Lời nhắn nhủ cuối cùng của 23 thuyền viên vụ chìm tàu Bình Định

(PLVN) - “Trong những lời trăn trối, nhắn nhủ cuối cùng trước khi kiệt sức buông tay chìm vào biển cả, các anh em bạn thuyền mong mỏi là vợ con, cha mẹ, người thân đừng quá đau buồn, hãy mạnh mẽ vượt qua và bản thân sống tốt, chăm lo tốt cho gia đình. Dù lưu lạc bất cứ nơi nào, linh hồn họ luôn chở che cho gia đình”.Ba ngư dân may mắn trở về quặn lòng đau xót kể lại.
Ngư dân Võ Văn Hoài may mắn được trở về trong vòng tay người thân.
Ngư dân Võ Văn Hoài may mắn được trở về trong vòng tay người thân.

Lặng lẽ trùng phùng

Chiều 27/10, khi tàu cá BĐ 96388-TS cùng 12 ngư dân do anh Nguyễn Văn Minh (ngụ phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng và tàu cá BĐ 97469-TS cùng 14 ngư dân do anh Võ Ngọc Đô (ngụ xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng đang di chuyển tránh bão số 9 thì bị sóng đánh chìm.

Đến chiều 29/10, tàu MV.Fortune Iris (Hồng Kông) đã tiếp cận, cứu được 3 ngư dân đi trên tàu cá BĐ 97469-TS, gồm các anh: Võ Văn Hoài (em trai anh Đô), Lê Văn Don (cháu gọi anh Đô, anh Hoài bằng cậu ruột) và Huỳnh Xuân Phi (cùng ngụxã Hoài Hải). 23 ngư dân còn lại trên 2 tàu đến nay vẫn biệt tăm. Tất cả ngư dân đi trên 2 tàu đều sinh sống tại thị xã Hoài Nhơn, xuất bến ngày 5/10, đánh cá tại vùng biển Trường Sa.

Khoảng 18h ngày 3/11, chiếc xe chở 3 ngư dân trở về từ cõi chết đỗ đầu tiên tại nhà ông Võ Phòng (cha anh Đô, anh Hoài) đưa anh Hoài về nhà. Xe tiếp tục lăn bánh lần lượt đưa anh Phi và anh Don nhà ở cạnh nhau đoàn tụ cùng gia đình. 

Không để những người trở về xúc động, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần vốn đang cần tịnh dưỡng, hồi phục, người dân địa phương tuy tập trung đông nhưng rất trật tự, ý nhị sẻ chia. Xung quanh, những tiếng khóc nhỏ cố mím nghẹn ngào, những cái chạm nhẹ vỗ về… thay lời chúc mừng trở về là thích hợp nhất lúc này. Bởi chỉ mới 3 người bình an trở về, trong xã Hoài Hải và lân cận còn 23 người đang phiêu lạc giữa bao la biển cả.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao sổ tiết kiệm và động viên vợ con ngư dân Nguyễn Văn Hoài.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao sổ tiết kiệm và động viên vợ con ngư dân Nguyễn Văn Hoài. 

Nhỏ tuổi nhất và sức khỏe ổn định hơn 2 người còn lại, anh Don chủ động chia sẻ vắn tắt về hành trình bị nạn, bám trụ và được cứu. Theo đó, khi cố điều khiển tàu tăng tốc tránh trú bão nhưng không được, sóng to gió lớn nhanh chóng đánh vỡ thuyền và chìm. 14 ngư dân hô hoán nhau nhảy xuống biển thoát thân nhưng trừ anh Phi, còn lại không kịp mặc áo phao. 

Trong 14 người thì hai người bị chìm ngay sau khi vỡ tàu, 12 người còn lại ra sức bám vào các vật nổi như: tấm ván, tấm phao xốp… giữa cuồng phong với ý chí sinh tồn cao nhất. Nhưng rã rời, kiệt sức cảhai ngày đêm giữa biển khơi, gió bão, nhiều anh em bạn thuyền đành buông tay, chỉ còn lại 3 người may mắn được tàu MV. Fortune Iris cứu vào chiều 29/10.

