Cáp treo “made in”…Hai Lúa

Tôi đi về vùng quê đầu nguồn tỉnh An Giang và bất ngờ chứng kiến các lão nông đang… lướt gió vù vù qua kinh. Giật mình dòm kỹ lại mới biết các bác nông dân nhà ta đang đứng trên “cáp treo” lướt sóng.

Tôi đi về vùng quê đầu nguồn tỉnh An Giang và bất ngờ chứng kiến các lão nông đang… lướt gió vù vù qua kinh. Giật mình dòm kỹ lại mới biết các bác nông dân nhà ta đang đứng trên “cáp treo” lướt sóng.

Có cáp treo con cháu ông Nê qua kinh tiện lợi hơn

Lão nông “chế” cáp

Con đường quê nằm xa lắc lại cách trở kinh rạch nhưng ở miệt biên giới này hỏi người dân cáp treo  của ai mà ngộ vậy thì 100% dân bản xứ đều trả lời đó là “công trình” có một không hai của cha con ông Võ Văn Nê, 58 tuổi, nhà ở bờ kênh Phú Hữu thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang chế tạo qua kinh rạch cho cánh nhà nông bớt nhọc nhằn.

Nghe tiếng người hú gọi tên ông Nê, anh Võ Văn An, con ông Nê phía bên kia ngó dáo dác qua. Thấy khách đứng bên này bờ kinh vẫy tay, An hiểu ý lật đật xỏ vội cái áo, tháo sợi dây buộc cáp treo rồi đứng lên cáp đẩy qua đón khách. Vừa chớp mắt cái đã thấy cáp treo cùng An đứng sừng sững trước mặt.

Ông Nê đã già nhưng còn cường tráng. Đãi khách ấm trà ông kể rổn rảng về cáp treo với ánh mắt tự hào. Ông nói ông đi làm nông từ lúc tóc còn để chỏm, ngày nào cũng lội cầu khỉ qua hai bờ kinh muốn mòn chân…Nhưng sau này ông thấy bất tiện quá, hình ảnh cây cầu khỉ làng quê trở nên lạc hậu,  con cháu qua cầu khỉ đi học hay té, người nhà bị bệnh phải có ghe xuống chở qua bên kia, rồi tới mùa lúa khiêng vác cũng khó khăn…Kể tới đây ông Nê trầm ngâm : “Muốn xây cầu to khó lắm vì ghe xuồng chạy qua lại kinh này hà rầm, vướng víu phải gỡ cầu ra hoài. Với lại nền đất yếu, mống cầu mau sụp lắm, được một thời gian là hư…”

Một dạo đứa cháu leo cầu khỉ rớt xuống sông ông Nê thấy xót quá nên quyết định phải làm cái gì đó. Nghĩ vậy, ông mầy mò tự vẽ cây cầu treo giống như mấy cái ông bắt gặp trên truyền hình.  Ông làm bí mật vì sợ bị hàng xóm cười. Đâu gần một tháng ,ông Nê mới hoàn thành bản vẽ “cáp treo”. Ông đi gặp hàng xóm xin lấy ý kiến ai cũng la trời, thôi qua cầu khỉ té cũng không sao, còn đi “cáp treo” té nguy hiểm lắm đa. Nghe người ta bàn ra, ông Nê không nản lòng chí , vận động bà con thân tộc cùng làm.

Năm 2007 ông Nê cầm 500.000  đồng đi mua dây sắt 10 ly, dây cáp, con đội, thanh sắt… chế chiếc cáp đã vẽ. Ông Nê dùng bốn thanh sắt hàn thành chiếc cáp có hình như cái bánh ú đáy lót lỗ vừa chỗ cho ba người đứng với trọng lượng trên 240kg, phía trên đỉnh ông cho bắt hai con đội và móc vào hai sợi dây cáp dài 35m kéo căng ngang kinh được chịu lực bởi 4 cột trụ đá xi măng cao trên 7m. Ông Nê thiết kế thêm hai dây nhỏ lòn ngang chiếc cáp để kéo cho cáp di chuyển. ông ướm thử từ mặt nước lên tới đáy của cáp treo cách xa khoảng 20m nên ghe tàu chạy qua không sợ bị vướng.

