Cặp vợ chồng bất hạnh 8 lần sinh nở, 5 lần mất con

(PLO) -Tám lần mang nặng đẻ đau nhưng 5 lần vợ chồng bà Minh mất con. Trong số 3 người còn lại, cô con gái út lại mắc bạo bệnh. Cuộc sống gia đình đã nghèo khó lại thêm phiền muộn.
Gia đình bà Minh nhiều năm thuộc diện  nghèo.
Gia đình bà Minh nhiều năm thuộc diện nghèo.

5 người con yểu mệnh

Trưa muộn, bà Hoàng Thị Minh (SN 1961, ngụ xóm 1 Hòa Hợp, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) vẫn ngồi ôm đứa con gái út Nguyễn Thị Hiền (SN 2007) trên tay, nhẹ nhàng tra thuốc vào vùng lở loét ở cổ chân. Bà cho biết: “Hai chân của nó (Hiền – PV) bị liệt từ hai đầu gối trở xuống. Vậy mà nó cứ cố lết đi nên cổ chân mới bị chai sần rồi loét như này”. 

Bà Minh quê gốc ở xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương). Bà quen ông Nguyễn Đình Ký (SN 1961) từ những lần lên rừng nhặt củi về bán. Đến năm 1982, hai người nên duyên vợ chồng. Nội, ngoại đều khó khăn, vợ chồng trẻ may mắn có ít sào ruộng khoán để trồng cây lúa, luống khoai.

Một năm sau ngày cưới, vợ chồng bà Minh hạnh phúc đón con đầu lòng. Nhưng chưa đầy 1 tuổi, đứa bé mắc bệnh viêm màng não cấp rồi qua đời. “Thời ấy vì kinh tế eo hẹp nên thấy con nhỏ liên tục quấy khóc, vợ chồng tôi không đưa đến bệnh viện thăm khám liền. Chỉ đến khi bệnh tình con chuyển xấu, gia đình mới đưa đi điều trị thì đã quá muộn”, bà Minh lạc giọng khi nhắc đến đứa con xấu số.   

Cuối năm 1984, đôi vợ chồng ấy có thêm đứa con thứ hai, được đặt tên là Nguyễn Minh Đức. May mắn là Đức khỏe mạnh bình thường. Nhưng 3 đứa con tiếp theo của vợ chồng bà Minh liên tiếp từ 1986, 1987, 1988 đều qua đời khi còn đỏ hỏn. “Ba đứa con xấu số ấy, đứa thì mới sinh được vài ngày, đứa vài tuần thì ốm yếu mà tắt thở trên tay tôi. Vợ chồng tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy”, bà Minh kể.

Đau thương liên tiếp ập xuống khiến gia đình nghèo càng kiệt quệ. Mấy năm liền, vợ chồng bà Minh cứ như người mất hồn. Nhưng, tai họa vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2004, đứa con thứ sáu của họ không may gặp nạn do bị điện giật. Dù được người thân kịp thời phát hiện đưa đi bệnh viện, nhưng thiếu niên 16 tuổi không qua khỏi. Ba tháng sau ngày con trai qua đời, bà Minh sinh tiếp con gái thứ bảy và 3 năm sau là con gái thứ tám, Nguyễn Thị Hiền.

Lao đao vì bệnh tật

Ngoài nỗi đau mất con, bà Minh còn phải nhận cú sốc khác. Năm 1997, sau thời gian mắt phải sưng đỏ, đau nhức, bà Minh vĩnh viễn mất con mắt đó. “Tôi đến bệnh viện thì các bác sỹ nói không thể chữa trị được nữa. Cuối cùng, họ đành phải lấy con mắt đó ra. Từ đó đến nay tôi chỉ nhìn bằng con mắt còn lại”, lời bà Minh.

Vợ gặp nạn chưa được bao lâu, ông Ký lại xuất hiện nhiều chứng bệnh như huyết áp, thận… nhưng chỉ âm thầm chịu đựng vì không có tiền đến viện. Do vậy, sức khỏe ngày càng giảm sút. Với ba người con còn lại, người con trai học xong cấp 2 đã nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng. Hai con gái học giỏi nhất nhì lớp, nhưng cô út lại đang phải chống chọi với căn bệnh khó chữa trị.

