Khổ như...đàn ông Việt!

(PLVN) - Xưa nay, chúng ta vẫn luôn mặc định đàn ông Việt phải tương xứng với trách nhiệm “ làm trai cho đáng nên trai”. Họ luôn làm chủ gia đình, làm lãnh đạo… Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội lại chỉ ra những điều khá bất ngờ trong “ thế giới đàn ông”… 
Khổ như...đàn ông Việt!

“Rất sững sờ, ngạc nhiên”… 

Hầu như ít ai đặt câu hỏi rằng với tư cách là một giới, nam giới có hạnh phúc không? Mặc dù có một thực tế không mấy dễ chịu rằng giới có nhiều quyền và ưu thế này lại có tỉ lệ tự sát cao hơn gần 3 lần so với nữ. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, vào năm 2016, tỉ lệ tự sát của nam giới Việt Nam là 10,8 trên 100,000, vượt trội so với tỉ lệ tự sát ở phụ nữ là 3,7 trên 100,000 cũng như tỉ lệ trung bình của Việt Nam, 7,3 trên 100,000 (so sánh với năm 2000, tỉ lệ này tương ứng là 6,7, 10 và 3,6, nghĩa là tỉ lệ tự tử ở nam giới vẫn tăng nhanh hơn rõ rệt so với nữ). 

Thực tế, bởi những suy nghĩ mặc định của cả hai giới, đặc biệt là của chính nam giới rằng nam giới đang rất ổn, nên mấy chục năm qua hầu như giới nghiên cứu và những người làm quản lý không đặt câu hỏi này ra? Trong khi đó, một phần tư nam giới trả lời khảo sát cho biết họ đang chịu áp lực bởi nhiều vấn đề, mà đứng đầu là kinh tế và sự nghiệp.

Áp lực về thu nhập đối với nam giới Việt Nam luôn tồn tại do nam giới được gắn với vai trò là người chu cấp kinh tế chính cho gia đình, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già và thờ cúng tổ tiên. Với nam giới chưa kết hôn, thu nhập cũng chính là một tiêu chuẩn rất quan trọng của người chồng để có thể đảm bảo cho gia đình tương lai. 

Và nữa, truyền thống trọng nam bền bỉ chưa bao giờ ngừng chảy tại Việt Nam, thậm chí vẫn tiếp tục mạnh hơn: những năm 2000, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cân bằng sinh học (từ 102-106 bé trai/100 bé gái). Có một điều gì đó đã thúc đẩy sự chênh lệch này: tỉ số giới tính tăng nhanh kể từ 2004 và vọt lên mức 112,1 bé trai/100 bé gái vào năm 2017. Đặc biệt là ở lần sinh con thứ ba đã tăng đến mức 120 bé trai/100 bé gái (trong giai đoạn 2010-2014).

Trong khi phụ nữ đã có nhiều thay đổi, thì đàn ông Việt vẫn bị mắc kẹt bởi nhiều mặc định bền bỉ về “làm trai cho đáng nên trai”.
Trong khi phụ nữ đã có nhiều thay đổi, thì đàn ông Việt vẫn bị mắc kẹt bởi nhiều mặc định bền bỉ về “làm trai cho đáng nên trai”.  

Chính bởi thế, nghiên cứu Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập (tiến hành năm 2019, mới công bố tháng 10-2020) của TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội- ISDS, và cộng sự, những câu hỏi này mới dần dần có thể trả lời. Khái niệm “thế nào là một người đàn ông đích thực” mới được mang ra thảo luận, đong đếm.

Và hơn 2.500 người đàn ông ngẫu nhiên, ở cả nông thôn và thành thị, trong 4 tỉnh để họ tự trả lời. Nhờ đó, lần đầu tiên các giới khác được biết đàn ông Việt đang đứng trước những nguy cơ về sức khỏe thể chất và tinh thần cụ thể ra sao: Trong vòng một năm, tỉ lệ có hành vi nguy cơ và tiêu cực đều cao (từng uống rượu bia tới say xỉn và hút thuốc lá lần lượt là 58% và 67%), trải qua cảm giác “cô đơn lạc lõng” lên tới 17.5%, “cảm thấy chán nản thất vọng” (19%) và “nghĩ cuộc đời mình thất bại” (9.4%), mà nặng nề nhất là nhóm nam giới trẻ và sinh sống ở đô thị.

TS Khuất Thu Hồng cho biết: Trong số 2576 người có rất nhiều nam giới lại cảm ơn chúng tôi vì lần đầu tiên nam giới khi được phỏng vấn có cơ hội nhìn lại chính mình. Hãy nghe hơn 2.500 người đàn ông tự kiểm kê hình mẫu “người đàn ông đích thực” mà họ kỳ vọng, hoài mong. Về sự nghiệp: người đàn ông đích thực ưu tiên sự nghiệp, coi trọng học vấn và bằng cấp, phấn đấu vào Đảng Cộng sản và có vị trí cao trong cơ quan nhà nước, làm những công việc có tay nghề chuyên môn/kỹ thuật cao, trở thành người lãnh đạo và ra quyết định.

Về năng lực và tư cách: người đàn ông đích thực có một cơ thể khỏe mạnh, biết sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại, có quan hệ xã hội rộng, có phong thái mạnh mẽ, cử chỉ dứt khoát, ăn to nói lớn, biết chấp nhận mạo hiểm và thử thách, tính cách mạnh mẽ, không tỏ ra yếu mềm, và biết uống rượu giỏi.Về sinh lực: người đàn ông đích thực có khả năng tình dục cao, có nhiều kinh nghiệm tình trường, luôn chủ động và dẫn dắt khi quan hệ tình dục. Về gia đình: người đàn ông đích thực lấy vợ, sinh con, là trụ cột trong gia đình và kiếm đủ tiền nuôi được vợ con, và có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.

Tuy nhiên, sự mắc kẹt giữa hiện đại và truyền thống của đàn ông Việt thể hiện rất rõ ở việc những đòi hỏi của họ dành cho phụ nữ vẫn rất nhấn mạnh vào vai trò chăm sóc gia đình như: “đảm đang quán xuyến”, “luôn đồng ý với chồng”, “nhường nhịn, hi sinh cho gia đình”, “có nhiều thời gian cho gia đình”. Tỉ lệ người đàn ông mong muốn vợ mình đảm bảo các tiêu chí trên lên tới 70%, thậm chí gần 90%.

Chừng nào nam giới còn trải nghiệm bạo lực, áp lực thì điều đó còn gây tai họa cho nữ giới: 60% nam giới từng gây ít nhất một kiểu bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi) với bạn đời của mình. Gần một nửa nữ giới từng bị bạn đời bạo lực tinh thần trong đời, cứ 5 phụ nữ Việt Nam thì có một phụ nữ (20,6%) bị bạn đời bạo lực kinh tế trong đời, hơn 1/4 (27,3%) phụ nữ phải chịu một hoặc nhiều dạng bạo lực kiểm soát hành vi từ bạn đời trong đời. 

Như vậy, trong khi phụ nữ đã thay đổi rất nhiều để tạo nên hạnh phúc thì người đàn ông vẫn “bền bỉ” với những mặc định và bị mắc kẹt ở đó…

 

Bày tỏ về nghiên cứu “hay, độc, lạ” này của nhóm, PGS. Nguyễn Văn Chính cho biết cảm xúc của ông là rất sững sờ, ngạc nhiên khi nghiên cứu này chỉ ra rằng “làm đàn ông không dễ dàng”, đàn ông phải đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống và bản thân, vì họ cứ cho mình phải làm trụ cột gia đình, “phải là đàn ông đích thực” nên họ dễ bị stress nếu không trở thành một phiên bản “đích thực”.

Nhưng ông không ngạc nhiên khi thấy rằng nghiên cứu này chỉ ra đàn ông Việt Nam vẫn “bảo thủ” khi mong muốn công việc là “ra làm quan, làm việc nước” đến giờ vẫn không thay đổi (gần 41% nam giới trong khảo sát cho biết mong muốn làm cán bộ, công chức nhà nước; tiếp theo là công an, cảnh sát, quân đội (38%); còn những ngành nghề đòi hỏi tư duy như nghiên cứu khoa học thì được mong muốn thấp nhất và bằng với thợ thủ công và việc làm trong các lĩnh vực nông/lâm/ngư nghiệp).

Sợ bị so sánh… “ chồng người ta”! 

GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bày tỏ: Đây là nghiên cứu đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta. Chúng ta nhìn lại các câu truyện bình thường, đời thường. Có rất nhiều định kiến giới, có rất nhiều những suy nghĩ  bình thường hóa nhưng hôm nay tôi chợt nhận ra chúng ta phải xem lại. Tôi cũng thấy rằng từ góc nhìn này mở ra rất nhiều góc độ. Các chính sách, các hội nghị đều tập trung vào một nửa thế giới của chúng ta…

Đơn cử như tôi chỉ cần cầm cái chổi quét nhà thì mọi người lại hỏi tôi Osin đâu mà để sếp phải quét nhà? Tôi thấy rất lạ. Nếu đổ tại truyền thống, tại xã hội thì đâu đó vẫn còn thiếu, có khi nào tại chính gia đình, tại chính người vợ trong gia đình không? Và nữa chúng ta thường truyền thông nam giới phải giỏi giang, ga lăng… nó mang tính chất hết sức không đời thực. Người đàn ông quyết định tất cả, người phụ nữ chỉ là hỗ trợ. Tôi đề nghị truyền thông phải điều chỉnh lại.  Nếu thay đổi về truyền thông có khi chúng ta cũng không cần phải thay đổi về chính sách đâu…  

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc CSAGA chia sẻ: “Tôi không thấy nước nào có rượu bổ dương lại có sẵn như Việt Nam. Chính các kỳ vọng đó gây ra sự xấu hổ cho nam giới nếu họ không đạt được các chỉ tiêu. Trong một nghiên cứu của chúng tôi khi nam giới được hỏi về kỳ vọng với nữ giới thì rất ít tiêu chí. Trong khi của nữ giới kỳ vọng vào nam giới vô cùng nhiều. Bản thân nam giới rất áp lực, để nữ giới không so sánh chồng mình với những người đàn ông khác là vô cùng khó khăn”…

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, chuyên gia cao cấp về giới, việc nghiên cứu để hiểu biết tốt hơn về nam giới và nam tính để nhằm thay đổi theo hướng bình đẳng mang lại lợi ích cho nam giới, cho quan hệ gia đình và đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Nhiều nam giới nhận thức phải trụ cột nên hình thành bất bình đẳng giới trong gia đình.

Do đó, nhiều tiêu chí truyền thống của “người đàn ông đích thực” cần phải được thay đổi để giải phóng chính đàn ông ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc đang gây bất lợi cho chính họ và đang cản trở sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Do đó, cần tập trung vào nhóm nam giới hiện đại, coi trọng họ như đội quân tiên phong trong thay đổi tư duy, nếp nghĩ, là ảnh hưởng đến suy nghĩ của các tầng lớp khác. Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng, nên kết hợp nghiên cứu nam giới trong mối quan hệ với nữ giới để thay đổi chính sách.

Còn theo bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia UN WOMEN, nghiên cứu chuẩn mực nam giới và tập trung giải quyết các vấn đề của đàn ông cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Với nhiều chuyên gia khác, để thay đổi nam giới, giảm bớt những căng thẳng mà nam giới phải gánh chịu thì cần có dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho đàn ông; chú ý tới quá trình “kiến tạo một đứa trẻ” từ trong gia đình, nhà trường và cả truyền thông xã hội… 

TS Khuất Thu Hồng cho biết, nghiên cứu này cho thấy nhóm nam giới trẻ, 18-29 và 30-29 có sự thay đổi so với nam giới cao tuổi. Tỉ lệ nam giới trẻ nghĩ là phụ nữ phải hi sinh, chịu đựng ít hơn nhiều so với nam giới cao tuổi, họ cho biết đỡ đần việc nhà cho vợ nhiều hơn, nam giới trẻ bị bạn gái kiểm tra, kiểm soát nhiều hơn, thậm chí bị đánh nhiều hơn. Sự thay đổi rất chậm nhưng là ánh sáng cuối đường hầm cho chúng ta hi vọng vào sự thay đổi…

Đọc thêm