Gia đình duy nhất gìn giữ nghề làm bài tới ở kinh thành Huế

(PLVN) - Làng Địa Linh nằm cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 5km về phía Đông Bắc, thuộc địa phận xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một địa danh nổi tiếng về nghề làm bài tới truyền thống. Nhưng hiện giờ trong làng chỉ còn duy nhất hộ gia đình bà Ngô Thị Tuyết (67 tuổi) còn theo nghề làm bài tới với tâm niệm muốn bảo tồn và truyền giữ nghề truyền thống của cha ông. 
Gia đình bà Ngô Thị Tuyết là hộ cuối cùng tại làng Địa Linh còn sản xuất bài tới.
Gia đình bà Ngô Thị Tuyết là hộ cuối cùng tại làng Địa Linh còn sản xuất bài tới.

Gia đình 3 đời gắn bó với nghề làm bài tới

Làng Địa Linh là địa danh hiếm hoi còn giữ được nghề làm bài tới gắn liền với hội Bài Chòi, một nghệ thuật dân gian xứ Huế. Làng Địa Linh là một phần của phố cảng Thanh Hà vốn được xem là một thương cảng sầm uất, trở thành điểm giao thương trong và ngoài nước, giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế, trao đổi hàng hóa của xứ Đàng Trong từ đầu thế kỷ XVIII - XIX. 

Theo các vị cao niên trong làng, Địa Linh được dùng để đặt tên làng hàm ý gợi lên cho người dân ở đây cái nhìn sâu xa về ý nghĩa mảnh đất mà họ đang sống. “Địa” có nghĩa là đất, “linh” nghĩa là linh thiêng, mảnh đất thiêng mà trời đã dành đặc ân ban tặng cho họ.

Thời kỳ hoàng kim của nghề làm bài tới, vào mỗi dịp giáp Tết cổ truyền, sân nhà của các hộ dân làng Địa Linh đều trải đầy quân bài. “Hồi trước nhằm mấy ngày tháng chạp, cả nhà tui phơi đầy bài. Cả xóm cùng làm. Nhà ni làm bài, nhà tê chơi bài, làng xóm rộn ràng vui lắm!”, bà Tuyết vừa cắt những lá bài vừa trò chuyện. Tuy nhiên cái không khí náo nhiệt đó có lẽ sẽ không bao giờ quay lại nữa. Hiện giờ chỉ có gia đình bà Tuyết là hộ duy nhất theo nghề làm bài tới truyền thống. 

Bộ bài tới gồm 30 cặp quân bài.
 Bộ bài tới gồm 30 cặp quân bài. 

Những lớp thế hệ trước mà chính họ là những người thực hành kỹ thuật in bài tới truyền thống, được coi là những di sản sống, thư viện sống đã lần lượt qua đời. Trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn theo các trò chơi hiện đại, trò chơi công nghệ cao. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã hiện nay đang dần dần bị biến dạng dưới tác động của quá trình đô thị hóa đã làm cho nghề làm bài tới bị biến đổi.

Nói về nghề làm bài tới, nghệ nhân Ngô Thị Tuyết tâm sự. “Kế nghiệp gia đình, 14 tuổi tôi được cha dạy nghề, vừa đi học vừa làm bài tới. Đó là những năm đầu thập niên 1950, thú chơi bài tới đang rất thịnh hành và bộ bài tới luôn có mặt trong ngày tết từ quê lên phố Huế. Tính tới thời điểm hiện tại tôi đã gắn bó với nó hơn 40 năm.Gần cả cuộc đời theo nghề niềm vui lớn nhất của tôi là đã góp phần lưu giữ, bảo tồn nghề làm bài tới truyền thống”. 

Bà Tuyết không rõ đời ông cố đã làm bài tới hay chưa nhưng từ đời ông nội thì nghề này đã thịnh hành. Ông nội truyền lại nghề cho cả tám đứa con. Đến lượt tám người con lại truyền nghề cho đàn cháu, nhưng giờ chỉ còn mình bà Tuyết theo nghề. Trong gia đình, bà Tuyết là đời thứ 3 theo gìn giữ nghề làm bài tới. 

Bộ khuôn khắc trên gỗ thị dùng để in bài tới, truyền từ đòi ông nội đến đời bà Tuyết, đã hơn 100 năm (Ảnh: báo Tuổi trẻ).
 Bộ khuôn khắc trên gỗ thị dùng để in bài tới, truyền từ đòi ông nội đến đời bà Tuyết, đã hơn 100 năm (Ảnh: báo Tuổi trẻ). 

