Đường đến giảng đường gian nan của cậu học trò Khơ mú nghèo đạt 29 điểm trong Kỳ thi THPT Quốc gia

(PLVN) - “Đời bố vất vả, bám vào nương rẫy vì ít chữ, chỉ có học mới thoát được nghèo, hết khổ”, những lời nhắn nhủ của bố luôn khắc ghi trong tâm trí Moong Văn Dương, làm động lực để em phấn đấu. Và rồi cậu học trò người Khơ mú đã có cú bứt phá ngoạn mục ở năm cuối cấp. Đạt 29 điểm khối C (cả điểm ưu tiên) nhưng đường tới giảng đường đại học của Moong Văn Dương còn lắm gian nan.
Moong Văn Dương đạt 29 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia.
Moong Văn Dương đạt 29 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Cú bứt phá ngoạn mục của cậu học sinh nghèo vùng biên

Moong Văn Dương, học sinh trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là anh cả trong gia đình nghèo có 4 anh em ở bản Nhọt Nhoóng, xã Nậm Nhoóng - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Quế Phong. Mẹ thường xuyên đau yếu, gia đình khó khăn nên việc đến trường của Dương là sự cố gắng không nhỏ đối với em và người bố của mình.

Cậu học trò nghèo tâm sự: Bố bảo đời bố vất vả vì ít chữ, quanh năm chỉ biết bám vào nương rẫy. Do đó, chỉ có học mới thoát được nghèo, mới hết khổ như bố mẹ. Vậy nên dù vất vả, cực nhọc, bố vẫn luôn động viên em và các em đến trường học chữ, tìm lấy cái nghề cho bản thân để thoát nghèo. 

Mang theo hy vọng của người bố cùng mong ước một tương lai tươi sáng hơn với con chữ, sau khi tốt nghiệp cấp 2, Dương khăn gói quần áo, sách vở lên thị trấn theo học cấp 3. Thương con trai, người bố gồng gánh làm việc, dành dụm chút ít tiền để hàng tháng gửi cho con chi tiêu. Mỗi tháng Dương được gia đình gửi chưa đến 200 ngàn đồng để chi tiêu nhưng với em đó là số tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ và các em đã hy sinh cho mình. Vì vậy, cậu học trò này luôn ý thức, chi tiêu tằn tiện, chẳng dám mua một chiếc áo mới nào cho mình.

Moong Văn Dương bên thầy giáo chủ nhiệm.
Moong Văn Dương bên thầy giáo chủ nhiệm. 

Điều may mắn là khi biết hoàn cảnh của em, nhà trường hết sức tạo điều kiện. Dương được phía nhà trường bố trí, cho ở ký túc xá miễn phí. Các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Xuân Quang luôn quan tâm, động viên Dương để em yên tâm học tập. 

Nói về cậu học trò nghèo, thầy giáo chủ nhiệm cho biết: Có lẽ mặc cảm về hoàn cảnh nên Dương khá nhút nhát, trầm tính, ít giao tiếp với các bạn. Sau khi hiểu hoàn cảnh của em, tôi luôn động viên giúp em tự tin học tập và giao tiếp với bạn bè. Thời gian đầu lực học của em chưa được tốt, chỉ ở mức trung bình nhưng sau đó em đã có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt năm cuối cấp.

Nhà nghèo, cái ăn còn khó khăn nên Dương không có điều kiện để đi học thêm như các bạn. Thay vào đó, ngoài những giờ trên lớp, Dương chủ yếu tự học. Dương kể, khi thì em được các thầy cô cho mượn sách nâng cao, in sao đề để ôn luyện. Lúc thì em được bạn bè hỗ trợ mượn sách ở học tập. Ở ký túc, việc quản lý học sinh rất nghiêm, đặc biệt là dùng điện thoại nhưng các thầy cô cũng tạo điều kiện để em được dùng mạng internet học online, rèn luyện thêm kỹ năng cũng như kiến thức.

Ngôi nhà sàn của gia đình Moong Văn Dương ở bản nghèo vùng biên của huyện Quế Phong (Nghệ An).
Ngôi nhà sàn của gia đình Moong Văn Dương ở bản nghèo vùng biên của huyện Quế Phong (Nghệ An). 

Hàng đêm, khi các bạn đã đi ngủ, chiếc giường của Dương vẫn sáng đèn. Cậu học trò nghèo vẫn miệt mài ôn luyện trên chiếc điện thoại cũ đến nỗi như thầy Quang nói “mờ đến mức khó nhìn thấy chữ”. Thấu hiểu cái nghèo, cái đói, nhọc nhằn vất vả của cha mẹ là động lực duy nhất để Dương lao vào học tập. Và cậu học trò nghèo đã đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Moong Văn Dương đạt 7,5 điểm môn Ngữ văn, 9,5 điểm môn Lịch sử và 9,25 điểm môn Địa lý, 10 điểm môn GDCD. Tổng điểm xét tuyển khối C (bao gồm cả điểm ưu tiên) của Dương là 29 điểm. 

