Cao su Sao Vàng loay hoay trong ánh hào quang

(PLVN) - Là một vài trong số các thương hiệu Việt vang bóng một thời vẫn vận hành kinh doanh cho tới ngày nay nhưng cao su Sao Vàng không giữ được ưu thế của mình, hiện chỉ là cái tên mờ nhạt so với nhiều tên tuổi cùng ngành. 
Cao su Sao Vàng - niềm tự hào thương hiệu Việt giờ đang chật vật trong ánh hào quang
Cao su Sao Vàng - niềm tự hào thương hiệu Việt giờ đang chật vật trong ánh hào quang

Con chim đầu đàn một thời 

Việt Nam là một nước nằm trong vùng nhiệt đới, có vùng đất đỏ ở Tây Nguyên rộng lớn nên rất thuận lợi cho việc trồng cây cao su để khai thác mủ và chế biến thành cao su thiên nhiên. Do tầm quan trọng của ngành công nghiệp cao su trong nền kinh tế quốc dân nên sau khi miền Bắc giải phóng (tháng 10/1954) thì ngày 7/10/1956, xưởng đắp và săm lốp ôtô được thành lập tại số 2 Đặng Thái Thân và bắt đầu hoạt động vào tháng 11/1956. Đến đầu năm 1960, xưởng sáp nhập vào Nhà máy cao su Sao Vàng, chính là tiền thân của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội về sau.

Đồng thời, trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế 3 năm (1598- 1960), Đảng và Chính phủ đã phê duyệt phương án xây dựng khu công nghiệp Thượng Đình gồm 3 nhà máy: Cao su- Xà phòng- Thuốc lá Thăng Long. Công trường được khởi công xây dựng ngày 22/12/1958 và vinh dự được Bác Hồ về thăm ngày 24/2/1959. Sau hơn 13 tháng miệt mài lao động, quá trình xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, đào tạo cán bộ, công nhân cơ bản hoàn thành. Ngày 6/4/1960, Nhà máy tiến hành sản xuất thử những sản phẩm săm, lốp xe đạp đầu tiên ra đời mang nhãn hiệu “Sao Vàng”. Từ đó, Nhà máy mang tên Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội.

Năm 2019, Cao su Sao Vàng đạt tổng tài sản đạt 806,8 tỷ đồng
Năm 2019, Cao su Sao Vàng đạt tổng tài sản đạt 806,8 tỷ đồng 

Ngày 23/5/1960, Nhà máy làm lễ cắt băng khánh thành, lấy ngày này làm ngày truyền thống, ngày kỷ niệm thành lập hằng năm. Đây cũng là một xí nghiệp quốc doanh lớn nhất, lâu đời nhất và duy nhất sản xuất săm, lốp ôtô- con chim đầu đàn của ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm cao su của Việt Nam.

Riêng kết quả sản xuất của năm 1960, năm thứ nhất nhận kế hoạch Nhà nước giao, Nhà máy đã hoàn thành các chỉ tiêu với giá trị tổng sản lượng gần 2,5 triệu đồng. Các sản phẩm chủ yếu khi đó gồm lốp xe đạp 93.664 chiếc, săm xe đạp 38.388 chiếc.

Năm 1992, Nhà máy đổi tên thành Công ty Cao su Sao Vàng theo Quyết định số 645/CNNG của Bộ Cộng nghiệp nặng. Ngày 3/4/2006, Công ty Cao su Sao Vàng chuyển thành Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng và bắt đầu niêm yết trên HoSE kể từ năm 2009. Sau nhiều lần tăng vốn, Công ty có vốn điều lệ khoảng 280 tỷ đồng.

Sản phẩm kinh doanh chính là cao su, xuất nhập khẩu máy móc, hóa chất... với địa bàn chính ở Hà Nội, TP HCM và xuất khẩu các nước Angola, Đông Nam Á, Mỹ...  nhờ có các thiết bị mới nên ngoài những sản phẩm truyền thống, Công ty đã chế tạo thành công lốp máy bay dân dụng TU – 134 (930×305), IL18 và quốc phòng MIG – 21 (800×200); lốp ôtô cho xe vận tải có trọng tải lớn (từ 12 tấn trở lên) và nhiều sản phẩm cao su kỹ thuật cao cấp khác. Công ty cũng chính thức được cấp chứng chỉ ISO 9002 của Tập đoàn BVQI, Vương quốc Anh.

