Cảnh ngộ rơi nước mắt của "mẹ điên" nuôi con trong "xó" rừng sâu

Trên con đường gập ghềnh toàn đá dẫn lối vào nhà, hàng xóm thấy chị Sinh dắt xe nhiều hơn đi, những hôm chiếc xe hết hơi chị cũng không biết phải bơm lên nữa. Những người ở gần nhà thường thấy bà mẹ điên dắt chiếc xe cà tàng, đằng sau là đứa con trai ngồi ngất nghểu trên bó củi, đi lầm lũi từ rừng ra... Từ ngày con còn đỏ hỏn đến bây giờ con lên 10, không bao giờ chị Sinh rời con mình nửa bước...

Làm dâu được 8 năm mà chị Nguyễn Thị Sinh (SN 1968, ngụ tại khu 7, xã Phương Thịnh, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vẫn không có con, lại thêm chuyện lỡ tay làm vỡ bia mộ bố chồng, chị bị nhà chồng “lót lá dắt tay” trả về nhà cha mẹ đẻ.

Vài tháng sau, chị Sinh hoảng loạn đến mức phát bệnh tâm thần. Mọi người trong xóm không ai còn nhận ra chị Sinh khỏe mạnh, xinh xắn, từng tham gia làm công tác cán bộ phụ nữ xã ngày nào. Nhưng ông trời dường như không đóng hết mọi cánh cửa với ai bao giờ, một năm sau ngày bị nhà chồng trả về, chị Sinh có thai và sinh được một bé trai kháu khỉnh.

Có bầu ngay sau khi bị nhà chồng chê hiếm muộn trả về

Về xã Phương Thịnh, hỏi thăm nhà chị Sinh, từ người già cho đến đứa trẻ ai cũng biết. Họ biết chị có lẽ bởi hoàn cảnh chị oái oăm quá. Một người hàng xóm ái ngại: “Ông trời cũng khéo trêu ngươi, bao năm chị ấy mong mỏi có một mụn con để bớt tủi, bớt khổ thì không có, đến lúc sa cơ bệnh tật, không nhà cửa, đến bản thân còn không lo nổi thì lại bụng mang, dạ chửa”.

Mẹ con chị Sinh
Tuy bệnh tật khiến tinh thần không bình thường nhưng chị Sinh luôn dành cho con trai tình yêu thương đặc biệt.

Đi từ trung tâm xã Phương Thịnh về nhà chị Sinh phải mất 20 km, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách nhà chị tới 3 km. Đặc biệt đến 2 km cuối để đi vào nhà chị Sinh thì chẳng xe cộ nào đi được, đường mòn gập ghềnh đến nỗi chỉ còn cách… lội bộ.

Căn nhà tiêu điều của mẹ con chị nằm lọt thỏm giữa hai ngọn đồi, bốn bề cây cối bao bọc, trông như ngôi nhà hoang. Thật khó tin khi giữa thời hiện đại mà hai mẹ con chị sống như “người rừng” vì điện không, nước không, đến cái đèn dầu thắp sáng ban đêm cũng không có.

Chị Sinh nhiệt tình mời khách ngồi chơi, ở lại ăn cơm như một người tỉnh táo, bình thường. Chỉ có điều ai vào nhà chị thì không biết ngồi đâu vì căn nhà trống hoác, không có một vật dụng gì đáng giá ngoài tấm chăn cáu bẩn để dưới nền nhà ẩm ướt.  

Anh trai chị Sinh, ông Lê Quang Hiệu rơi nước mắt khi kể về số phận cay đắng của người em. Năm 18 tuổi, nhờ chịu thương, chịu khó, lại cũng ưa nhìn, thôn nữ đã được nhiều đám để ý. Sau khi đắn đo lựa chọn, Sinh về làm dâu một gia đình có kinh tế khá giả trong vùng và được gia đình nhà chồng rất qúy mến.

Từ công việc đồng áng, chăn nuôi đến công tác phụ nữ xã chị đều rất chu toàn. Nhưng khổ nỗi lấy nhau 8 năm không thấy có con, mà ở nông thôn, khám không khám, chữa không chữa, vợ chồng trẻ không thấy con cái là người ta nghĩ ngay là do vợ.

Gia đình vốn trong ấm ngoài êm, vì mỏi mòn chờ cháu chờ con nên sinh ra mâu thuẫn. Đến khi bố chồng mất, trong lúc tang gia bối rối, cô lỡ tay làm vỡ tấm bia trên mộ, gia đình chồng quyết định dắt trả Sinh về bên ngoại để cưới dâu khác.

Khoảng 5 tháng sau khi bị nhà chồng chối bỏ, chị sinh bệnh. Mỗi khi “lên cơn”, chị chửi bới suốt ngày đêm, khiến hàng xóm không ai ngủ được. Dường như bao nhiêu ẩn ức dồn nén, bao nhiêu nỗi đau vì bị ruồng bỏ trong chị đã “tức nước vỡ bờ” thành những câu nói giận dữ, điên loạn…

Rồi không hiểu có gã đàn ông nào thấy chị vẫn nhan sắc mà lại nửa điên nửa tỉnh nên lợi dụng, một năm sau khi bị nhà chồng trả về, chị Sinh có bầu. Người nhà gặng hỏi chị không hé răng nửa lời cho biết bố đứa bé là ai. Lúc này chỉ có người anh trai là nơi bấu víu cuối cùng cho người phụ nữ bất hạnh.

