Tọa đàm có sự tham gia của nhiều cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách và pháp luật cạnh tranh từ một số cơ quan cơ và doanh nghiệp có quan tâm cũng như giảng viên của trường Đại học Ngoại thương.
Trưởng nhóm nghiên cứu PGS, TS Tăng Văn Nghĩa - Trường Đại học Ngoại thương, ThS Nguyễn Thùy Anh đã trình bày giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Đây là một quá trình nghiên cứu tích cực, dựa trên sự thu thập kiến thức, số liệu, kinh nghiệm thực tiễn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả những quốc gia – nơi có thực tiễn chính sách và pháp luật cạnh tranh phát triển.
Theo nhóm nghiên cứu, Cạnh tranh trung lập (Competitive Neutrality) là một chủ đề mới, đang được nghiên cứu và triển khai ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Để cải thiện môi trường cạnh tranh hướng tới sự công bằng và bình đẳng cho mọi chủ thể tham gia thị trường, cạnh tranh trung lập phải được nghiên cứu để lồng ghép vào chính sách kinh tế cũng như chính sách cạnh tranh.
Cạnh tranh trung lập được xác lập khi một “sân chơi chung – Level Playing Field” cho mọi doanh nghiệp (DNNN cũng như DN dân doanh) được tạo ra và duy trì bằng các quy định pháp lý và quá trình thực thi các quy định này. Tại Việt Nam, một nguyên tắc có tính hiến định là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, DNNN chiếm tỷ trọng lớn, nắm giữ nhiều nguồn lực và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Đây là một thách thức lớn khi tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh công bằng giữa khối DNNN – những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao và khối doanh nghiệp dân doanh khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để DNNN không sử dụng lợi thế cạnh tranh có nguồn gốc từ những ưu đãi của nhà nước để cạnh tranh bình đẳng với mọi doanh nghiệp khác trên thị trường.
Trong phần khuyến nghị, nhóm nghiên cứu nêu ra quan điểm: tính trung lập trong cạnh tranh phải được duy trì thông qua xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp và hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh hiệu quả. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam tham gia TPP, EVFTA hay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, nhà nước phải duy trì môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng cho mọi chủ thể tham gia thị trường.
Tại buổi tọa đàm, TS Trần Mai Hiến – Chánh văn phòng Hội đồng cạnh tranh cũng nêu bật ý nghĩa thực tiễn chủ đề nghiên cứu, sự kỳ vọng của doanh nghiệp về việc duy trì tính trung lập trong cạnh tranh và kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thời sự khi quá trình sửa đổi Luật Cạnh tranh tại Việt Nam đang bắt đầu.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh văn phòng Hội đồng cạnh tranh cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ đề khi các nước đang có những nghiên cứu tiên phong về vấn đề này và Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm hoàn thiện chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách đối với DNNN trong điều kiện tự do hóa thương mại ở mức độ cao.
Ngoài ra, ông Phùng Văn Thành – Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục QLCT bổ sung thêm quan điểm cho rằng nghiên cứu cạnh tranh trung lập – mặc dù chủ đề này có thể coi là có manh nha ngay từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 cơ hiệu lực với tính cách là một đạo luật chung cho cả DNNN lẫn DN dân doanh – thật sự có ý nghĩa trong việc xem xét sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004. Đồng thời, nếu có điều kiện, vấn đề cạnh tranh trung lập nên được nghiên ở quy mô và mức độ cao hơn nữa phù hợp với bối cảnh mới của thời đại.
Ngoài việc thể hiện sự hợp tác có hiệu quả trong nghiên cứu với đối tác là Viện Thương mại thế giới (WTI – Thụy Sĩ), nhiều ý kiến cũng cho rằng kết quả nghiên cứu cũng mở ra cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo giữa nhà trường và cơ quan thực thi pháp luật nhằm chuyển giao tri thức nghiên cứu vào thực tiễn, bổ sung thực tiễn vào hoạt động nghiên cứu giảng dạy của cơ sở đào tạo.