Ký ức vẹn nguyên về Tiểu đội 11 cô gái sông Hương

(PLVN) - Hòa bình đã được lập lại, không còn tiếng súng đạn, nhưng những ký ức về ngày hôm ấy của tiểu đội nữ 11 cô gái sông Hương vẫn còn văng vẳng bên tai những người ở lại. Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường trong suốt 25 năm ngày đêm bảo vệ thành Huế vẫn còn được nhớ đến, để giờ đây người ở lại mỗi khi nhắc đến lại thấy nghẹn ngào. 
Các nữ du kích Sông Hương trong Lễ khánh thành bia chiến công Tiểu đội 11 cô gái sông Hương năm 2016
Các nữ du kích Sông Hương trong Lễ khánh thành bia chiến công Tiểu đội 11 cô gái sông Hương năm 2016

Hơn 50 năm về trước, những cô gái ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Huế đang ở độ tuổi 18 đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của con gái lại mang trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc. Chính sự căm phẫn khi hàng ngày nhìn chúng bắt bớ, giết dân làng vô tội,… làm các cô tham gia vào cách mạng. 

Lúc bấy giờ, nhiệm vụ chính của tiểu đội là nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của địch ở trên địa bàn TP Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi quân giải phóng ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố. Cả tiểu đội vừa đào hầm quân sự vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Trong ký ức của mình, cô Chế Thị Mừng - một trong những đội viên của tiểu đội nữ 11 cô gái sông Hương vẫn còn hằn sâu khoảnh khắc giao chiến lúc đó. Đêm 11 rạng sáng ngày 12/2/1968, tiểu đội 11 cô gái sông Hương phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan đợt phản công của quân thù từ Phú Bài (thị xã Hương Thủy) đổ lên TP Huế theo quốc lộ 1A. Chị Phạm Thị Liên chỉ huy tiểu đội sử dụng súng AK, K44, một số mìn và lựu đạn đối phó với giặc. Không chiến hào, các chị dàn trận khắp phường, lợi dụng nhà dân để đánh địch, tiếng bom đạn gầm rú cả bầu trời Trị Thiên khói lửa.

Hình ảnh thanh xuân phơi phới của Tiểu đội nữ 11 cô gái sông Hương ngày ấy
Hình ảnh thanh xuân phơi phới của Tiểu đội nữ 11 cô gái sông Hương ngày ấy 

Lúc bấy giờ, thời khắc mà cô Mừng vẫn không thể nào quên được chính là lúc cuộc chiến thật sự nổ ra, khi địch bắt đầu phản công chiếm lại trận địa. Mặc dù được huấn luyện từ trước nhưng bình thường chỉ quen làm giao liên, dẫn đường nên giây phút các chị cầm súng, nổ súng cảm xúc rất khó tả. Trong giây phút sinh tử ấy, mọi người đều cố gắng động viên nhau phải cầm súng đến hơi thở cuối cùng. Không ngờ, sau cuộc chiến ác liệt ấy, tiểu đội đã hi sinh 4 người: Chị Hoàng Thị Sau (hy sinh ngày 12/2/1968); chị Đỗ Thị Hoa (hy sinh ngày 12/2/1968); chị Hoàng Thị Hết (hy sinh ngày 24/2/1968); chị Nguyễn Thị Diên (hy sinh ngày 24/2/1968).

Tiếp đó, đến ngày 15/9/1969, Tiểu đội phó Hoàng Thị Cúc hy sinh khi trở về thành phố làm nhiệm vụ. Ngày 24/4/1972, trong một trận đánh chống quân Mỹ - Ngụy càn xuống Kim Long, tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên cũng anh dũng hy sinh. Chị đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tên của chị cũng được đặt cho một con đường tại phường Kim Long, Huế.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng tham gia vào cách mạng, cùng sống, cùng ăn và cùng cầm súng. Mỗi người đã hứa với nhau cùng vượt qua thời chiến tranh, đến khi đất nước thống nhất sẽ cùng vui vẻ chuyện trò về ngày hôm nay. Thế mà bây giờ kẻ còn, người mất, người ở lại thì vẫn còn nỗi đau dai dẳng của vết thương chiến tranh, của những mảnh ghép ký ức về cuộc chiến lịch sử.

Danh sách tiểu đội 11 cô gái sông Hương
Danh sách tiểu đội 11 cô gái sông Hương 

Ngồi trò chuyện với chúng tôi về những ký ức năm ấy, thỉnh thoảng cô Mừng lại nghẹn ngào dừng lại, một phần bồi hồi nhớ lại chuyện cũ, một phần do vết thương ở đầu thình thoảng lại tái phát. Đôi mắt cô đỏ hoe, xúc động vì các chị trong tiểu đội đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người mang theo tình yêu tham gia vào cách mạng, họ đã thề hẹn sau này chiến thắng trở về sẽ nên nghĩa vợ chồng. Ấy vậy mà mối tình đó dang dở khi các chị phải ra đi vĩnh viễn.

Cô Mừng vẫn nhớ như in ngày ấy, khi cô đang băng bó vết thương cho chị Đỗ Thị Hoa. Vết thương khá nặng và mất máu quá nhiều, lúc đó từng lời chị Hoa dặn dò với đồng đội vẫn còn vẹn nguyên như vừa nói bên tai: “Khi về quê, gặp mạ chị, thì nói chị đi Bắc cho mạ đỡ đau lòng. Vì chị là người thứ 4 trong nhà hy sinh rồi. Lúc đó cô vẫn đang băng bó vết thương cho cô Hoa còn cô Hoa cứ cầm tay dặn dò mãi. Cuối cùng không ngờ lại…”

Giờ đây, khi chiến tranh kết thúc, những người còn sống quay về với quê hương, cùng góp sức mình để xây dựng đất nước. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mái tóc xanh ngày ấy của các o đội viên đã điểm bạc, ấy vậy mà tình cảm dành cho đồng đội vẫn vẹn nguyên như lúc ban đầu. Lần giở những tấm ảnh cũ đã úa màu thời gian, cô Mừng và các đội viên khác vẫn thay nhau cất giữ các kỷ vật còn sót lại.

Tuổi đã lớn, vết thương chiến tranh thường xuyên hành hạ, nhưng mỗi năm, cứ cào các dịp lễ, các cô, các bà lại gặp nhau để cùng ôn lại những câu chuyện ngày tháng chiến tranh. Ngồi hàn huyên về những kỉ niệm mà tất cả đã trải qua và động viên nhau vượt qua những khó khăn, bệnh tật của cuộc sống thường ngày. Những cô gái sông Hương ngày ấy vẫn giữ mãi một trái tim tri ân dành cho những đồng đội của mình. 

Đọc thêm