Cầu an và cầu thân

(PLVN) - Câu chuyện “guồng máy” làm việc ở một số nơi hiện nay “đông cứng” đang là câu chuyện đáng báo động. Phải hiểu câu chuyện này thế nào?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng sau Đại hội Đảng 12 đến nay đã có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế. Bằng chứng là, cuối năm 2018, cả nước đã đạt và vượt 11 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, không thể không ghi nhận có hiện trạng lãnh đạo không dám làm gì cả hoặc có muốn làm thì cũng phải đi hỏi ý kiến rất nhiều người. Khi hỏi ý kiến xong, họ chưa chắc đã quyết. Rất chậm trễ, vòng vo vì “sợ”, “sợ” đến mức thiếu tự tin.

Về mặt khách quan, tất nhiên có vấn đề luật pháp đang tiếp tục được hoàn thiện nên hẳn sẽ có những chồng chéo. Ví dụ vấn đề liên quan đầu tư, đất đai xây dựng, có nhiều chính sách ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau nên có sự trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn nhau. Một dự án đầu tư phải áp dụng nhiều luật, đúng luật này nhưng lại sai luật khác và hiện tượng này lúc nào cũng có thể xảy ra. Tức là hành lang pháp lý chưa đồng bộ.

Khi yếu tố cốt lõi là hệ thống pháp quy còn bất cập thì rất dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, không dám làm, không dám quyết, né trách nhiệm. Ngay cả đến lớp “văn bản hành chính” như quy chế quản lý nội bộ, quy chế phối hợp giữa các phòng ban, ban ngành, bộ ngành… cũng còn nhiều vấn đề chứ chưa nói đến quy phạm pháp luật.

Vấn đề lớn thứ hai, đó là trách nhiệm người đứng đầu. Người xưa có câu “Nhà dột từ nóc”. Cơ quan đó có làm tốt hay không, bộ máy vận hành có thuận hay không nằm một phần rất lớn từ người đứng đầu.

Vấn đề thứ ba, cũng rất quan trọng, đó là động lực và kỷ cương. Một số nơi trong khu vực Nhà nước đang làm cho cán bộ thiếu động lực, ngay từ trong cống hiến và hưởng thụ, tuyển dụng, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Vấn đề “đồng chí này là con đồng chí nào” không hề là chuyện nhỏ, bởi ưu tiên “con đồng chí” tức là làm mất cơ hội của số đông.

Khác với khu vực Nhà nước là khu vực dân doanh, nhân sự luôn được đánh giá công tâm, ai làm được việc thì trọng dụng, cơ chế “làm theo năng lực, hưởng theo thành quả” tạo ra động lực.

Khi không có tiêu chí đánh giá cá nhân, được “lượng hóa”, thì không khắc phục được chuyện cán bộ né trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. Hiện chúng ta thiếu nhiều thứ, trong đó có cơ chế để bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Rất dễ hiểu vì sao cán bộ “cầu an”, “cầu thân” đang tồn tại và phát triển. 

Đọc thêm