Có được phép thuê “thám tử tư” để theo dõi vợ ngoại tình?

(PLVN) - Gần đây anh tôi nghi ngờ vợ mình có bồ nhưng chưa có điều kiện theo dõi để "bắt tận tay, day tận trán". Liệu anh ấy có thể gắn camera bí mật theo dõi hoặc thuê thám tử tư theo dõi lịch trình, quay chụp hình ảnh của vợ mình để tìm bằng chứng có được không?   
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Hỏi: Anh trai tôi 52 tuổi, làm quản lý, điều hành xưởng sản xuất của gia đình ở dưới huyện nên tối ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Chị dâu trẻ hơn anh 14 tuổi, làm trong ngành du lịch trên thành phố, hay đi công tác. Do đặc thù công việc của hai người cũng như sự chênh lệch tuổi tác nên anh tôi luôn lo sợ "mất vợ". 

Gần đây anh tôi thấy chị dâu có nhiều biểu hiện khác lạ, nghi ngờ chị ấy có bồ nhưng anh chưa tìm được chứng cứ cụ thể. Anh lên mạng tìm hiểu thì thấy có nhiều biện pháp theo dõi bạn đời ngoại tình rất hiệu quả như gắn một loại chip (camera) bí mật để theo dõi, thuê thám tử tư theo dõi, quay chụp hình ảnh làm bằng chứng...

Xin hỏi anh tôi có được phép gắn camera để bí mật theo dõi hoặc thuê thám tử tư điều tra vợ mình hay không? (Chị Hoài Thu, 40 tuổi ở Quảng Ninh) 

Luật sư tư vấn: Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tại khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn thi hành cũng quy định "thám tử tư, điều tra" là lĩnh vực cấm đầu tư do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng. Điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 cũng quy định “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là ngành, nghề cấm kinh doanh.

Như vậy, pháp luật không cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức nên việc công dân thuê thám tử tư (nếu có) để thực hiện dịch vụ điều tra vợ hoặc người khác là xâm phạm quyền tự do của cá nhân, vi phạm pháp luật. 

Cũng theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 kể trên, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, việc anh của chị bí mật lắp camera, thiết bị kín để theo dõi vợ mình cũng như thuê thám tử tư để điều tra cô ấy là vi phạm pháp luật. 

Đọc thêm