Bà Minh nghẹn ngào kể từ khi sinh ra cô bé đã có một khối thịt lồi sau lưng. Biết con gặp vấn đề khác thường nhưng vì túng thiếu nên hai vợ chồng không dám đưa đi viện. Đến khi thấy con kêu đau nhiều hơn ở vùng lưng và hai chân, bà Minh lại đi cắt thuốc nam về sắc uống vì nghĩ con bị tiết niệu. Nhưng, càng uống bệnh tình con càng nặng. Hai chân từ đầu gối trở xuống bỗng teo dần. Có khi, đang học cô bé bị ngất xỉu. Cứ như thế, suốt 8 năm, cô bé phải chịu đựng sự giày vò của bệnh tật.

Bà Minh bên con gái út
Bà Minh bên con gái út

Chỉ đến năm 2015, nhận thấy bệnh tình của con gái ngày càng nặng, vợ chồng bà Minh mới vay mượn tiền bạc đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An thăm khám và giật mình khi biết con bị “thoát vị màng não tủy vùng chạm cầu cụt”. Nằm điều trị gần một tháng nhưng sức khỏe con gái không khá lên, bà Minh xin được đưa ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Vài tuần sau, vì số tiền mang theo cạn kiệt, hai vợ chồng đành ôm con về. 

Điều may mắn là vài tháng sau, có một mạnh thường quân biết chuyện đã ủng hộ cho gia đình 5 triệu đồng, cùng với việc bán thêm con bò, đôi vợ chồng ấy tiếp tục đưa con đi viện. Ca phẫu thuật thành công nên cháu Hiền đỡ đau hơn trước. Nhưng, trước khi phẫu thuật em còn có thể đi khập khiễng, thì nay đã không thể tự đi lại được. Vợ chồng bà Minh phải thay nhau đưa con đến trường.

Bà Minh ứa nước mắt kể: “Không tự đi lại được nên nó buồn lắm. Thấy bạn bè đi lại bình thường con gái có nói với tôi rằng “sao các bạn đi được mà con lại ngồi một chỗ”. Sau đó, nó tự lết chân đi khiến phần cổ chân bên phải bị chai sần rồi loét máu. Đợt gần đây, vì đau quá nên nó không dám đi như vậy nữa”.

Theo lời bà Minh, hiện nay em Hiền không những phải chống chọi với căn bệnh đó, mà còn mắc chứng bệnh liên quan đến thận, niệu quản và viêm loét dạ dày. Do vậy, sức khỏe ngày càng yếu, em không thể tự đi tiểu tiện được. Mọi sinh hoạt đều phải có người trợ giúp. 

“Hiện trong cặp của em ngoài sách vở còn có thêm chai nhựa để đựng nước tiểu và ống thông tiểu. Hàng ngày, tôi phải căn giờ để chạy lên trường thông tiểu cho con. Vậy nên, cũng không làm được việc gì để sinh sống, chủ yếu quanh quẩn trong nhà”, bà Minh tâm sự.

Kinh tế khó khăn, nhiều năm liền gia đình thuộc diện nghèo đói, trong khi con cái lại bệnh tật nên khi căn nhà nhỏ hư hỏng, vợ chồng ông Ký cũng không có khả năng sửa chữa. Hè năm 2016, căn nhà hai gian sụp đổ hoàn toàn khiến cả gia đình không còn nơi tá túc. Thấy vậy, chính quyền, bà con chòm xóm đã quyên góp, cất lại cho họ gian nhà nhỏ làm nơi chui ra chui vào. 

Ngước nhìn trần nhà với li ti lỗ hổng, bà Minh buồn rầu: “Đức vì hiểu rõ gia cảnh nhà mình nên chẳng dám yêu đương ai. Ngoài 33 tuổi, người ta có vợ con, nhà cửa, còn nó vẫn mải đi làm thuê, kiếm đồng tiền cho em và bố uống thuốc”.

Ông Phan Chính Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Võ Liệt xác nhận, hộ gia đình ông Ký, bà Minh thuộc diện khó khăn đặc biệt của xã. Nghèo đói, lại bệnh tật nên cuộc sống của họ hết sức chật vật. Hàng năm, nếu có đoàn tình nguyện nào về xã, chính quyền luôn ưu tiên giới thiệu đến gia đình bà Minh với hy vọng giúp họ giảm đi một phần khó khăn.

Đọc thêm