Cần làm rõ những bất thường trong hợp đồng của Cty CP HP102 Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo luật sư Đặng Hồng Dương - Cty Luật TNHH Sao Sáng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi của Cty CP HP102 Việt Nam (gọi tắt là Cty HP102) có nhiều dấu hiệu không bình thường. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, tránh rủi ro cho người dân và nguy cơ “vỡ bong bóng” khi công ty không trả được tiền như cam kết.
Cần làm rõ những bất thường trong hợp đồng của Cty CP HP102 Việt Nam

* Bản chất phía sau hợp đồng “thuê thiết bị quảng cáo” của Công ty Cổ phần HP102 Việt Nam là gì?

Hàng nghìn thiết bị quảng cáo đang ở đâu? 

Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin trong bài “Bản chất phía sau hợp đồng thuê thiết bị quảng cáo của Cty CP HP102 Việt Nam là gì?”. Theo đó, liên quan đến hoạt động của Cty HP102 nhiều người dân đã bỏ ra số tiền lên tới hàng tỷ đồng nhưng nhiều tháng trôi qua, họ không nhận được tiền thuê thiết bị như cam kết trong hợp đồng, không đòi lại được tiền còn thiết bị quảng cáo (TBQC) mà họ ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hoành – Tổng giám đốc Cty CP HP102 Việt Nam mua cũng không biết ở đâu. 

Cụ thể, Cty HP102 ký hợp đồng với nhà đầu tư. Hợp đồng có tên “Hợp đồng thuê thiết bị quảng cáo” (TBQC). Cty HP 102 là bên thuê TBQC (bên B), đại diện là ông Nguyễn Văn Hoành. Điều 1 trong hợp đồng, ở mục thông số kỹ thuật ghi Tivi led 43 inch, phần mềm quản lý và phát quảng cáo với giá 12.800.000 đồng/tb đã bao gồm VAT; ở mục hiện trạng, ghi hoạt động bình thường. Thời hạn thuê TBQC là 12 tháng, kể từ ngày bên B nhận được TBQC. 

Tại điều 3 ghi mục đích thuê TBQC là để Cty HP102 thực hiện phát các chương trình quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ quảng cáo tại các địa điểm công cộng như: quán cafe, nhà hàng, bệnh viện... Giá thuê là 1.800.000/tháng/1 TBQC (bao gồm cả thuế). 

Phương thức thanh toán là chuyển khoản. Hợp  đồng nêu rõ tiền thuê các TBQC sẽ được trả đều vào ngày 5 đến mùng 10 tháng cuối kỳ và thanh toán theo 4 kỳ (các kỳ tương ứng sau 3 tháng hợp đồng). Bên phía chủ đầu tư không phải quản lý TBQC trong suốt quá trình cho thuê. Sau khi hết hạn hợp đồng, bên chủ đầu tư sẽ đồng ý bán lại TBQC cho Cty HP 102 với giá 1.100.000đ/1 TBQC. 

Ngoài hợp đồng, còn có giấy ủy quyền mua TBQC. Theo đó, nhà đầu tư ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hoành. Tuy nhiên theo phản ánh, Cty HP 102 không thực hiện đúng như cam kết, vi phạm hợp đồng. Điều này cũng đã được ông Đỗ Minh Thành, xưng là phó Giám đốc điều hành Cty HP 102 xác nhận.

 

Theo ông Thành, TBQC được Cty HP102 mua từ tập đoàn Asanzo để làm quảng cáo phát cho doanh nghiệp. Điều đáng nói, theo người đàn ông này thì đến nay đã có khoảng 3000 người tham gia vào Cty HP 102 dưới dạng hợp đồng như trên. Người thấp nhất là 12.800.000 đồng, người cao nhất tham gia lên tới 4-5 tỷ đồng.

“Tiền nhà đầu tư gửi vào đã được công ty đi mua thiết bị hết”, ông Thành nói. Câu hỏi đặt ra là nếu những gì ông Thành nói là đúng sự thật thì số TBQC lên tới hàng ngàn chiếc, số thiết bị này được treo ở đâu, hợp đồng ký kết thế nào và nếu chưa treo thì chứa ở kho nào? Tuy nhiên, trước những câu hỏi này, ông Thành không trả lời.

Sau khi thông tin phản ánh được đăng tải, báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục nhận được đơn phản ánh của nhiều người dân khác kèm theo hợp đồng với Cty HP 102 và giấy ủy quyền mua hộ TBQC. Người dân cũng phản ánh về phương thức huy động của công ty, nếu là đại lý cấp 1, mời được thêm người tham gia, sẽ được hưởng lợi 1.500.000 đồng/TBQC từ người sau mua. Ví dụ, nếu người sau mua 100 TBQC, thì người mời được người sau đó, sẽ được hưởng lợi 150.000.000 đồng.

“Đồng thời, Cty HP 102 có hứa, nếu ai không tham gia nữa, thay vì trả lại bằng tiền cho nhà đầu tư, thì công ty trả lại bằng TBQC hoặc bằng bất động sản. Nhưng đó chỉ là bánh vẽ. Công ty cũng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ nào chứng minh, công ty có mua hộ TBQC cho nhà đầu tư”, một người dân cho hay.

Có dấu hiệu chiếm dụng tiền của nhà đầu tư

Luật sư Đặng Hồng Dương - Công ty Luật TNHH Sao Sáng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, hành vi của Cty HP 102 có rất nhiều điểm không minh bạch, có dấu hiệu của việc lừa dối, chiếm dụng tiền của nhà đầu tư, thể hiện ở các điểm sau đây: Thủ đoạn tạo lòng tin cho nhà đầu tư thể hiện bằng việc đưa ra lợi nhuận cao cho  việc đầu tư thuê TBQC, hứa hẹn chi trả mức hoa hồng cao cho việc giới thiệu thành viên mới. 

Thủ đoạn  này còn được thể hiện ở việc hợp đồng nêu rõ tiền thuê các TBQC sẽ được trả đều vào ngày 05 đến mùng 10 tháng cuối kỳ và thanh toán theo 4 kỳ (các kỳ tương ứng sau 3 tháng hợp đồng) và hợp đồng ký trong thời hạn 12 tháng. Nếu hết hạn hợp đồng, bên cho thuê tiếp tục cho thuê thì ký tiếp hợp đồng. Nếu bên cho thuê không ký tiếp thì bên thuê sẽ mua lại các thiết bị đó với giá 1,1 triệu/ thiết bị hoặc sẽ trả lại các nhà đầu tư các thiết bị đó.  

Dấu hiệu lừa dối thể hiện ở việc Cty HP 102  không chi trả các khoản tiền như đã cam kết thanh toán cho nhà đầu tư. Công ty không cung cấp được cho nhà đầu tư xem xét các thiết bị, địa chỉ lưu kho, cũng như các hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc mua bán khi được yêu cầu.  Mặt khác, công ty cũng không chứng minh được việc công ty sử dụng TBQC mà nhà đầu tư đã mua để triển khai hoạt động quảng cáo với đối tác, khách hàng. 

Dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản thể hiện bằng việc công ty trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và trả tiền khi có yêu cầu hoàn trả lại tiền của nhà đầu tư bằng việc đề nghị nhà đầu tư  nhận lại tài sản hoán đổi như bất động sản hoặc dịch vụ khác, đồng thời lại không cung cấp được bất cứ thông tin nào về các loại tài sản hoán đổi đó. Do đó có thể thấy công ty đang cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư.  

Từ những yếu tố trên, có thể thấy Công ty HP 102 đang có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những nhà đầu tư. Đối với hành vi này, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; 

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: 

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; 

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đọc thêm