Cảnh ngộ bi thương sau tấm ảnh nhận giải Liên hợp quốc

Đã 3 năm từ khi bức ảnh được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc trao giải "Ảnh của năm 2010", em Nguyễn Thị Ly (12 tuổi, ngụ tổ Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nhân vật trong bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi đã được cả thế giới biết đến. Ba năm trở lại, người ta thấy cô bé vẫn khát vọng sống mãnh liệt, vẫn loay hoay cùng những bất hạnh tận cùng.

Đã 3 năm từ khi bức ảnh được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trao giải “Ảnh của năm 2010”, em Nguyễn Thị Ly (12 tuổi, ngụ tổ Mân Quang, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nhân vật trong bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi đã được cả thế giới biết đến. Ba năm trở lại, người ta thấy cô bé vẫn khát vọng sống mãnh liệt, vẫn loay hoay cùng những bất hạnh tận cùng.

Bức ảnh “Em bé da cam” được Liên hiệp quốc trao giải
Bức ảnh “Em bé da cam” được Liên hiệp quốc trao giải

Mẹ con da cam

Những ngày đầu năm 2013, anh Nguyễn Quang Dương (SN 1964, cha của Ly) đã bị “viện trả về” sau một thời gian nằm điều trị các bệnh xơ gan giai đoạn cuối, viêm não. Chị Lê Thị Thu (SN 1971, mẹ của Ly) bó gối im lìm bên chồng, mặc cho nước mắt chực trào mi cùng với những đau khổ, bất lực trước căn bệnh quái ác của chồng.

Chị sinh ra trong một gia đình đông con ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ, chị đã sống trong bệnh tật và mặc cảm với đời. “Tui bị di chứng da cam bẩm sinh từ cha khi ông tham gia chiến trường Quảng Trị và bị phơi nhiễm dioxin. Ngay từ khi tôi sinh ra, chân tay đã teo tóp, miệng mồm méo xệch. Đến tận 7 tuổi, tui mới ú ớ phát âm gọi được ba mẹ”, chị Thu nhớ lại.

Đã bị dị tật da cam, lại sinh trong gia cảnh nghèo hèn, chị co mình với ruộng vườn, chưa một lần dám mơ đến mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Năm 28 tuổi, chị theo bà con vào Đà Nẵng phụ bán cơm bình dân, những mong kiếm tiền tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

Chị gặp anh Dương như có duyên tiền định: “Anh làm thợ nề, chân chất lắm. Biết anh yêu và ngỏ lời cầu hôn, nhưng phận mình như vậy, mình đâu thể mơ. Anh là con trai cả trong gia đình 5 anh em, trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai, tui lại càng không muốn mình thêm gánh nặng”. Mãi sau được hai gia đình nội ngoại khuyên nhủ, đặc biệt từ phía gia đình anh Dương vun vén, chị mới đồng ý.

Đám cưới giản đơn của hai người diễn ra trong niềm hạnh phúc của gia đình và bạn bè, nhưng liền theo đó cũng là phiền muộn ập tới. Như nhiều nạn nhân da cam khác, gia đình chị không thoát khỏi những di chứng để lại cho đời sau.

 Ly cùng mẹ và em trai
Ly cùng mẹ và em trai

Chị đã khóc khi lần mang thai đầu tiên không giữ được, đến ngày bé Ly cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng lại phải rơi nước mắt lần nữa. Cô bé sinh ra yếu ớt chỉ có 1,7 kg, khuôn mặt lại méo mó, hai tháng liền phải sống trong lồng kính.

Bao nhiêu tiền dành dụm của hai vợ chồng đều đổ hết vào lo cho con. Càng lớn, khuôn mặt Ly càng biến dạng, ốm đau triền miên, cổ họng hình lòng chảo, mỗi khi thở là xương ép vào tim đau đớn tột cùng. Chị Thu giải thích cả nhà đặt tên Ly với ý nghĩa ly biệt, chẳng biết lúc nào thì “đi”.

Vượt qua 1.263 bức ảnh từ 33 quốc gia, bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia Ed Kashi được UNICEF trao giải “Ảnh của năm 2010”.

Bức ảnh được nhận xét: “Ed Kashi đã đặc tả toàn bộ đời sống nội tâm cũng như ước mơ mãnh liệt của cô bé tật nguyền.

Bức ảnh cũng là thông điệp gửi đến toàn nhân loại yêu hòa bình trên thế giới: Dù đã rất nhiều, nhưng không bao giờ là đủ khi chúng ta cảnh báo cho mọi người về di chứng của chiến tranh, của sự bất công và nỗi đau mà con người - đặc biệt là thế hệ trẻ em phải gánh chịu”.

Bản thân chị Thu một tháng cũng có đến hai tuần “thường trú” trong bệnh viện. Cả gánh nặng cuộc sống gia đình dồn lên vai người chồng. Người đàn ông trụ cột này cũng sớm lao lực, “hai ngày phụ hồ thì một ngày đau ốm”.

Đến cuối năm 2012, anh Dương quỵ hẳn, không còn khả năng chữa chạy bệnh viện phải trả về. Người vợ lại cố gắng “níu” anh bằng tình yêu thương ngày xưa anh đã dành cho chị: “Được ngày nào mừng ngày đó, dù rằng Tết về mà cả nhà nhiều lúc không còn gì để ăn, phải chạy đi mượn quanh xóm nhưng còn nước còn tát…”.

