Cặp vợ chồng bỏ thủ đô về rừng

0:00 / 0:00
0:00
2h sáng, Xuân Dư thức dậy, đeo bao tróc lên rừng sơn. Nhìn anh, không ai tin mới tháng trước còn là một nhiếp ảnh gia nhàn nhã ở thủ đô.

Dư kể, đêm vùng cao lạnh buốt, rừng rậm rạp, cây gai cứa vào một bên vai đau xót, nhưng anh vẫn cố gắng bám sát bố mẹ vợ. Cả ba người luôn tay cắt cây, hứng mủ cho đến khi tiếng loa trong xóm vang lên thì tạm nghỉ giữa buổi. Cắt xong hơn 1.000 gốc sơn, ba người gom mủ rồi trở về nhà tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, cách rừng hai cây số.

Vợ chồng Dư và Hậu dựng căn nhà trong rừng, bên cạnh dòng sông Lô, với dự định tạo ra một chốn "bồng lai tiên cảnh" cùng với hai con. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mùng 5 Tết vừa rồi, Phạm Xuân Dư và vợ Phạm Thị Hậu, cùng 32 tuổi, đưa hai con 4 và 2 tuổi về Hà Giang định cư. Trước khi về đây, gia đình họ sống cùng ông bà nội ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dư là một nhiếp ảnh gia, còn vợ là thợ trang điểm, họ mở một studio trong nội thành với cuộc sống khá thoải mái.

Nhưng COVID-19 làm ngành cưới gần như đóng băng, thu nhập của vợ chồng giảm mạnh. Cùng thời điểm đó con thứ hai bị bạo bệnh. Cậu bé 7 tháng tuổi được phát hiện có khối u trung thất và chùm nang ở phổi, có thể chèn ép, ngừng thở bất cứ lúc nào. Em phải trải qua ca mổ cắt bỏ hai khối u cùng lúc.

"Ngày con vào phòng phẫu thuật, vợ chồng mình đều không biết con có sống được không. Mình khóc không biết trời đất gì nữa, ông xã đỏ hoe mắt vẫn cố gắng kìm nén để làm chỗ dựa cho vợ con", chị Hậu kể.

May mắn ca mổ thành công. Tuy nhiên giai đoạn hậu phẫu thuật, sức khỏe bé rất yếu. Vợ chồng Hậu hoang mang không biết bệnh của con đang ở mức độ nào, lúc này chỉ cần bỏ thời gian, tiền bạc là khỏi hay không thể cứu vãn nữa. Họ thêm hối hận thời gian qua vì mưu sinh mà bỏ lỡ nhiều thời gian bên con. "Đó là giai đoạn chúng mình không dám đi làm, không phải vì lười mà lo sợ ra ngoài mang dịch bệnh về lây cho con", vợ chồng nói.

Sau nhiều tháng loay hoay, túng quẫn cả tinh thần lẫn vật chất, một ngày Hậu đề nghị chồng: "Hay cả nhà về ông bà ngoại sống".

Cô ám ảnh về quãng thời gian suốt hai năm, mấy mẹ con chỉ nhốt mình trong căn phòng 25 m2. Trong ký ức của Hậu, tuổi thơ là những buổi đi chăn trâu nướng ngô, nướng sắn; hái quả dại trong rừng vừa ăn vừa trêu nhau. Cô nhớ những buổi chiều, lũ trẻ xuống sông Lô tắm, lúc cưỡi trâu về còn địu thêm bó rau rừng, bó củi, mặt hớn hở khi được bố mẹ khen.

Ngược lại, tuổi thơ của Xuân Dư là những ngày theo cha mẹ rời quê Nam Định lên thành phố mưu sinh, sống trong những không gian chật hẹp, tù túng. Nay vợ rủ về rừng, anh lo không biết mình có thể sống được và làm công việc chân tay hay không.

"Nhưng nghĩ đến về đó hai con sẽ được ăn rau quả sạch, được hít thở không khí trong lành, chứ không còn phải nơm nớp lo bị bệnh, chẳng còn lý do gì làm mình phải do dự", Dư bộc bạch.

