Có một “Thành phố buồn” giúp nhạc sĩ Lam Phương thừa sức mua 18 chiếc xe hơi

(PLVN) - Những cuộc tình của nhạc sĩ Lam Phương (1937 - 2020) đã đi vào âm nhạc của ông rất tự nhiên. Trong đó, bóng hồng để Lam Phương viết nên những bản tình ca hay nhất nhưng cũng sầu thảm nhất chính là danh ca Bạch Yến. Và, với bản quyền “Thành phố buồn” viết cho một bóng hồng khác, Lam Phương có thể mua tới hơn 18 chiếc xe hơi.
Có một “Thành phố buồn” giúp nhạc sĩ Lam Phương thừa sức mua 18 chiếc xe hơi

Ôm “Tình bơ vơ” với Bạch Yến

Nhạc sĩ Lam Phương - một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam đã qua đời vào ngày 22/12 tại TP Fountain Valley (bang California, Mỹ) sau những ngày nhập viện cấp cứu do bệnh tim có sẵn và tai biến mạch máu não trở nặng. Ông hưởng thọ 83 tuổi.

Người ta gọi Lam Phương là nhạc sĩ của những ca khúc thất tình. Bởi, trong kho gia tài hơn 200 ca khúc của ông, phần lớn là những sáng tác buồn, là nỗi trăn trở về tình duyên dở dang, là sự mong ngóng về những ngày tháng yêu thương đã xa vời vợi.

Sở dĩ âm nhạc của Lam Phương buồn đến thấu gan ruột là do cuộc đời của ông trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió trong chuyện tình cảm. Trong số những giai nhân đi qua cuộc đời của Lam Phương, phải kể đến danh ca Bạch Yến, kém ông 5 tuổi. 

Mối tình này của ông có nhiều giai thoại vây quanh. Trong đó, người ta nhắc đến nhiều nhất là chuyện thời niên thiếu ông đã dám đến nhà Bạch Yến để nói chuyện với cha mẹ của bà, thổ lộ ý nguyện sau này sẽ cười bà làm vợ.

Lúc ấy, Lam Phương đã khá nổi đình nổi đám bởi ông có vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp trai và đóng phim từ khi mới lớn. Bạch Yến có thể nói là tình yêu buổi đầu rất trong sáng của Lam Phương.

Năm 1961, khi 19 tuổi, Bạch Yến sang Pháp để học hỏi thêm về ca nhạc. 4 năm sau, bà được Ed Sullivan mời sang Mỹ diễn show và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp châu Mỹ thêm… 10 năm nữa.

Bạch Yến du học để lại chàng trai Lam Phương khó quên đi mối tình đầu đơn phương ngây ngô. Mối tình đơn phương vô vọng ấy đã để lại trong ông nhiều nỗi u sầu. Ông viết ca khúc “Chờ người” trong những tháng ngày mòn mỏi ngóng trông người con gái trong mộng từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, Lam Phương không thể hoàn thành bài hát này.

Và, 10 năm sau ngày xa cách, bỗng dưng Bạch Yến trở về, làm sống dậy mối cảm xúc tưởng đã chết hẳn trong lòng người nhạc sĩ đa cảm. Khi được gặp lại người mình yêu, ông mới có thể viết nốt những câu cuối cùng của “Chờ người”. Như vậy, Lam Phương đã mất gần 10 năm để hoàn thành ca khúc này.

Nhạc sĩ Lam Phương và danh ca Bạch Yến thời trẻ
 Nhạc sĩ Lam Phương và danh ca Bạch Yến thời trẻ

Tuy nhiên, nán lại không lâu, Bạch Yến lại ra đi. Nỗi xót xa khi chia tay lần thứ 2 này thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc, với lời ca rất não nề như: “Thu sầu”, “Trăm nhớ ngàn thương”, “Tiễn người đi”, “Tình chết theo mùa đông”, “Tình bơ vơ”…

Ra đi - trở về - lại ra đi, Bạch Yến đã treo lên khuông nhạc Lam Phương những nốt sầu diệu vợi. Lần cuối cùng ấy, Lam Phương gọi là “Tình bơ vơ”. “Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi/ Gom góp yêu thương quê nhà/ Dâng hết cho người tình xa…”.

Đến năm 1984, khi xa quê hương gặp lại danh ca Bạch Yến tại Pháp, nhạc sĩ Lam Phương viết tặng riêng Bạch Yến ca khúc “Cho em quên tuổi ngọc”. Đây cũng là ca khúc duy nhất ông viết bằng 2 thứ tiếng Pháp, Việt.

Danh ca Bạch Yến từng trả lời phỏng vấn rằng, trong lòng bà luôn xem Lam Phương là một người anh thân thiết, từng chỉ dẫn bà rất nhiều trong công việc ca hát. Còn chuyện tình cảm trai gái mà nhạc sĩ Lam Phương dành cho bà thì bà không biết gì. 

