Cấp sổ đỏ cho dinh thự “vua Mèo” tại Hà Giang: Địa phương tự “quốc hữu hóa” tài sản của người thừa kế hợp pháp?

(PLO) - Cách đây 1 tháng, ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo – nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) đã gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì lo ngại “sự việc dẫn đến những diễn biến xấu” xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho tòa Dinh thự họ Vương.
Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2. Ảnh: hachi8
Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2. Ảnh: hachi8

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trước 31/8, UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTT&DL phải có báo cáo về quá trình xử lý kiến nghị của ông Vương Duy Bảo gửi Thủ tướng.

Bộ VHTT khẳng định “không quốc hữu hóa”

Trong đơn trình bày của ông Bảo, năm 1993, tòa Dinh thự họ Vương (tại Đồng Văn, Hà Giang) được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”. Năm 2002, gia đình họ Vương mới biết đến quyết định này khi được yêu cầu di dời ra ngoài để trùng tu dinh thự làm Bảo tàng theo Văn bản 937-QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin. 

Ông Vương Quỳnh Sơn (con trai “vua Mèo” Vương Chí Sình) cũng đã có thư gửi tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin về việc này. Thông báo số 1125/2002 Bộ Văn hóa Thông tin lúc đó khẳng định, "việc xếp hạng di tích và đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích nhà Vương không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được thừa kế hợp pháp".

Nhưng từ năm 2012, UBND tỉnh Hà Giang đã “âm thầm” cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với dinh thự họ Vương (gồm hơn 8.000m2 với mục đích sử dụng là đất có di tích, danh thắng) mà không thông tin gì với gia đình họ Vương người H’Mông. Những người thừa kế hợp pháp tài sản này chỉ biết khi có nhu cầu làm sổ đỏ thời gian gần đây. 

Việc này khiến gia đình họ Vương rất bức xúc vì “Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay” - ông Bảo nhấn mạnh. Hơn nữa, theo ông Bảo, "Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho Nhà nước".

Trước đó, vào tháng 6/2018, theo đơn kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, Bộ VHTT&DL có văn bản chuyển cho UBND tỉnh Hà Giang trả lời yêu cầu của ông Vương Duy Bảo về việc việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên. Văn bản trả lời của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Giang khẳng định, việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin đối với mảnh đất gắn liền với dinh thự họ Vương “là phù hợp quy định của pháp luật”. Đại diện dòng họ Vương không chấp nhận cách giải thích này.

Nên “để tránh sự việc dẫn đến những diễn biến xấu, tôi là đại diện chủ sở hữu họ Vương khẩn thiết mong Thủ tướng giúp giải quyết sự việc trên để trả lại quyền sử dụng mảnh đất gắn với tòa Dinh thự này hơn 100 năm nay” - ông Vương Duy Bảo viết trong đơn gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với mong muốn giữ lại quyền sở hữu chính đáng đối với tài sản của gia tộc, vốn là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”. 

Hiện yêu cầu của ông Vương Duy Bảo đang được VHTT&DL xử lý theo xác nhận của ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ chiều 19/8. ĐỒng thời, Bộ VHTT&DL sẽ sớm lập đoàn đến Hà Giang kiểm tra sự việc.

Chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho Nhà nước

Chia sẻ trên báo VnExpress, ông Vương Duy Bảo kể lại, trước khi mất, “vua Mèo” Vương Chính Đức chia toà dinh thự tại thành ba phần: Tiền dinh do cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn quản lý; trung dinh do con thứ 3 Vương Chí Chư quản lý; hậu dinh do con út Vương Chí Sình (sau này là người kế nghiệp) quản lý. Việc phân chia này có sự chứng giám của các đầu dòng, đầu họ người H’mông. Vì vậy, theo ông Bảo, gia đình ông có quyền thừa kế hợp pháp dinh thự trên.

Ông Bảo cũng thừa nhận năm 2002, bố ông là Vương Quỳnh Sơn có vận động mọi người trong dinh thự chuyển ra ngoài sinh sống. Họ Vương đề nghị nhà nước hỗ trợ 230m2 đất và tiền để dựng nhà cửa "nhưng Nhà nước chỉ hỗ trợ tổng số tiền 500 triệu đồng cho ba chủ thể sở hữu dinh thự họ Vương. Số tiền hỗ trợ đó chỉ để các gia đình họ Vương chuyển ra ngoài sinh sống, tạo thuận lợi cho việc trùng tu và bảo vệ lâu dài dinh thự. Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho Nhà nước", ông Bảo thông tin với VnExpress.

Hôm qua (21/8), ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa Dinh thự họ Vương, trong đó, có rà soát nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dinh thự này. Chia sẻ về những bức xúc liên quan đến quyền sở hữu Dinh thự họ Vương, ông Bảo nhắc thêm, nếu không giải quyết việc trả lại quyền sở hữu đất khu dinh thự họ Vương, gia đình có thể xem xét khởi kiện ra tòa!

