“Cò xuất khẩu” về các xã ven biển huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) dụ dỗ tuyển dụng người lao động nông nhàn theo đường tiểu ngạch xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang là hiện tượng phổ biến. Phần nhiều những người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài phải đối mặt với rủi ro không thể lường trước.
Tai họa luôn rình rập
Chị Lê Thị Tý ở thôn Thạch Ngọc (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) chưa hết bàng hoàng nhớ về chuyến xuất cảnh tiểu ngạch trái phép sang Trung Quốc lao động bất thành của chị.
Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng, làm không đủ ăn trong khi hai đứa con của chị Tý đến tuổi trưởng thành nhưng không có công ăn việc làm. Trong lúc túng thiếu, chị Tý nghe người dân trong xã kháo nhau có chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970, ở xã Quảng Thạch) về quê tìm người đưa sang bên Trung Quốc làm thuê với mức trả công cao.
|
Đối tượng buôn người Đỗ Văn Sáu sa lưới pháp luật. |
Bị quyến rũ bởi những lời dụ ngon ngọt, 3 mẹ con chị Tý đi mượn tiền khắp nơi, thậm chí phải vay nặng lãi và bán một số vật dụng trong gia đình để gom đủ số tiền là 15 triệu đồng đưa cho Tuyết. Đang trong những ngày chờ ô tô về đón 3 mẹ con đi ra Móng Cái thì chị Tý nhận được tin Nguyễn Thị Tuyết bị công an bắt, lúc đó chị mới biết mình bị lừa.
Ngoài 3 trường hợp của gia đình chị Tý, hiện nay theo Công an huyện Quảng Xương cho biết, trên địa bàn huyện từ đầu năm 2012 đến nay có 945 người trong độ tuổi lao động đã được một số “cò lao động” xuất cảnh tiểu ngạch trái pháp luật sang Trung Quốc làm thuê thông qua các nhóm môi giới. Trong đó, xã Quảng Nham có gần 200 người, Quảng Chính 150 người, Quảng Thạch 95 người.
Trong nhiều tháng qua, có một số ít trong số người lao động bị xuất cảnh trái phép đã tìm đường trở về địa phương nhưng không dám tố cáo trình báo sự việc đến với cơ quan chức năng của địa phương. Gần 90% số người đang lao động còn lại đang ở Trung Quốc làm thuê chui lủi thuộc các lĩnh vực khai thác hầm mỏ, đánh bắt cá, xưởng sản xuất gỗ.
Qua lời kể của những người đã trở về sau một thời gian lao động ở Trung Quốc, họ bị ép làm việc không nhàn hạ như lời các “cò lao động” quảng cáo, khuếch trương mà chủ yếu phải lao động trong môi trường khắc nghiệt, nặng nhọc như chặt vác mía, hái cam, hái chè, đóng gạch hay làm việc trong các cơ sở sản xuất đồ nhựa tư nhân độc hại.
Phần lớn số lao động trên khi rời địa phương không thực hiện đúng những quy định của Luật Cư trú về khai báo tạm vắng; không có thủ tục giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; do đó họ không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu theo quy định của pháp luật nước sở tại.
Do vậy, sự rủi ro và tai họa luôn rình rập số người xuất cảnh lao động trái phép của huyện Quảng Xương nói trên. Bởi việc “lao động chui” luôn tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước, có thể bị lâm vào vấn nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động…; đối với chị em phụ nữ rất dễ bị tổn thương trở thành mục tiêu cho bọn buôn người nhòm ngó, đưa vào các ổ chứa mại dâm.
Bọn “buôn người” sa lưới
Để ngăn chặn tình trạng trên, Công an huyện Quảng Xương đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời cảnh báo về những rủi ro trong quá trình lao động trái phép ở nước ngoài.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình xuất cảnh trái phép đi lao động làm thuê vẫn diễn ra khá phức tạp ở các xã ven biển huyện Quảng Xương, nhiều nhất vẫn là các xã như Quảng Chính, Quảng Nham và Quảng Thạch. Một số đối tượng đã câu kết thành đường dây dụ dỗ, lôi kéo những người nông dân nghèo tìm “môi giới” xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, sau đó móc nối với các đối tượng buôn người đưa lao động sâu vào nội địa Trung Quốc để tìm việc, làm thuê.
Từ thực trang trên, Công an huyện Quảng Xương đã lập kế hoạch theo dõi và bước đầu đã bóc gỡ được một số đầu mối của đường dây lừa đảo, buôn bán người qua Trung Quốc. Từ ngày 15-25/3/2013, Công an huyện Quảng Xương đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ gồm 2 đối tượng là Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970, ở xã Quảng Thạch) và Đỗ Văn Sáu (SN 1969, ở xã Quảng Chính) về hành vi tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép.
Tại Cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Xương, Tuyết và Sáu khai nhận, trước đây có thời gian làm ăn ở Trung Quốc nên đã quen địa bàn và câu kết với các đối tượng người Việt Nam đang sinh sống tại Trung Quốc; sau đó về quê dụ dỗ, lôi kéo những người dân nghèo của một số xã ven biển không có công ăn việc làm trốn sang Trung Quốc làm thuê với mức hứa thưởng hậu hĩ và tiền công lao động cao.
Sau khi gom đủ người, các đối tượng thuê xe ô tô chở 8 người ở các xã Quảng Chính, Quảng Thạch huyện Quảng Xương và huyện Như Xuân đi Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó đưa trái phép số người này bằng đường tiểu ngạch qua biên giới và vào sâu trong nội địa Trung Quốc làm thuê. Trước khi đi, để có chi phí thuê xe và ăn uống dọc đường, Sáu đã thu mỗi người hơn 5 triệu đồng làm lộ phí. Khi đi đến địa bàn thị trấn Quảng Xương, huyện Quảng Xương, đối tượng bị Công an huyện Quảng Xương phát hiện và bắt giữ.
Cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Xương vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết và Đỗ Văn Sáu để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ vai trò từng đối tượng về hành vi tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép.
Sự vụ trên, thêm lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép để làm thuê. Chính quyền huyện Quảng Xương cần quan tâm tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương các xã ven biển, để người lao động có thể lao động sản xuất ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Riêng lực lượng công an cần kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo đưa người ra nước ngoài trái phép để trục lợi.
Mặt khác, các cơ quan chức năng huyện Quảng Xương cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống buôn bán người; Luật Cư trú và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, người lao động sẽ được trang bị thêm kiến thức pháp luật, coi đây là “công cụ hỗ trợ” hiệu quả nhất để bảo vệ chính mình không bị “sập bẫy” của bọn buôn người.
Trọng Anh - Mai Hà