Thập niên 90 thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Nhà máy đã khẳng định được vị trí của mình là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có doanh thu lớn và các khoản nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, thu nhập của người lao động dần dần được nâng cao và đời sống luôn được cải thiện. Doanh nghiệp luôn được công nhận là đơn vị thi đua xuất sắc được tặng nhiều cờ và bằng khen của cơ quan cấp trên, đã được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều huân chương cao quý.

Đối mặt với áp lực cạnh tranh

Tuy nhiên, sự vang bóng một thời ấy không giúp cho Công ty cổ phần cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) nhiều năm gần đây kinh doanh các sản phẩm chủ lực săm, lốp Sao Vàng được thuận lợi hơn. Lợi nhuận kinh doanh của đơn vị liên tục trồi sụt, tính đến cuối năm 2018 đã chạm đáy 10 năm.

Hoạt động kinh doanh của SRC theo chiều hướng ngày càng giảm sút về lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, SRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 12,2 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm và và thấp hơn 10 lần so với con số năm 2009. 

Bước sang năm 2019, Công ty kết thúc năm với kết quả kinh doanh ấn tượng khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận 41,4 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2018 nhưng lại đặt mục tiêu lãi sụt giảm trong năm 2020. Hiện Công ty chưa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông 2020 nhưng theo báo cáo thường niên năm 2019, SRC lên kế hoạch doanh thu năm 2020 đạt 916 tỷ đồng, giảm 1% so với mức thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 59%.

Cao su Sao Vàng nhận định, ngành công nghiệp cao su và Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn. SRC cũng thừa nhận sức mua của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh, Công ty chưa đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là chưa có sản phẩm lốp Radial khi dự án di dời nhà máy chưa được phê duyệt phương án đầu tư... đã ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Không những thế, doanh nghiệp săm lốp lâu đời của Việt Nam vẫn luôn đối mặt với áp lực cạnh tranh đang ngày càng tăng tại thị trường trong nước, đặc biệt là phân khúc sản phẩm dành cho ô tô, vốn là động lực tăng trưởng chính của ngành. Những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc)… ngoài xuất khẩu cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó là cạnh tranh từ săm lốp nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, sản phẩm có giá thấp hơn khoảng 20% so với nhà sản xuất khác không những khiến giá đầu ra của doanh nghiệp nội địa không thể điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng của nguyên liệu đầu vào, mà còn phải tăng mức chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ…

Với lộ trình cam kết hội nhập, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, áp lực cạnh tranh đang ngày càng tăng, khiến doanh nghiệp giảm tính chủ động trong khả năng tăng giá bán đầu ra. Một yếu tố cũng đáng quan tâm hiện nay, xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã và đang trở thành thách thức đối với việc duy trì sản lượng tại thị trường nội địa.

Mặc dù hoạt động kinh doanh xấu đi theo xu hướng chung của ngành cao su nhưng Cao su Sao Vàng lại có lượng đất đai khá lớn. Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần, Cao su Sao Vàng hiện có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn. Với đất trả tiền một lần, SRC có 43m2 đất thương mại văn phòng tại quận 1, TP HCM; đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng có diện tích 2.475m2 và có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam.

Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu gần 31.644m2 đất làm trụ sở và kinh doanh tại Thái Bình; nắm giữ tổng cộng 84.735m2 đất sản xuất kinh doanh tại 3 khu vực tỉnh Vĩnh Phúc và gần 2.700m2 đất văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đáng chú ý, SRC còn có khu “đất vàng” 62.438m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là khu đất sử dụng làm trụ sở văn phòng và đã có chủ trương xây dựng Dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn”. Có điều, Cao su Sao Vàng cũng không thuận lợi tại mảng ngoài ngành là bất động sản này khi Dự án trên vẫn đang trong giai đoạn lập hồ sơ pháp lý. 

Đọc thêm