Theo khoản 1 Điều 32  Hiến pháp năm 2013, “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”. Như vậy, với quyền sở hữu hợp pháp của họ Vương người Mông với Dinh thự “vua Mèo” được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Trong trường hợp cụ thể này, việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn với phần đất gắn với Dinh thự “vua Mèo” không thể được coi là hợp pháp vì không thuộc diện được quy định khoản 3 Điều 32  Hiến pháp năm 2013 là “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. 

Trước Cách Mạng tháng 8, cụ Vương Chính Đức (1865 - 1947) là vua H'Mông (hay còn gọi là Vua Mèo) ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) quản lý, chi phối toàn bộ khu vực cực Bắc, cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc, với khoảng 7 vạn dân. Ông Vương Chí Sình (1886 - 1962), con trai thứ hai của cụ Vương Chính Đức, người kế nghiệp vua H'Mông và là ông nội của ông Vương Duy Bảo – người đang có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về quyền sở hữu của dòng họ Vương người Mông đối với tòa dinh thự “vua Mèo”.

Những nét đặc sắc của dinh thự vua Mèo 

Dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức nắm giữa thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang là một công trình với kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

Dinh thự có những hàng cây sa mộc cao vút, thẳng tắp hàng trăm năm tuổi. Chiếc cổng đá của dinh hiện lên bề thế được chạm trổ tinh tế. Cổng nhà cong, uốn lượn với những cánh dơi – biểu tượng cho chữ “phúc”. Mái cổng bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, với nhiều kiểu hoa văn.

Dinh có tuổi đời gần 100 năm, “vua Mèo” đã thuê nhiều thợ giỏi là người Trung Quốc và người Mông cùng hàng nghìn công nhân, xây dựng dinh thự trong gần 10 năm. Công trình tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng (tương đương với 150 tỉ tiền Việt Nam lúc bấy giờ).

Dinh có 3 cung tiền, trung và hậu, với 64 phòng lớn nhỏ, có sức chứa khoảng 100 người. Giữa các dãy nhà gỗ 2 tầng khép kín là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng. Bao quanh khu nhà là vườn cây với nhiều loại cây: cây sa mộc, cây quế, đào, lê, các loại hoa…

Nét đặc sắc của khu dinh thự nằm ở cấu trúc và cách bố trí các phòng. Dinh thự như một pháo đài kiên cố, các bức tường dày, được xây bằng đá xanh, ngói đất nung và đồ gỗ trong các dãy nhà là gỗ thông đá. Dinh có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản, kho vũ khí, kho thuốc phiện, cách bố trí các phòng tựa như một thành quách thu nhỏ.

Điểm nhấn nữa của dinh là nghệ thuật điêu khắc trong các phần của dãy nhà, mang đậm dấu ấn của dòng họ Vương, dấu ấn của hoạt động buôn bán thuốc phiện. Nhiều chi tiết bằng đá của tòa nhà được chạm khắc cầu kì, khéo léo mang các biểu tượng cho sự phú quý, hưng thịnh. Những chân cột được chạm khắc hình cuống quả thuốc phiện to như cái chum, giống đến từng chi tiết, được mài cho thật bóng bằng bạc trắng. Các trụ cầu thang cũng là tác phẩm điêu khắc bằng đá quý giá, mang bóng dáng của cây hoa anh túc. Các họa tiết trên xà nhà, trái nhà, các cánh cửa, cửa sổ chạm hình quả thuốc phiện tinh xảo, bắt mắt.

Trải qua bao biến động của thời gian và chiến tranh, một số vật liệu trong khu dinh thự đã bị thay thế, nhưng vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc độc đáo.

(Theo dulichhagiang.vn)

Trong bài viết “Bàn về khái niệm quốc hữu hóa trong giai đoạn hiện nay” (đăng trên http://tcdcpl.moj.gov.vn), bà Trịnh Phương Thảo (VKSNDTC) cho biết, “tính đến thời điểm này, vẫn chưa có một văn bản có tính pháp lý nào đưa ra một định nghĩa, hay khái niệm chính xác và tổng quát nhất về quốc hữu hóa. Thậm chí ngay cả Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ đề cập một cách khái quát về quốc hữu hóa trong Chương II - Quyền con người, quyền và các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nên chăng, Đảng và Nhà nước ta cần nghiên cứu và đưa ra một khái niệm cụ thể về quốc hữu hóa để giúp nhân dân dễ hình dung, từ đó có một cái nhìn đúng đắn về vai trò, tính cần thiết của hoạt động quốc hữu hóa do Nhà nước tiến hành. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa nội dung cơ bản của Hiến pháp, đồng thời xóa bỏ những góc nhìn hạn hẹp và chưa đúng về bản chất, khái niệm quốc hữu hóa vốn có trước đó trong xã hội”.