Lời cay đắng “Chết sướng hơn sống”

Người dân ở tổ Mân Quang không mấy ai biết hay để ý đến thông tin cô bé Ly là nhân vật chính trong một bức ảnh được giải quốc tế. Ngôi nhà tình thương vẫn đơn sơ, trống hoác như tách biệt với cuộc sống nhộn nhịp.

Thứ duy nhất “tô điểm” cho mấy bức tường là các bức ảnh bé Ly do nhiếp ảnh gia Ed Kashi chụp hồi tháng 7/2010. Chị Thu chỉ vào cuốn album gần 20 tấm ảnh của bé Ly cho biết, những hình này được “hai ông bà Tây” (Ed Kashi và đồng nghiệp) chụp trong bốn ngày, khi họ đến sống chung với gia đình để làm về đề tài chất độc da cam. Mọi sinh hoạt, học tập của bé Ly đều được chụp hình lại hết.

Trước câu hỏi: “Cho đến hôm nay, chị có cảm nhận được con gái cũng như gia đình mình đã được cả thế giới biết đến?”, chị thành thật: “Mãi sau này tui và gia đình mới biết bức ảnh chụp bé Ly đoạt giải gì đó của U…U… (ý nói UNICEF - PV).

Người chụp đến ở để trải nghiệm tận cùng của sự bất hạnh mà con gái tui đang gánh. Nhưng cũng chỉ biết mơ hồ vậy thôi chứ không hiểu mấy. Riêng cái album này tui nhận được từ Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng gửi cho làm kỷ niệm.

Trước đây, gia đình cũng được nhiều người tới thăm nom, gửi quà. Hai ông bà người Tây thì có gửi thư, nhưng toàn tiếng Anh, chúng tui không biết đọc, đến nay vẫn chưa hồi đáp được…”.

“Em bé da cam” trong đời thực
“Em bé da cam” trong đời thực.

Pháp luật Việt Nam mong muốn qua bài báo này, những bạn đọc hảo tâm có trái tim nhân ái sẽ tìm đến với gia đình “em bé da cam”, để những con người khốn khổ trong gia đình bất hạnh này vơi bớt phần nào nỗi đau đớn. Mọi sự giúp đỡ xin liên lạc, chị Thu, mẹ của bé Ly qua số điện thoại 093.471.4132.

Rời những bức ảnh, nói về cuộc sống ở đời thực, chị Thu kể đã có nhiều nỗi đau đi qua mà cả gia đình chị không thể nào tưởng được.

Nghèo khó đi kèm cùng bất hạnh của số phận nên quanh năm nợ chồng nợ chất. Anh Dương biết mình phát bệnh một thời gian dài nhưng không có tiền nên cứ mặc kệ, ráng chịu đau đi làm để lo thuốc thang, chăm cho con.

 Đến khi hết khả năng chịu đựng, phải nhập viện cũng là lúc đón chờ cái chết. Nhưng anh lại nói với vợ: “Chết thì có mỗi anh… sướng”, còn em ráng chịu khổ, ở lại tìm cách lo cho con”.

Chị Thu vừa kể vừa nghẹn ngào khóc, chị cũng ốm đau, mỗi khi trái gió trở trời “đến thở cũng không xong”… Dường như chị không còn đủ sức để kể tiếp, tiếng nói nghẹn ứ nơi cổ.

Bế tắc. Suy sụp. Cả gia đình giàn giụa nước mắt. Nhìn về phía chồng, chị tha thiết: “Mấy mẹ con “da cam” biết nương tựa vào mô”?. Bất lực trước nỗi đau của vợ con, anh Dương ngước nhìn khách lặng lẽ và buồn tủi.

Sau Ly, vợ chồng chị Thu may mắn sinh thêm một bé trai khỏe mạnh, đặt tên Mừng (Nguyễn Quang Mừng, 11 tuổi). Dù sinh trước một năm nhưng do đau yếu nên bé Ly đang học lớp một thì phải bỏ giữa chừng, sau đó đi học lại, hiện cả hai chị em đang cùng học chung lớp 5.

Thế nhưng, cả hai đều là học sinh giỏi của trường, căn nhà trống trải dán đầy giấy khen của Ly và em trai. Cô bé Ly 12 tuổi vẫn một cơ thể gầy tong, ốm yếu và gương mặt méo mó. Ly thỏ thẻ mơ ước: “Con chỉ mong ba mau khỏi bệnh để cả nhà được quây quần bên nhau. Con nhất định sẽ học giỏi, sau này lớn lên có được công việc làm, rồi con kiếm tiền về nuôi ba mẹ, giúp ba mẹ bớt khổ”.

Nói về gia đình bé Ly, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng bộc bạch: Ly là một trong những đứa trẻ da cam có sự hồn nhiên, khát vọng sống đến bất ngờ. Dường như trong em không hề tồn tại bệnh tật, không hề buồn phiền. Em luôn truyền cảm hứng, ước mơ sống đến các bạn cùng hoàn cảnh. Chính khao khát của Ly thể hiện trên bức ảnh đã một phần giúp Ed Kashi đạt giải.

Vân Anh

Đọc thêm