Các cô bác của bà Tuyết cũng truyền nghề cho con, nhưng rồi chẳng ai theo đuổi nổi. Các anh chị em bà Tuyết cũng vậy, họ phải làm nghề khác để sống, chỉ một mình bà theo nghề cho đến tận hôm nay. Mỗi bộ bài bán sỉ giá 3.000 – 10.000 đồng, mỗi ngày làm trăm bộ, trừ đi vốn liếng vật liệu thì tiền công còn chẳng là bao.

Bà Tuyết nhớ lại rằng, trước đây cứ vào khoảng tháng 9 âm lịch ba bà Tuyết là ông Ngô Sự soạn khuôn in bài tới ra để vào mùa tết. Khuôn in bài tới làm bằng gỗ thị, mực in là muội đèn dầu, nên mỗi đêm luôn phải thắp vài cây đèn dầu vặn to để sáng mai có mực mà in.

Sau này, việc in được sử dụng bằng mực tàu nên công việc cũng đỡ vất vả hơn. Vào mỗi dịp Tết, mỗi ngày nhà bà xuất xưởng khoảng 200 bộ bài tới, công việc lúc nào cũng phải kéo dài tới chiều 30 Tết mới dừng. Những bộ bài của gia đình bà Tuyết được chuyển ra chợ Đông Ba làm đầu mối rồi phân phối đi khắp các vùng từ Quảng Trị đến tận Nha Trang. 

Bây giờ thì bài không in bằng khuôn gỗ nữa mà bằng kỹ thuật in lụa, trên giấy roki, nên hình ảnh sắc nét và quân bài đẹp hơn xưa. Công việc còn lại là dán bài lên giấy màu lưng bài, hong ráo, rồi cắt xén và đóng bộ. Giờ đây sức làm đã giảm nhưng mỗi ngày bà Tuyết vẫn cung cấp đều đặn cho chợ Đông Ba khoảng 100 bộ. 

Bộ khuôn khắc hơn 100 năm

Mộc bản để in bài tới làng Địa Linh làm bằng gỗ mít, gỗ thị hay gỗ mức và không phải ai cũng có thể làm được, chỉ có những nghệ nhân tài hoa mới có thể khắc nên để giữ đúng bản sắc và lưu truyền cho hậu bối làm nghề. Hiện nay, rất hiếm người nắm vững kỹ thuật khắc được bộ bài tới truyền thống. 

Đáng quý, gia đình bà Tuyết vẫn giữ được bộ khuôn gỗ thị dùng để in bộ bài tới do ông nội truyền lại có tuổi ngoài trăm năm. Bộ khuôn dày dặn, tinh xảo và nhuốm một màu đen của mực in. Bộ khuôn gỗ đã có một số vết nứt và sứt mẻ mất một mảng nhưng về cơ bản vẫn được gìn giữ khá tốt. 

Bà Tuyết chia sẻ rằng, để làm được một quân bài tới phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, ban đầu những bản giấy in (chứa được 15 con bài) được cắt nhỏ cho khớp với mộc bản, dùng mực xạ đổ vào mộc bản rồi tra giấy vào khuôn. Mặt sau của quân bài được dán giấy họa tiết đỏ để trang trí

Quân bài tới được in trên 2 khuôn. Mỗi khuôn in 15 con bài. Hai khuôn mới đủ cho 1 bộ bài 60 con. Các quân bài của bộ bài tới được in trên giấy dài 12cm, rộng 3cm. Khuôn được khắc đẽo trên gỗ cây thị để đủ độ dẻo. Mực in được chế từ muội than khói đèn. Làm những quân bài tới nhỏ nhắn theo cách bà Tuyết đang làm khá tốn công. In xong, một số quân như ầm và mỏ được đóng thêm dấu đỏ. Bài được in từ giấy dó nên phải thêm công đoạn dán nhiều lớp để bài cứng, sau đó dán thêm một lớp giấy ở lưng bài cho đẹp và đem hong gió cho khô rồi mới cắt xén cho ra bộ.

Những bộ bài tới vẫn là trò chơi yêu thích của người dân xứ Huế.
Những bộ bài tới vẫn là trò chơi yêu thích của người dân xứ Huế.  

“Bài được in bằng mộc bản nên phải rất tỉ mẩn để mực khỏi lem. Cắt xén bài phải thẳng thớm từng con một. Trước khi đi ngủ, lúc nào cũng phải thắp 4 cây đèn dầu để ngày mai lấy muội than trên bóng đèn làm mực in. Dịp tết, cả nhà phải thức đêm để làm cho kịp hàng. Vì rất tốn công nên mỗi ngày cả gia đình tập trung làm cũng chỉ được vài chục bộ bài”, bà Tuyết cho hay. 

