Cấp bách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nghiên cứu bổ sung vào Danh mục các quy hoạch một số quy hoạch kết cấu hạ tầng và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất sản phẩm cần thiết, cấp bách, mang tính chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ KH&ĐT, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ KH&ĐT, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ. (Ảnh minh họa)

Thiết lập hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, dễ theo dõi và thực hiện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây đã có tài liệu tổng hợp thông tin về kết quả thực hiện Luật Quy hoạch (QH), trong đó nêu bật những kết quả đạt được, thẳng thắn nhận diện những hạn chế trong triển khai thi hành Luật QH để có được giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm Luật QH thực sự đi vào cuộc sống.

Theo đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ QH và lập, thẩm định, phê duyệt QH thuộc hệ thống QH quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này. Đáng chú ý, số lượng QH đã giảm từ 3.654 QH thời kỳ trước khi Luật QH có hiệu lực xuống còn 111 QH, giảm 3.543 QH (giảm 97%). Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống QH quốc gia với 111 QH, thay thế cho trên 3.600 QH trước đây, đã thiết lập một hệ thống QH thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp tích hợp QH từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các QH riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược QH, kế hoạch; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng và cả nước. Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước thay đổi phương thức quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật QH, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước; lựa chọn được đơn vị tư vấn lập QH và chủ yếu theo hình thức liên danh tư vấn.

Các bộ, địa phương đã tập trung nguồn lực, bố trí vốn theo quy định của Luật QH, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước để tổ chức lập các QH thuộc hệ thống QH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Không những thế, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về QH đã được đưa vào vận hành gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia từ năm 2018, hiện đang được vận hành, quản lý, khai thác trên cổng thông tin của Bộ KH&ĐT, được kết nối, liên thông với Cổng thông tin Chính phủ và của bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Danh mục các QH về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực, 4 bộ đã ban hành quyết định bãi bỏ 61 QH và 51 địa phương đã ban hành quyết định bãi bỏ 507 QH sản phẩm, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các QH ngành, lĩnh vực; tạo thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, quản lý và thúc đẩy phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường...

Cho phép chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập QH

Tài liệu của Bộ KH&ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận việc chưa hoàn thành lập, phê duyệt hệ thống các QH quốc gia và phân tích các nguyên nhân của thực trạng này.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập QH thời kỳ 2021 – 2030, Bộ KH&ĐT đã đề xuất một số giải pháp cấp bách. Cụ thể là cho phép hướng dẫn quy trình lập QH để lập QH cấp quốc gia, QH vùng và QH tỉnh tại Điều 16 Luật QH để thể hiện cách thức tích hợp QH… Bộ cũng đề nghị áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập QH cấp quốc gia và QH vùng, QH tỉnh chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nghiên cứu bổ sung vào Danh mục các QH một số QH kết cấu hạ tầng và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất sản phẩm cần thiết, cấp bách, mang tính chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu QH quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về QH; chỉ đạo khẩn trương thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các QH thuộc hệ thống QH quốc gia trong thời gian sớm nhất… Về lâu dài, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật QH và các luật, pháp lệnh có liên quan đến QH; kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này để đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác QH.

Đọc thêm