tội chủ yếu là số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc hoặc cư trú trái phép tại Trung Quốc. Trong đó, một số trước đây là nạn nhân bị mua bán câu kết với số đối tượng ở trong nội địa, đối tượng ở khu vực biên giới. Nạn nhân thường là những người không có nghề nghiệp hoặc việc làm không ổn định, kém hiểu biết; số phụ nữ, trẻ em gái có lối sống buông thả, dễ dãi, thích ăn chơi, đua đòi; số trẻ sơ sinh nam bị bỏ rơi hoặc con của những người phụ nữ bị nhỡ nhàng.