Hiện nay, bài tới vẫn được làm với những khâu như vậy. Tuy nhiên, giấy dùng làm bài được đổi thành giấy roky để bài cứng hơn. Khâu in đã được cải tiến bằng cách in lụa để mực in không bị lem ra tay khi chơi bài. “Dù đã có một số thay đổi trong khâu in nhưng các khâu còn lại vẫn làm thủ công. Bài vẫn được làm từng bộ một, cắt xén từng con một nên khá tốn công, vì thế chỉ lấy công làm lãi”, bà Tuyết chia sẻ. 

Các quân bài đều có riêng một tên rất lạ như Gối, Trường hai, Trường ba, Voi, Rún, Ba đấu, Xơ, Quăn, Nhọn, Bông, Thầy, Ầm, Thái tử... “Mỗi quân bài tới sẽ có một bài vè nói lên ý nghĩa của nó. Thú vị nhất của trò chơi là người chơi sẽ đối đáp thông qua các quân bài. Hàng năm, gia đình tôi sản xuất hơn 10 nghìn bộ bài cung cấp cho người dân các tỉnh miền Trung chơi dịp Tết”, bà Tuyết nói.

Mỗi quân là một họa tiết in khác nhau tuy đơn giản nhưng rất bắt mắt. Bài được in từ giấy dó nên phải thêm công đoạn dán nhiều lớp để bài cứng rồi đem hong gió cho khô rồi mới cắt xén cho ra bộ. Quân bài sau khi đã cắt xén xong được xếp rất ngăn nắp trước lúc đóng gói giao cho khách hàng từ Bắc chí Nam.

Anh Huỳnh Tấn Hưng, con trai bà Tuyết, cho biết: “Từ nhỏ tôi đã phụ mẹ làm nên cả nhà ai cũng biết làm. Nhưng theo nghề này cũng khó vì thu nhập không nhiều lại rất tốn công do làm bằng thủ công”.

Từ bài tới cho đến nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO công nhận

Trong các trò chơi dân gian xứ Huế, bài tới thường được phụ nữ chơi quanh năm vào lúc nhàn rỗi. Vào ngày Tết, bài tới là thú vui không thể thiếu được của nhiều người Huế. Đến bất cứ ngôi làng nào, khách cũng bắt gặp những phụ nữ ngồi trên chiếu cùng đánh bài tới, hò đối đáp.

Một bộ bài tới ở Huế thường có 30 cặp quân bài và được chia làm 3 pho, gồm pho văn, pho vạn, pho sách và 3 cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn gồm các quân bài trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách gồm các quân bài nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu gồm ầm, tử, và tuyết. 

Theo luật kiểu đánh bài tới, 6 người chơi được chia làm hai đội, mỗi người được chia 10 quân bài. Các quân bài sẽ được đánh nối tiếp nhau, người nào hết bài trước là thắng. Trước lúc đánh quân bài nào, người chơi phải hò vài câu ca dao đối đáp để người chơi đối diện bắt quân bài nhận dạng được. Các quân bài đỏ như tử, ầm, mỏ, người chơi không được về sau, bắt buộc phải đánh ra trước các quân bài khác.

Nghệ thuật hát Bài Chòi được UNESCO Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật hát Bài Chòi được UNESCO Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Đặc biệt, bộ bài tới còn dùng để chơi các loại bài khác như bài ghế, bài thai, bài nọc, bài phu, bài đôi và phổ biến nhất là bài chòi (người chơi thường ngồi trong một chiếc chòi). Vào ngày Tết, một số ngôi làng ở Huế đều dựng chòi để chơi.

Bài tới, theo định nghĩa của Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (1896, T. II, tr 455), là “thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi là tới, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”. Chúng ta không có cứ liệu nào để xác định thời điểm ra đời của bài tới, nhưng trò chơi bài bạc này trong bối cảnh phong hóa cộng đồng cũng đã phát triển theo qui luật trình thức hóa và công cộng hóa để thành Bài Chòi.

Nghệ thuật Bài Chòi là một trong những hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc, được phát triển từ trò chơi bài tới. Bài Chòitừ hô tên quân bài làm vui ở hội chơi, dần phát triển thành các tiết mục hát rồi diễn xướng dân gian với hình thức kể chuyện và trở thành nghệ thuật sân khấu Bài Chòi.