Chia sẻ về thành tích của cậu học trò nghèo, cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho biết: Moong Văn Dương là học trò người Khơ mú, sinh sống ở bản nghèo, xa trung tâm, nơi người dân chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em. 

Tuy nhiên, bố mẹ của em đã có tư tưởng tiến bộ khi quyết định đầu tư việc học cho con. Kết quả này của Dương khiến tôi rất bất ngờ bởi xuất phát điểm của em không thuận lợi như các bạn, điểm thi đầu vào của em không cao, trong 2 năm lớp 10, lớp 11, học lực của em chỉ ở mức trung bình. Nhưng, trong năm học lớp 12 em đã có sự bứt phá trong học tập và là học sinh tiên tiến. Thành tích này xứng đáng với sự nỗ lực vượt khó và cố gắng không mệt mỏi của em. 

Đường tới giảng đường còn lắm gian nan

Thành tích bất ngờ của Moong Văn Dương khiến bạn bè, thầy cô bất  ngờ. Nhưng, đó là kết quả xứng đáng sau những nỗ lực không mệt mỏi của cậu học trò nghèo vùng cao xứ Nghệ. Tuy nhiên, khi được hỏi về bí quyết, cậu học trò Khơ mú này chỉ cười. 

Dương cho biết: Em không có bí quyết gì đặc biệt cả. May mắn em được Ban giám hiệu nhà trường, thầy chủ nhiệm và các thầy cô giáo bộ môn quan tâm, động viên, được bố mẹ tạo điều kiện, chu cấp cho em đi học. Với những môn xã hội, em chủ yếu đọc nhiều, học đi học lại để ghi nhớ kiến thức, phần nào chưa rõ thì hỏi thầy cô, kết hợp làm đề thật nhiều để luyện kỹ năng và củng cố kiến thức.

Ngày nhận được số điểm thi của con, đôi vợ chồng nghèo vừa mừng, vừa lo. Mẹ của Dương bảo, trước đây cả 2 vợ chồng chúng tôi đều không có điều kiện học hành, ít chữ nghĩa nên chỉ biết lên rẫy làm việc, vụ được, vụ mất. Do đó, vợ chồng tôi chỉ mong các con ai cũng biết cái chữ. Giờ thấy con đạt kết quả thế này, chúng tôi hạnh phúc lắm. 

Dù gia đình không có đủ điều kiện để trang trải cho con xuống thành phố học, nhưng nếu con muốn tiếp tục vợ chồng chúng tôi sẽ cố gắng. Đằng sau câu nói cố gắng của bố mẹ Dương là nỗi lo cay cáy vì họ biết chặng đường phía trước còn lắm gian truân.

Dù đạt được điểm cao nhưng Dương luôn mang theo trăn trở về việc đăng ký nguyện vọng trường học. Dương chia sẻ, từ nhỏ em luôn mơ ước được rèn luyện trong môi trường lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu điểm tuyển sinh của các trường khối Công an, Quân sự những năm gần đây, Dương không đủ tự tin để đăng kí làm hồ sơ. 

Bởi vậy, khi đạt kết quả này, Moong Văn Dương có phần nuối tiếc bởi nếu em dũng cảm theo đuổi ước mơ, cánh cửa các trường Công an, Quân sự đã rộng mở hơn. Bởi Dương biết, nếu đậu vào các trường đó thì em không phải lo lắng chi phí học hành cũng như cơ hội xin việc sau khi ra trường.

Đánh lỡ ước mơ vào các trường khối Công an, Quân sự, Dương cho biết em đang cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Luật hoặc Sư phạm Địa lý Trường Đại học Vinh. Em muốn chọn ngôi trường gần nhà nhất để dễ dàng về thăm quê, lấy lương thực trong thời gian học tập. Và hơn hết em muốn được thuận tiện nhất trong việc về thăm nom người mẹ thường xuyên đau ốm. 

Những ngày này, sau những giây phút vui mừng, tự hào là nỗi lo lắng nặng trĩu của cậu học trò nghèo bởi sau Dương còn 3 đứa em nhỏ và người mẹ đau bệnh. Sau kỳ thi tốt nghiệp THTP, không như các bạn khác sẽ có những ngày xả hơi thì Dương vẫn theo bố lên rẫy làm việc. Năm học mới của 4 anh em Dương đang trông chờ vào những đám rẫy thiếu nước tưới đó...

Đọc thêm