Được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012” nhưng ông lại rất ít khi nói về mình, bởi đối với ông, việc cứu người chỉ đơn giạn là “trách nhiệm với đồng loại, tình nghĩa với con người. Bất cứ mình là ai, làm gì thì điều quan trọng nhất là đừng sống vô cảm”.
|
Thượng tá Lê Đức Đoàn |
Tặng lại “món quà sự sống”
“Định mệnh” cứu người đến với Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Công an thành phố Hà Nội trong một ngày làm việc bình thường như mọi ngày khác. Hôm đó, ông đang trực ở chốt đầu cầu Chương Dương, vị trí làm việc quen thuộc, còn cô gái ấy vẫn đi xe máy qua cầu như mọi ngày. Thế nhưng, trong cô đã nung nấu ý định tự tử vì chán chuyện gia đình, nên cô dừng xe và chui vào khe giữa làn đường ô tô, xe máy để chực nhảy xuống.
Nhận được tin báo, ông Đoàn nhảy ngay lên chiếc xe buýt đang lên cầu để đi đến chỗ cô gái, nhưng ông yêu cầu người lái xe đóng cửa để cô gái không nhìn thấy bộ cảnh phục của ông, đề phòng cô nhảy xuống khi ông chưa kịp tiếp cận.
"Khi xe buýt tiến lại gần cô ấy độ hơn một mét, cô ấy nhào xuống, tôi rướn người tóm lấy. Dù bị giữ chặt song cô gấy vẫn gào lên đòi chết. Tôi nói "Thôi thôi, bố xin". Cô ấy nghe câu "bố", hành động chậm dần lại. Rồi tôi kéo hẳn cô ấy lên…”, ông Đoàn nhớ lại.
Trong năm 2012 này, ông Đoàn cũng đã cứu được hai trường hợp định nhảy cầu quyên sinh. Đó là buổi tối 6/6/2012, đã gần 21h, hết ca trực, ông Đoàn nhận được tin báo có hai mẹ con nhảy cầu, người mẹ đang định đẩy đứa con gái chưa đầy 10 tuổi xuống trước rồi nhảy theo.
Thấy tình thế nguy cấp, thay vì lên tiếng như mọi lần, ông Đoàn xông ngay vào giằng lấy đứa trẻ từ tay bà mẹ, rất khó khăn nhưng cuối cung cũng thành công. Còn người mẹ, sau khi được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm phải mất gần một tiếng mới trấn tĩnh lại để cho biết, chị ta sinh năm 1960 nhà ở quận Đống Đa, HN, chồng chết, gia cảnh quá khó khăn nên quyết định tìm đến cái chết. Phụ nữ người nào cũng muốn gần con nên chị đã đưa đứa con gái hợp mẹ nhất đi theo mình để hai mẹ con cùng chết.
Buổi trưa 18/8/2012, một cô gái khá xinh đẹp đang đứng chênh vênh trên thành ống dẫn nước to chạy ngoài thành cầu, chuẩn bị nhảy xuống sông. Phải mất một lúc lâu vừa thuyết phục vừa khôn khéo tiến đến gần, ông Đoàn mới lôi được cô gái vào trong và từ đó cho tới 3 giờ sau, cô gái chỉ khóc nức nở mà không nói được lời nào.
Sau này đã bình tâm lại, cô gái cho biết cô sinh năm 1985, người Tây Ninh, lấy chồng người Hà Nội và theo chồng ra Thủ đô sinh sống. Cô vừa sinh con được 10 tháng, cuộc sống khó khăn đã khiến vợ chồng cô liên tục xô xát. Trưa hôm đó, sau một trận cãi nhau kịch liệt với chồng, cô đã chạy ra khỏi nhà, thuê xe ôm lên cầu với ý định gieo mình xuống sông cho hết khổ…
Những day dứt khôn nguôi
Phần lớn những trường hợp có ý định tự tử được Thượng tá Lê Đức Đoàn cứu sống đều xuất phát từ nguyên nhân những mâu thuẫn bình thường trong cuộc sống, có thể hóa giải được. Thế nhưng, thay vì tìm cách tháo gỡ, họ lại nỡ “vứt” đi món quà thiêng liêng của trời đất dành cho mình: sự sống. Đó cũng là điều khiến cho ông Đoàn day dứt.
“Nhiều trường hợp cứ ám ảnh tôi mãi. Dù giải cứu thành công song tôi vẫn cảm thấy đắng lòng trước những cảnh đời và suy nghĩ như thế. Thực tế họ có thể tìm được những hướng đi khác tích cực hơn cho cuộc đời, tôi muốn họ luôn nghĩ như thế", ông Đoàn trầm tư nói.
Cũng đã không ít lần, ông Đoàn đến không kịp, nạn nhân đã kịp nhảy xuống sông. Nước xiết, cầu cao, không chết vì nước thì cũng thiệt mạng vì va đập vỡ nội tạng. Ông Đoàn bất lực đứng nhìn mà trong lòng đau đớn.
Trong “sự nghiệp” cứu người tự tử của mình, ông từng một lần nhảy xuống sông cùng người tự tử, dù rằng mặt cầu cách sông hơn 20m, nguy cơ tổn thương khi đập người xuống mặt nước rất cao. “Nhưng tôi không thể chỉ đứng nhìn, không nhảy vì như thế là quá vô cảm”, ông khẳng định.
Ông Đoàn cho biết khi tiếp cận với người tự tử để cứu họ ông thường căn cứ vào tuổi tác để xưng danh bố/con, anh/em, chú/cháu tạo cho họ cảm giác là trên đời này vẫn còn người rất yêu thương quan tâm đến mình chứ không phải bế tắc hoàn toàn.
…Gặp ông trong một buổi hội thảo về chủ đề phòng tránh nạn tự tử, tôi mãi ấn tượng về câu chuyện ông kể và cái dáng đi nghiêng nghiêng của ông (trong một lần tham gia bắt cướp có vũ trang, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã bị thương nặng thành thương binh 3/4). Sau cái dáng đi và gương mặt khắc khổ ấy là một trái tim thấm đẫm tình người…
Hồng Minh