Không ai biết chính xác hội Bài Chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300–400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế vào những dịp lễ hội ngày xuân. Bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất và sự sáng tạo, trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.

Nhà nghiên cứu Phùng Sơn cho biết: Trong chơi Bài Chòi, người chơi ngồi ở trong chòi để đánh. Người hô tên con bài – gọi là anh hiệu, sẽ rút con bài ra rồi đọc tên con bài đó. Những người ngồi dưới, ai sở hữu con bài đó sẽ giơ tay lên để nhận cờ. Sau này trò chơi được tăng thêm phần thú vị, người hiệu phải hát lên một câu trước khi nói tên con bài – như thế người chơi cũng được thưởng thức văn nghệ. Từ đó, những bài chơi hát lên được gọi là bài thai, đó là những câu thơ nhưng chưa đủ tiêu chí về nghệ thuật. Trò chơi thú vị nhưng đòi hỏi sự nhiêu khê trong khâu tổ chức. Vì vậy khi phục hồi lại loại hình đó, gọi là Bài Chòi để giữ tên gốc, nhưng thực tế đã được pha với tên bài thai. 

Bài Chòi là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Về cơ bản, Bài Chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau, được chia thành 10 loại thẻ gỗ. Người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó. Cuộc chơi bắt đầu diễn ra khi anh hiệu (người hô bài) bước đến ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài, anh hiệu sẽ đọc tên quân bài đó. Người nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì xem như thắng cuộc.

Vào xuất cờ, mọi người đều chăm chú và thích thú lắng nghe những điệu hát trước khi anh hiệu hô câu thai mang tên quân bài. Anh hiệu giỏi thường khéo léo hô một cách chậm rãi, khiến người nghe hồi hộp chờ đợi rồi đoán già đoán non đó là con bài gì. Đối với những người chơi, chuyện được – thua không quan trọng mà thú vị ở chỗ họ cùng thưởng thức những câu hát trầm bổng, nhịp nhàng, du dương như đọc thơ vậy.

Trong khoảng những năm 1930-1940, để thu hút người xem, từ một điệu hô - hát ban đầu, những nghệ nhân hát bài chòi đã sáng tạo ra 4 làn điệu cơ bản là “Xuân nữ”, “Cổ bản”, “Xàng xê” và Hò Quảng”. Sau này, các nghệ nhân còn mượn một vài làn điệu của hát bội (tuồng) để làm phong phú thêm cho Bài Chòi.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta nhận thấy, người dân ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ đặc biệt yêu thích hát Bài Chòi, nên đã vận dụng đưa loại hình nghệ thuật vào hỗ trợ công tác tuyên truyền cho người dân. Chính vì vậy, thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp được coi là “thời hoàng kim” của nghệ thuật bài chòi. Khắp nơi khắp chốn, từ bộ đội, nhân dân… đâu đâu cũng hát Bài Chòinên nhiều sáng tác mới, gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân đã ra đời.

Sau năm 1954, tất cả nghệ nhân Bài Chòi phục vụ kháng chiến được tập kết ra Bắc. Đến đầu năm 1955, bài chòi bắt đầu được đưa lên sân khấu. Từ năm 1975 tới nay, nghệ thuật Bài Chòivẫn được duy trì. Ở các tỉnh Trung Bộ, nhất là Bình Định, ngày nay, loại hình di sản này còn được lưu trong sinh hoạt làng xã, trong tục ngữ ca dao. Đến năm 2000, hội đánh Bài ChòiXuân được NSƯT Phan Ngạn (1931-2008) của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định phục hồi. Ông là người có công đầu trong việc khôi phục lại bộ bài chòi, hội chơi, tìm lại được các nghệ nhân Hiệu hạt nhân để tổ chức được một hội bài chòi truyền thống.

Với sự tiếp sức của dự án bảo tồn “Hội đánh Bài Chòi cổ dân gian Bình Định” cùng với hiệu quả từ các kỳ liên hoan dân ca Bài Chòitrên địa bàn tỉnh, năm 2010, hội đánh bài chòi mới thực sự hồi sinh. Ngày 25/8/2014, “Nghệ thuật Bài Chòi” (ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam) được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sau đó, Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam” (do Viện Âm nhạc phối hợp với 9 tỉnh, thành phố - từ Quảng Bình đến Khánh Hòa - thực hiện) đề cử UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - được hoàn thành và gửi đến UNESCO vào tháng 3/2016.

Tối 24/4/2019, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra Lễ đón bằng UNESCO, ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đọc thêm