Ông bà nội, ngoại hoàn toàn ủng hộ quyết định của các con. Nhất là ông bà ngoại, bởi họ có vườn rộng có thể trồng trọt và chăn nuôi, có hơn 4 hecta đất đồi trồng chè, sơn và cam chỉ việc thu hoạch. "Mấy năm nay giá mủ sơn 400.000 đồng một kg. Về đây với bố mẹ chịu khó ngày ngày đi cạo mủ cũng đủ ăn", ông Phạm Văn Sơn, 56 tuổi, động viên chàng rể.

Xuân Dư và hai con khi sống ở Hà Nội, mùa hè năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng Dư bắt tay gây dựng tương lai ở vùng sơn cước. Chàng nhiếp ảnh gia học cách đi ngủ từ 8h tối, đến gần 2h sáng thức dậy sửa soạn áo quần để lên rừng với bố mẹ. Ở Hà Nội, thường giờ đó anh mới ngủ, về đây đã phải dậy nên mấy hôm đầu chàng rể uể oải, mỗi lần ra khỏi chăn ấm là một lần đấu tranh. "Nhưng sau vài hôm được hít khí trời hiền hòa tôi cảm thấy người tỉnh táo, khỏe khoắn", Dư cho hay.

Trong khi chồng và bố mẹ đi làm, Hậu chăm hai con và chuẩn bị cơm nước để khi mọi người về có cơm ăn. Chiều mỗi ngày, vợ chồng cô cùng nhau xây dựng ý tưởng cho kênh YouTube với hy vọng sẽ tạo ra một nguồn thu trong tương lai. Trước khi về quê, họ đã xây dựng được kênh có gần 10.000 lượt đăng ký, hàng tháng đã có thể bổ sung một vài triệu cho thu nhập của gia đình. Giờ đây về rừng, họ hy vọng sẽ khai thác được những nội dung phong phú hơn.

Để có không gian làm phim, ban đầu hai vợ chồng đi khảo sát quanh đồi nhà mình, cuối cùng chọn một khu đất nằm cạnh sông để dựng căn nhà sàn. Nơi sơn thủy hữu tình này, họ sẽ trồng trọt và chăn nuôi, để tạo ra một không gian như "tiên cảnh" cho người hâm mộ.

Xác định vậy nhưng bắt tay thực hiện không hề dễ dàng. Những ngày tiếp theo, họ phải lên đồi cao chặt những cây xoan bố trồng nhiều năm về dựng cột nhà. Họ ngược dòng lên rừng chặt nứa về làm vách, làm sàn. Có hôm đang kết bè nứa xuôi dòng để về nhà thì thủy điện xả lũ, nước tự nhiên dâng cao và chảy xiết. Họ buộc vội bè vào gốc cây to, chạy lên bờ tránh lũ, đợi nước rút mới dám chèo về.

Ngày dựng nhà cực nhất nhưng cũng là ngày vui nhất. Vợ chồng Dư không dám nhờ nhưng bà con trong xóm nghe tin là tự kéo đến phụ giúp. Tất cả san đất làm móng, vác gỗ, vác tôn rồi hò nhau kéo cây cột. Những giọt mồ hôi hòa lẫn với tiếng nói cười, bên dòng nước biếc xanh.

Vợ chồng Dư sau một buổi lao động bên căn nhà sàn, cách nhà chính khoảng một cây số, tháng 2/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoảnh khắc thở phào sau khi nhìn căn nhà được dựng lên, cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ tràn đầy niềm tin vào tương lai, rằng chỉ một vài tháng nữa, rau sẽ biếc xanh, hoa đủ sắc màu dập dờn trong vườn nhà. Hai con của họ sẽ ôm thỏ chạy nhảy, những chú gà cục tác đẻ ra quả trứng nóng hổi trong chuồng.

Bản thân Dư từng bôn ba trong Nam và ra nước ngoài kiếm sống. Suốt thời đôi mươi, anh chỉ nghĩ phải làm ra thật nhiều tiền để hai con cũng được bằng bạn bằng bè. Nhưng qua biến cố, họ nhận ra có kinh tế mạnh cũng chẳng để làm gì nếu con không còn nữa.

"Chúng mình chọn cuộc sống ít tiền hơn nhưng có nhiều thời gian hơn cho con", Xuân Dư nói.

Đọc thêm