Ngày đầu ông vận hành cáp treo người dân xem đông nghẹt, vỗ tay hoan hô rần trời. Nhưng sau vài ngày chạy thử nghiệm chở cát đá, cáp treo kêu bựt bựt rồi mấy cây trụ đá gẫy lìa lặc. Ông Nê mày mò làm tiếp, sau nhiều lần thử nghiệm cuối cùng ông  phát hiện chỉ căng hai dây cáp treo vào thân hai cây còng to mọc ven kinh mới chịu nổi.

Nhà nông mang lỉnh kỉnh thuốc trừ sâu, phân bón ra đồng lên cáp đi cũng nhẹ nhàng hơn

Cám ơn chú Nê!

Ban đầu người ta đồn nhau ông Nê chế cáp treo ai cũng cười ruồi : “ Thôi, đừng kể mấy chuyện tào lao”. Thế rồi sau đó một đồn mười, rồi mười đồn trăm… cứ lan xa dần. Những ai từng một thời nghi ngờ  ông Nê cũng chột dạ nghĩ thầm : “ Mình nghĩ oan cho ông ấy”.  Thế là ban đầu từ cười cợt, phản bác , người dân  địa phương gặp ông thật thà xin lỗi vì trước đó lỡ lời. Ông Nê cười sảng khoái “Có gì đâu!”

Ông Năm Nhàn cách xa nhà ông Nê hơn một cây số nghe tin ông Nê chế cáp bán tính bán nghi tới xem thử. Xem xong thấy tiện lợi quá, ông đích thân lên cáp đẩy qua bên kia kênh rồi trở lại thích chí vô cùng. Về nhà ông Năm Nhàn hối con làm cáp qua sông.

Ông kể: “ Quá tiện lợi, hồi đó qua kinh, ra ruộng phải lấy xe Honda chạy hơn 12km, qua cầu ván mới ra được đồng. Còn không thì chống xuồng bơi qua kinh nhưng hôm nào tụi nhỏ lấy xuồng đi câu cá phải mượn nhờ phiền phức lắm. Còn làm cáp xong muốn qua cáp giờ nào cũng được’. Ông Nhàn kể, noi gương ông Nê ông làm cáp và nhà nông nào nhà xa nhưng có ruộng lúa bên kinh phải chạy xe lòng vòng ra ruộng ông đều kêu bỏ xe ở gần nhà ông, lên cáp qua sông cho đỡ tốn công, tốn xăng xe.

 Ông Trần Văn Bò, ở  ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lợi vui miệng nói hồi đó ra đồng phải leo cầu khỉ qua sông. Hay tin cáp treo, tưởng thiên hạ nói chơi, ông rủ mấy ông bạn già đi hơn bốn cây số tới xem . Xem xong khoái quá, nhóm ông Bò đồng lòng hùn tiền làm  cáp. Ông Bò khoe: “Cái cáp treo có triệu mấy à, người hùn vài trăm mà nhất cử lưỡng tiện vô cùng. Ngày xưa qua kinh khó khăn, còn bây giờ vác lúa giống, phân bón dễ ẹt mà không tốn sức”.

Gia đình anh Năm Tùng lướt cáp

Ông Bò nói không ngoa, từ ngày ông Nê chế cáp, những nhà dân, nhà nông nào nằm cạnh con kinh có bề ngang 40-50m điều bắt chước ông Nê xây cáp treo. Ai tới hỏi ông Nê đều chỉ dẫn tỉ mỉ. Thế nên quả thật khi tới ấp Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hậu đã thấy quá trời cáp treo đu đưa qua lại kinh. Anh Năm Tùng nói nếu tính sơ sơ thì huyện An Phú đã có hơn chục cái cáp treo vừa của cá nhân vừa của tập thể hùn lại.

“Nông dân tụi tôi hùn tiền lại làm đó, có nó vui lắm, trẻ nhỏ qua sông cũng an toàn hơn chứ cứ lội cầu khỉ dài dài, trẻ nít và người già đều khổ. Nghĩ lại chú Nê tài thật! Cảm ơn chú Nê!” - anh Năm Tùng hồ hởi.

Tây Miền

Đọc thêm