Cắt tử cung rồi vẫn đẻ, một người có 3 mắt?

(PLVN) -“Trên hệ thống thông tin giám sát điện tử, chúng tôi phát hiện có hiện tượng cắt tử cung rồi vẫn đẻ, mổ phaco 3 mắt cho một người… Nhưng đến khi chúng tôi yêu cầu giải trình thì bệnh viện nói do dữ liệu nhầm và xin lỗi.”
Ông Phạm Lương Sơn phát biểu tại phiên giải trình.
Ông Phạm Lương Sơn phát biểu tại phiên giải trình.

Đó là phản ánh của ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập do Ủy ban về các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH) của Quốc hội tổ chức sáng nay (3/10).

Tham gia giải trình cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ với bệnh viện công, ông Sơn đã nêu ra một số giải pháp hữu hiệu mà BHXH đã áp dụng để kiểm soát chi phí, phòng tránh lạm dụng các dịch vụ… trong các bệnh viện.

“Quả thực chúng tôi đã áp dụng rất nhiều giải pháp nghiệp vụ, kể cả ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng hiện chế tài của chúng ta có quy định của Bộ luật hình sự, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đưa hiện tượng lạm dụng, gian lận, trục lợi vào các chế tài hình sự được. Vấn đề bây giờ là phải thông tin, trao đổi và cơ quan BHXH chỉ có mỗi thẩm quyền là nếu thấy vô lý thì từ chối thanh toán. Nhưng từ chối thanh toán mà bệnh viện không đồng ý thì cứ lằng nhằng và họ báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo với Quốc hội, với Chính phủ  là BHXH không chịu thanh toán”- ông Sơn cho hay.

Toàn cảnh phiên giải trình.
Toàn cảnh phiên giải trình.

Cũng theo ông Sơn, hiện tượng chia tách dịch vụ y tế là có thực. “Trên hệ thống thông tin giám sát điện tử, chúng tôi còn phát hiện ra là có hiện tượng cắt tử cung rồi vẫn đẻ, mổ phaco 3 mắt cho một người…, nhưng đến khi chúng tôi yêu cầu giải trình thì bệnh viện nói rằng do dữ liệu nhầm và xin lỗi. Chỉ có trường hợp cắt tử cung mà vẫn đẻ thì mới chịu nhận là do người chị (đã cắt tử cung) cho em gái mượn thẻ BHYT để đi đẻ. Thế thì bây giờ chúng tôi áp dụng quy định của Bộ luật hình sự để bỏ tù cô em hay sao? Rất khó”- Phó Tổng Giám đốc BHXH giãi bày.

Khắc phục những bất cập trên, ông Sơn khẳng định sẽ nghiêm túc ghi nhận những phản ánh, thông tin từ các đại biểu Quốc hội để chấn chỉnh hơn nữa công tác tạm ứng, dự toán, phân bổ kinh phí…sao cho kịp thời, nhanh chóng nhất. Đồng thời, mong Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng giúp cơ quan BHXH có thêm những chế tài hợp lý hơn. 

Theo ông Sơn, cơ quan Bảo hiểm có 2 vai, trong đó, một vai là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. “Cho nên, chúng tôi đang góp ý đề án tự chủ của bệnh viện, nhưng quan điểm của chúng tôi là: tự chủ đâu thì tự chủ nhưng không được thu thêm tiền của người bệnh, nếu thu thêm thì phải có thỏa thuận. Thứ 2, là chúng tôi phải kiểm soát được chi phí đó theo đúng quy định về bảo hiểm y tế”.

Đọc thêm