Ông Dũng cười hiền: “Nhiều người hỏi vì sao lại chọn cái nghề vừa dơ vừa cực vậy? Nghề này dưới đáy xã hội thật nhưng vợ chồng tui nghĩ không có gì phải xấu hổ vì mình làm ăn lương thiện; tuy vất vả, lời lãi ít ỏi nhưng phần nào cũng đỡ đần được người nghèo khổ hơn mình là vui rồi...”.
Hơn 20 bám nghề
Những ngày cuối năm, đường phố Sài Gòn dường như càng nhộn nhịp tất bật hơn mọi ngày thế nhưng ở một góc đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua phường 1, quận 5, TP.HCM) vẫn bình yên. Ngay bên góc vỉa hè chật chội, dưới những tấm bạt cũ kỹ co kéo lắm mới đủ dựng lên một mái chòi, bên trong không có gì đáng giá chỉ ngổn ngang những chiếc bồn cầu cũ được lượm về từ những công trình xây dựng; ấy thế đôi vợ chồng nghèo vẫn cần mẫn làm việc và vui vẻ hài lòng với những gì mình đang có.
Giữa trưa, bà Minh bận bộ đồ bảo hộ tuềnh toàng, hai bàn tay trần thoăn thoắt cọ rửa từng chiếc nắp bồn cầu cũ đã ngả màu ố vàng. Những lúc được hỏi, người phụ nữ có gương mặt hiền hậu chỉ khẽ ngẩng đầu nhìn khách trả lời hoặc nở nụ cười tươi, còn đôi bàn tay vẫn không ngừng làm việc.
Bà Minh được sinh ra trong khu “ổ chuột” ở đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8). Theo lý giải của bà, gọi là khu “ổ chuột” bởi nguyên cả một khu phố gia đình nào cũng nghèo, ai cũng làm thuê làm mướn, nhà cửa lụp xụp, cũ kỹ, suốt mấy chục năm trời chẳng có lấy một khoản tiền để sửa sang.
Còn trẻ nhỏ nhiều đứa không được đến trường. Nhà neo người, bà Minh là con duy nhất. Bởi vậy, dù chung một cảnh nghèo nhưng bà Minh vẫn may mắn hơn những bạn bè cùng trang lứa vì được đi học đến khi biết đọc biết viết.
Nghỉ học, bà Minh theo mẹ buôn thúng bán bưng. Năm 16 tuổi, vì phải lòng chàng thanh niên đốt than ở phố bên có tính tình thật thà chăm chỉ nên bà năng lui tới chuyện trò. Tình yêu sớm nảy nở, gia đình hai bên cũng tác hợp tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ được nên duyên vợ chồng.
Sau ngày cưới bà về nhà nhà chồng ở hẳn. Nhà ông Dũng cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Gia đình đông con, ông Dũng từ nhỏ không được đi học, chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ bán than. Công việc nặng nhọc phải bưng vác nhiều nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu.
|
Vợ chồng bà Minh mưu sinh nơi vỉa hè trên đường Võ Văn Kiệt |
Một năm sau ngày cưới, bà Minh sinh con đầu lòng. Căn nhà của cha mẹ chồng vốn đã chật chội nên vợ chồng bà bàn bạc ra ở riêng. Người phụ nữ trầm giọng kể: “Khi mới ra riêng, vợ chồng tui khó khăn trăm bề. Tui bận con nhỏ không làm lụng được gì. Một mình ổng đi làm thuê, làm thợ hồ rồi ai thuê gì cũng làm, co kéo lắm mới đủ sống”.
Nhắc về nghề “độ” bồn cầu, bà Minh chia sẻ: “Vợ chồng tui làm nghề này cũng có cái duyên. Hồi đầu ổng chạy đủ nghề rồi đến khi con lớn được một chút, hai vợ chồng tui gửi con nhờ người ta trông để đi lượm ve chai. Vài năm làm nghề chai bao, vợ chồng tui đến nhiều công trường xây dựng, hoặc nhà người ta đập đi xây mới để mua sắt thép.
Nhiều khi đến nơi, những “đồng nghiệp” khác đã nhanh chân hơn mua hết sạch chỉ còn lại vài thứ đồ không mua được. Tui thấy mấy cái bồn cầu cũ người ta chất đống để vứt, thấy còn tốt nên tui hỏi mua nhưng họ bảo cho không.
Khi chở về, tui cọ rửa sạch còn ổng đục đẽo xi măng ra định để ráo rồi mang vào nhà dùng, ai ngờ có người hỏi mua, rồi người này chỉ người kia đến. Từ đó vợ chồng tui dựng cái chòi này để sửa bồn cầu cũ bán lại đến giờ, ngót nghét đã hơn 20 năm”.
Chồng đục đẽo, vợ cọ rửa
Bà Minh cho hay, ban đầu những chủ nhà hoặc chủ công trình có bồn cầu cũ cần thanh lý hầu như chỉ cho không, vì những dạng đồ vật này gần như đã bỏ đi lại khá nặng nề, “hồi trước có ai lấy là họ mừng lắm nếu không là phải thuê xe chở đi vứt vừa tốn kém vừa mất thời gian”. Không ai ngờ được, thứ đồ tưởng như đã hết giá trị sử dụng lại có thể tái sử dụng và trở nên “đắt” khách.
Sau ngày vợ chồng bà mở chòi bên đường “độ” bồn cầu thì mặt hàng cũ bỏ đi này cũng lên giá. “Người ta không cho nữa mà bán lại. Có người chở đến tận chòi bán cho tui thì giá cả cao hơn, còn liên hệ tui đến chở thì tui phải trừ đi phí vận chuyển”, bà Minh kể.
Bà cũng cho hay, tùy theo chất lượng đồ mà giá cả mua lại dao động từ 50 đến 200 nghìn đồng. Theo bà: “Khi mua tui phải kiểm tra kỹ bồn cầu có bị nứt hay không. Nếu bị nứt thì không mua được vì có “độ” lại cũng không dùng được, chỉ mất tiền oan. Nếu không bị nứt, còn mới thì giá cao, cũ thì giá thấp. Cứ thế thuận mua vừa bán thì cả người bán lẫn người mua đều hài lòng”.
Người phụ nữ chỉ tay vào chiếc bồn cầu được xếp gọn phía trong góc, giọng buồn hẳn: “Đó, cứ như cái bồn cầu đó thì vợ chồng tui lỗ vốn nặng vì khi mua không phát hiện được vết nứt phía dưới chân bồn. Đến khi phát hiện thì muộn rồi, lại lỗ cả công hai vợ chồng hì hục đục đẽo cọ rửa cả ngày trời, đến giờ không bán được phải nằm một chỗ. Mà giả sử có người mua tui cũng không bán, làm việc cần có cái tâm. Người ta tin tưởng mình nên mới đến nên mỗi khi bán tui cũng kiểm tra thật kỹ, đồ dùng được ngon lành mới giao”.
Chiều dần buông, ông Dũng cùng chiếc xe ba gác chầm chầm dừng lại, trên xe là chiếc bồn cầu bụi bẩn bám đen kịt. Người đàn ông nở nụ cười hào sảng” “Nghề này cực lắm, lại dơ dáy nữa nhưng cái duyên nghề nó “vận” vào người rồi”.
|
Chiếc xe ba gác của ông Dũng |
Ông Dũng vừa khệ nệ bưng chiếc bồn cầu xuống đường vừa cho hay, những công đoạn để “độ” một chiếc bồn cầu gồm: đục đẽo những xi măng bám ở chân bồn, gỡ từng bộ phận của chiếc bồn ra riêng lẻ để lau chùi vệ sinh thật kỹ, sau đó chờ khi mọi thứ khô ráo sẽ ghép nối lại như cũ. Khi mọi thứ đã hoàn hảo sẽ trưng ra bán lại cho khách hàng.
Ông Dũng nhớ lại: “Hồi trước có ai dạy nghề này đâu, tui đục hỏng mấy cái xót của quá nên dần rút được kinh nghiệm. Rồi đời dạy đời, nghề dạy nghề mà thành cả thôi”.
Mỗi công đoạn đều được vợ chồng ông Dũng làm thủ công một cách cẩn thẩn, cần mẫn. Bà Minh ngồi bên chồng thêm lời: “Ổng chuyên đục đẽo, còn tui chuyên cọ rửa. Cứ cho những nắp bồn vào cái thau, hòa nước tẩy rửa rồi ngồi kỳ cọ đến khi nào sạch sẽ sáng bóng thì coi như xong công việc”.
Nói về việc làm bằng tay không có găng tay bảo vệ, bà Minh cười tươi: “Đã quen rồi, mặc bao tay vào không làm được, vợ chồng tui vẫn làm bao lâu nay có sao đâu, miễn là khi làm xong rửa lại sạch sẽ là được”.
Người phụ nữ nhìn chồng, giọng chợt trầm xuống: “Nhiều người đi qua cứ hỏi “sao chọn nghề dơ quá vậy? Ngẫm lại nghề này dơ thật, hiếm ai làm được. Vợ chồng tui cũng vì mưu sinh mà bám trụ lại với nghề cho đến giờ”. Ông Dũng từ đằng xa mỉm cười nói vọng lại “Đúng thế nhưng tui nghĩ, làm gì cũng được chỉ cần làm ăn lương thiện. Làm gì có nghề nào hèn...”.
Nhờ nghề “độ” bồn cầu mà ông Dũng cùng vợ nuôi được ba người con khôn lớn nên người. Cho đến nay, cả ba người con của vợ chồng ông đều đã lập gia đình riêng. Người làm công nhân, người buôn bán, ai cũng tự lo được cho cuộc sống của gia đình mình.
“Vợ chồng tui cũng đã nhiều tuổi, ngót nghét 20 năm mưu sinh bằng cái nghề “độc” này rồi, giờ con cái đứa nào cũng thương nên vận động cha mẹ nghỉ ngơi nhưng tui không chịu, còn sức thì còn làm mới vui”.
Bà Minh mỉm cười nói tiếp: “Lâu nay, chỉ người nghèo thu nhập thấp mới đến đây mua đồ mong giảm bớt chi phí. Vợ chồng tui vốn vực dậy từ cái nghèo nên hiểu rất rõ, vì vậy bán cho người nghèo ai nỡ bán mắc bao giờ. Lâu nay nơi đây đã thành mối quen của người ta, giờ mà nghỉ thì tiền đâu mà họ mua đồ mới. Bởi thế, bán đi một cái bồn cầu vài trăm nghìn đồng, tuy có vất vả nhưng vợ chồng tui lại thấy vui vì mình cũng giúp được những người nghèo hơn mình”.