“Nhiều người cũng từng hỏi tôi về thông tin nhạc sĩ Lam Phương mang trầu cau qua hỏi cưới tôi. Thật sự, tôi không biết việc này. Nếu có thì chắc là anh ấy nói chuyện với mẹ tôi thôi. Có thể anh ấy quý mến tôi thật vì trong một cuốn video phát hành tại Mỹ, anh ấy có tuyên bố rằng tôi là niềm cảm hứng của anh ấy. Nhưng đó là tình cảm riêng của người ta sao tôi biết được. Với tôi, anh ấy là một người anh thân thiết”, danh ca Bạch Yến từng chia sẻ.

Nhạc phẩm trị giá gấp 18 lần chiếc xe hơi

Năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương đến Đà Lạt, cảm xúc chợt đến và ông viết “Thành phố buồn” như một sự thôi thúc trong tâm tưởng. Ca khúc không hề cầu kỳ, hoa mỹ trong khúc thức hay hòa âm, mà chỉ được viết lên rất chân phương với giai điệu slow rock chậm buồn đặc trưng của bolero miền Nam thời đó. Nội dung nhạc phẩm kể về mối tình dang dở của ông với một giai nhân ông đã từng yêu tha thiết - ca sĩ Hạnh Dung.

“Năm 1970, tôi theo Ban Văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên nhạc phẩm “Thành phố buồn”. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao”, nhạc sĩ Lam Phương từng kể.

Nhắc về bóng hồng tạo nguồn cảm hứng để viết “Thành phố buồn”, nhạc sĩ Lam Phương từng tiết lộ, mối tình của hai người lâm vào bế tắc vì xa cách. Vì Hạnh Dung, ông cũng đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng thể hiện sự bế tắc, day dứt cho mối tình ngắn ngủi này như: “Phút cuối”, “Giọt lệ sầu”, “Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”… Và nổi tiếng nhất có lẽ là “Thành phố buồn”.

Nhạc phẩm “Thành phố buồn” công bố lần đầu trên sóng Đài Phát thanh Đà Lạt, chỉ một thời gian ngắn sau đó đã lan tỏa khắp nơi. Ca khúc không chỉ xuất hiện trên truyền hình, sóng phát thanh, mà được nhiều người yêu thích. 

Tờ nhạc “Thành phố buồn” còn là một trong những ấn phẩm nhạc bản bán chạy nhất tại miền Nam trước đây. Ca khúc cũng trở thành bài hát quen thuộc của Ban Kịch Sống.

Tờ nhạc “Thành phố buồn” xuất bản năm 1970
 Tờ nhạc “Thành phố buồn” xuất bản năm 1970

Người Sài Gòn xưa đi xem kịch của Ban Kịch Sống lưu giữ nhiều kỷ niệm đặc biệt với “Thành phố buồn”. Một bài báo của tác giả Thanh Thủy thuật lại, thời ấy cứ mỗi tối thứ 5 hàng tuần, Đài Truyền hình Sài Gòn có tiết mục thoại kịch và những vở kịch của Ban Kịch Sống của Túy Hồng bao giờ cũng thu hút nhiều người xem. Thời ấy truyền hình còn hiếm, người ta kéo nhau tới những nhà có ti vi để xem kịch, trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ… đều chật cứng người xem. 

“Tôi còn nhớ, bài hát “Thành phố buồn” của Lam Phương được hát dìu dặt trong suốt một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình. Sáng hôm sau, bài hát ấy bán đắt như tôm tươi, chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn mua bài “Thành phố buồn” về để trên kệ sách”, trích bài báo của tác giả Thanh Thủy.

Và, câu chuyện nhuận bút của bài “Thành phố buồn” được biết tới như mức đỉnh cao cho thu nhập một nhạc sĩ thành công thời bấy giờ. Sách “Đà Lạt, một thời hương xa” của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về “Thành phố buồn” rằng: “Số lượng xuất bản rất cao và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí Sài Gòn đương thời tính toán được: khoảng 12 triệu đồng bản quyền, tiền Việt Nam Cộng hòa (hồi suất chính thức năm 1970 là 1 USD = 275 đồng, vậy 12 triệu đồng tương đương 432.000 USD). Con số này quá lớn với một ca khúc”. Nói thêm rằng, thời điểm đó vàng chỉ khoảng 36.000 đồng/lượng.

Để dễ hình dung, Nguyễn Vĩnh Nguyên đưa ra so sánh: “Một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng”. Như vậy, bản quyền ca khúc “Thành phố buồn” có thể giúp Lam Phương mua tới hơn 18 chiếc xe hơi.

Đọc thêm