Hoàn cảnh ông Hiệu thì cũng quá cực khổ: Gia đình kinh tế vốn khó khăn, thiếu trước hụt sau, lại phải chữa chạy cho người vợ bị bệnh tim nặng. Không thể cưu mang em ở cùng được, ông Hiệu chạy vạy thương lượng với người làng để đổi mảnh đất gần nghĩa địa của mình lấy một mảnh đất khác trong rừng, cách nhà gần 3 km để dựng túp lều cho em ở tạm.

Ông Hiệu kể: “Thời gian đầu mẹ con cô ấy trong cảnh màn trời chiếu đất cùng cực lắm, sau này được xã và dân làng mỗi người đóng góp một ít xây cho hai mẹ con một gian nhà nhỏ, cuộc sống cũng đỡ gieo neo. Chỉ tội cho thằng con, từ lúc lọt lòng mẹ đã khổ.

Lúc nào mẹ nó được ăn thì nó mới có sữa mà bú, không thì hai mẹ con cùng nhịn đói cả ngày, nó đói khóc lả đi đến tội. Tôi cũng nghèo túng quanh năm nên thương em mà không biết giúp em làm sao cho khỏi cực”.

Điều ông Hiệu day dứt nhất là vì nghèo túng, đường xá lại xa xôi nên chị Sinh bị bệnh nhưng ông chưa lần nào đưa đến viện khám. Ông vẫn hy vọng nếu em mình được khám xét và chữa trị thì có thể bệnh tình thuyên giảm được phần nào.

Tâm thần nhưng suốt 10 năm chưa rời con nửa bước

Khi con trai chị Sinh lên 6 tuổi, người bác nộp hồ sơ cho cháu đi học ở trường làng. Gia đình chị Sinh thuộc hộ nghèo nên cháu bé đi học được miễn giảm nhiều khoản đóng góp. Chị Sinh không hiểu có mừng vì con mình được đi học hay không, nhưng chị rất chăm chỉ đưa con đi học.

Tuy bệnh tật khiến tinh thần không bình thường nhưng chị Sinh luôn dành cho con trai mình tình yêu thương đặc biệt. Những người hàng xóm cho biết từ ngày con còn đỏ hỏn đến bây giờ con lên 10, không bao giờ chị Sinh rời con mình nửa bước, dường như lúc tỉnh hay lúc phát bệnh trong chị luôn thường trực nỗi lo sợ mất con, đưa con đến trường cũng đứng thấp thỏm ngoài cửa sổ đợi đón về.

Tại trường học của bé Hiếu, con trai chị Sinh, cô giáo chủ nhiệm chia sẻ: “Hiếu là một học sinh ngoan và khá thông minh, nhưng tính em rất trầm, ít nói. Giờ ra chơi em cũng ngồi tại chỗ không nô đùa với bạn bè. Những hôm mẹ đứng đợi ở ngoài cửa lớp thì em ra ngồi với mẹ! Tôi cũng cố gắng trò chuyện gần gũi để hiểu hoàn cảnh em hơn, nhưng chỉ nhận được cái gật đầu, lắc đầu, ánh mắt em lúc nào cũng buồn buồn nhìn xuống!”.

Trong hoàn cảnh điện đóm không, ăn uống thì bữa có, bữa không, nhưng điều bất ngờ là cả bốn năm liền con trai chị Sinh đều được danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Từ nhà chị Sinh đến chợ gần 20 cây số, đến trường học của con cũng tương đương như thế. Trước đây, chị không có phương tiện đi lại, người làng cứ thấy tuần 3 phiên chợ chị đi bộ, một bên tay bế con, một bên vai gánh củi ra chợ bán.

Đi từ mờ sáng thì phải 7h30 hai mẹ con mới dắt díu ra được đến chợ. Có hôm, chắc vì con quấy khóc dọc đường, lúc chị Sinh đến nơi thì chợ đã tan, chẳng ai mua củi cho, chị lại gánh về. Một người hay đi bán củi cùng chị cho hay:

“Chị Sinh bệnh tật có biết gì đâu, gánh được gánh củi cực nhọc là vậy nhưng chẳng biết bán, gặp người mua tử tế thì không sao, có người cho cái bánh đổi củi cũng gật. Mỗi gánh củi giỏi lắm được 10 ngàn, có tiền trong tay cũng chẳng biết tiêu!. Chỉ tội cho đứa nhỏ từ ngày còn đỏ hỏn đã phải đi theo mẹ hết ra chợ lại lên rừng chẳng kể nắng mưa, mùa đông cũng như mùa hè”.

Gần đây người anh trai đã gom góp số tiền chính quyền trợ cấp chế độ hộ nghèo cho chị Sinh để mua giúp chị một chiếc xe đạp. Nhưng với con đường gập ghềnh toàn đá dẫn lối vào nhà, hàng xóm thấy chị Sinh dắt xe nhiều hơn đi, những hôm chiếc xe hết hơi chị cũng không biết phải bơm lên nữa. Những người ở gần nhà thường thấy bà mẹ điên dắt chiếc xe cà tàng, đằng sau là đứa con trai ngồi ngất nghểu trên bó củi, đi lầm lũi từ rừng ra.

Ông Hà Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Phương Thịnh cho hay: “Biết hoàn cảnh éo le của chị Sinh, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ. Tuy nhiên khi đứa con ngày một lớn, chị Sinh ngày càng yếu đi, sẽ cần nhiều hơn nữa sự chia sẻ, hỗ trợ, động viên của cộng đồng để con chị có một tương lai tốt hơn”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm