Kịch bản điện ảnh Việt: Nhiều, đúng, tốt nhưng chưa hay

(PLVN) - Tình trạng kịch bản phim truyện ngày càng thiếu và yếu đã kéo dài nhiều năm nay. Theo Cục trường Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành, đây là“vấn đề quá cấp bách” của nền điện ảnh nước nhà.
Kịch bản điện ảnh Việt hiếm có sự đặc sắc, mới lạ mà hầu hết là mô típ quen thuộc.
Kịch bản điện ảnh Việt hiếm có sự đặc sắc, mới lạ mà hầu hết là mô típ quen thuộc.

Đúng, tốt nhưng chưa hay

NSND Đào Bá Sơn từng chia sẻ: “Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hay”. Quả thực, đây là nhận định rất tinh của người trong nghề về một thực trạng của điện ảnh Việt thời nay. Đó là, trong đội ngũ viết kịch bản không hề thiếu các cây bút ở mọi độ tuổi, trình độ; mà khan hiếmnhững người viết kịch thực sự tâm huyết, tài năng, sáng tạo, luôn làm mới mình và bắt kịp với xu thế thời đại. 

Trong những năm qua, đã có những chương trình tìm kiếm tài năng biên kịch như “Gặp gỡ mùa thu” và “Nhà biên kịch trẻ tài năng”, nhưng vẫn như “muối bỏ bể”. Mặc dù năm 2019 vừa qua đã được coi là một năm “sáng” của điện ảnh Việt nhưng tóm gọn lại, nền điện ảnh nước nhà vẫn đang “loay hoay” trong một số “lối mòn” của những năm trước đây. 

Đầu tiên, về số lượng tác phẩm, không có nhiều thay đổi qua các năm gần đây.Trong năm 2019, điện ảnh Việt có 44 phim ra rạp, so với năm 2018 có 43 phim, năm 2017 có 36 phim, năm 2016 có 43 phim. Như vậy số lượng tác phẩm không có sự đột phá. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, có năm nền điện ảnh ra mắt đến 50-60 bộ phim nhưng chất lượng hầu hết đều không tốt, thậm chí có tác phẩm bị chê là “tệ hại, thảm hoạ”. Như vậy, chỉ số lượng tác phẩm vẫn chưa thể nói lên được nội lực của phim truyện Việt. 

Nhiều phim điện ảnh Việt ra mắt năm 2020 bị đánh giá nhảm.
Nhiều phim điện ảnh Việt ra mắt năm 2020 bị đánh giá nhảm. 

Mặt khác, về khía cạnh đề tài, kể từ khi các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân tham gia thị trường, nền điện ảnh đã có thêm nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài, gây được hiệu ứng khán giả tốt, đạt doanh thu cao ngất ngưởng. Trong đó, có thể kể đến hai bộ phim “Hai Phượng” và “Cua lại vợ bầu” được nhà phát hành công bố doanh thu trên dưới 200 tỉ đồng, đồng thời giành được Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019.Từnhận định của nhiều khán giả, những bộ phim được đầu tư chuyên nghiệp khi xem thì mãn nhãn thật đấy, nhưng khi bước ra khỏi phòng chiếu hầu như không đọng lại được gì. 

Doanh thu của một bộ phim có thể là một yếu tố đáng hoan nghênh với nhà sản xuất, nhà đầu tư cũng như toàn bộ ê-kíp làm phim. Tuy nhiên, không thể chỉ dùng yếu tố này để đánh giá tính nghệ thuật của một bộ phim điện ảnh. Đã từng có thời điểm người xem “nghiện” phim điện ảnh Việt Nam và dành sự yêu mến cho những tác phẩm kinh điển như “Chị Tư Hậu”, “Nổi gió”, “Em bé Hà Nội”, “Cánh đồng hoang”,… Còn so với nền điện ảnh trong khu vực thì nước ta vẫn chưa có những tác phẩm thực sự “ám ảnh” người xem, khiến họ phải trăn trở sau khi bộ phim kết thúc, thậm chí muốn xem đi xem lại để hiểu rõ hơn về nhân vật, tình tiết và thông điệp của phim. 

Bộ phim Ròm bị đánh giá là 'nhạy cảm'.
Bộ phim Ròm bị đánh giá là 'nhạy cảm'. 

Chưa kể tới, các phim đề tài lịch sử, thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số chưa thu hút được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, chưa được truyền thông, dư luận chú ý tới. Trong khi đó, các bộ phim đình đám nhất hiện nay không “thoát khỏi” một số mô-típ trong thể loại phim thanh xuân học đường, tình cảm lãng mạn… Phim Việt hầu hết là phim remake, làm lại từ phim đã thành công của nước ngoài hoặc kịch bản được chuyển thể dựa trên tác phẩm văn học đã được nhiều người biết đến.

Có những phim được giới chuyên môn đánh giá chất lượng tốt nhưng doanh thu chưa tốt như“Thưa mẹ con đi”, “Anh thầy ngôi sao”, “Anh trai yêu quái”. Và trái lại, có một số phim đạt doanh thu cao nhưng chất lượng nội dung không tương xứng như “Chị Mười Ba”, “Lật mặt: Nhà có khách”, “Pháp sư mù”. Chưa kể, bên cạnh “tốp trên” của nền điện ảnh hiện tại thì “tốp dưới” hoàn toàn bị bỏ xa. Không ít tác phẩm điện ảnh “mì ăn liền” ra đời, không chỉ chất lượng phim kém mà kịch bản cũng không tốt, nhanh chóng bị chìm vào quên lãng.

“Vấn đề quá cấp bách”

Trên thực tế, “mảnh đất” kịch bản phim truyện điện ảnh đang là một nỗi trăn trở lớn của các nhà làm nghề cũng như những người yêu văn hoá. Một bộ phim thành công chỉ với kịch bản hay tất nhiên là chưa đủ. Tuy nhiên, đối với hầu hết những bộ phim gây được hiệu ứng và tiếng vang tốt, thu hút được thiện cảm của công chúng, thậm chí trở thành tác phẩm “không tuổi” với thời gian, đều phải bắt đầu trên nền tảng một kịch bản hay, mới, lạ. 

Chính vì thế, Cục trưởng Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành mới nhấn mạnh kịch bản là “vấn đề quá cấp bách của điện ảnh”. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu kịch bản phim truyện có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” cuối cùng đã được phát động tổ chức bởi Cục Điện ảnh sau cả một thập kỷ vắng bóng. 

Phim điện ảnh Việt năm 2019 có nhiều phim đạt doanh thu cao ngất ngưởng nhưng hiếm có kịch bản dược đánh giá là hay.
Phim điện ảnh Việt năm 2019 có nhiều phim đạt doanh thu cao ngất ngưởng nhưng hiếm có kịch bản dược đánh giá là hay. 

Đối tượng tham dự là các tác giả người Việt Nam, chuyên nghiệp và không chuyên, đang sinh sống, học tập và làm việc trong nước, không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp. Kịch bản dự thi có độ dài phim từ 90-120 phút; có nội dung tư tưởng hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt; khái quát những vấn đề của xã hội đương đại; phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người;có thể chuyển thể từ tác phẩm văn học hoặc sân khấu nhưng phải đính kèm xác nhận chứng minh hợp pháp bản quyền sử dụng… Cuộc thi phần nào sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc tìm kiếm nguồn kịch bản chất lượng cho điện ảnh Việt Nam

Tuy nhiên muốn cải thiện giới biên kịch Việt Nam thì không chỉ phía tài năng là đủ mà cả phía thẩm định cũng cần thay đổi “lối mòn” tư duy. Đạo diễn Nhuệ Giang cho từng phân tích: những nhà thẩm định an toàn có xu hướng chọn kiểu kịch bản dù nghệ thuật viết kịch bản thấp nhưng có đề tài tốt, cốt truyện hơi nhạt cũng được; họ thường e ngại tác phẩm có yếu tố “nhạy cảm” (đơn cử đề tài phản chiến chứ không phải ca ngợi chiến tranh) nên vô tình loại đi các tác phẩm tốt.

Nếu cứ mãi “gạn trong” như vậy thì nền điện ảnh Việt khó thể khơi ra được những tài năng ưu tú, yêu nghề, sáng tạo. Thiết nghĩ, vẫn sẽ có những đề tài xã hội có tính nhân văn cao, phản ánh được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước;mà kịch bản đảm bảo chất lượng, từ câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ, đếnxử lý tình huống thông minh, dẫn dắt hấp dẫn, chi tiết đắt giá  … Trong quá khứ điện ảnh Việt đã làm được vậy hiện nay, tại sao lại không?

Đọc thêm