“Suốt hai ngày đêm bám phao lênh đênh trên biển, tôi gần như kiệt sức nhưng lúc nào cũng suy nghĩ là trên vai mình có cha già bệnh tật, vợ yếu con thơ, nhất định phải sống sót trở về. Giờ đây, khi được cứu sống và trở về đoàn tụ cùng người thân, tôi không biết nói làm sao với gia đình những anh em bạn thuyền mất tích”, anh Phi bùi ngùi nói.

Chị Huỳnh Thị Tiết (vợ anh Phi) chia sẻ, tối 2/11, sau nhiều ngày hay tin chồng gặp nạn trong bão số 9 được cứu sống, chị mới được nghe tiếng nói anh qua điện thoại. Qua báo đài, nhìn anh tay run run húp từng muỗng cháo, chị biết chồng mình đã thật sự sống sót.

“Anh bị mẹ bỏ rơi từnhỏ. Đến năm 14 tuổi, anh đã phải đi biển kiếm sống và nuôi cha tâm thần. Và đây là lần thứ 3 anh “lớn mạng” trở về, nói sao hết nhọc nhằn, rủi ro đời anh đã nếm trải…”, chị Tiết xúc động chia sẻ.

Nỗi ám ảnh mang tên “nghiệp biển”

Vỡ òa sau bao ngóng đợi, những bước chân nhanh líu ríu của người thân dìu anh Hoài vào nhà bỗng chốc sựng lại khi đi ngang căn buồng nhỏ nơi chịHuỳnh Thị Phượng (vợ anh Đô) đang chết lặng. Kiệt sức nằm bẹp trên giường và cũng như để trốn chạy nỗi đau, chị Phượngđã tự nhốt mình. 

Hai con lớn của anh Đô hết chạy ra mừng chú lại chạy vào vỗ về mẹ đang trong cơn thổn thức đỉnh điểm. Mẹ, các chị gái của 2 anh em ngư dân ôm anh Hoài nức nở, xót xa lần giở những vết trầy xước khắp trên cổ, tay… vừa khóc vừa van vái trời phật, tổ tiên đã chở che cho anh. 

Ông Đặng Văn Xang thất thần khi cùng lúc mất 2 người con trai.
Ông Đặng Văn Xang thất thần khi cùng lúc mất 2 người con trai. 

Trong cảm xúc hỗn độn một mất một còn, chính những người thân này cũng không thể kiềm chế khi vô thức gợi nỗi đau cho anh Hoài. “Sao con không cố động viên thêm anh cùng gắng gượng, để đêm nay 2 anh em cùng về, Hoài ơi, Đô ơi!” - khi nghe người mẹ khóc câu này, anh Hoài lại nấc nghẹn, bất lực.

Đối diện nhà ông Phòng, tiếng khóc từ nhà ông Trương Văn Sinh càng nức nở, bi thương. Ông Sinh là thuyền viên lớn tuổi nhất trên tàu anh Đô, khi gặp nạn đã nhanh chóng lả đi và là người buông phao sớm nhất. 

 Điểm chung ởhai con tàu bị sóng đánh chìm này là ngư dân đa số rất trẻ, chỉ mới trên dưới 20, chưa lập gia đình. Đồng thời, nhiều người bị nạn có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều người là anh em, họ hàng với nhau khiến cho mất mát càng nặng nề.

Ông Đặng Văn Xang (ngụ phường Tam Quan Nam, cha của các anh Đặng Đức Hiểu và Đặng Đức Nghĩa, đều là thuyền viên tàu cá BĐ 96388-TS) nghẹn ngào: “Chắc mấy đứa nó giờ đã không còn rồi. Hai đứa nó vẫn còn trẻ, chưa lập gia đình mà giờ đây người đầu bạc phải tiễn người đầu xanh. Tôi biết phải làm sao”.

Ngôi nhà cấp 4 của anh Nguyễn Văn Hoài (ngụ phường Tam Quan, thuyền viên tàu cá BĐ 97469-TS) có nhiều người đến thắp hương tại bàn thờ vừa mới lập. “Nó có đứa con gái đầu 2 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, lại sứt môi hở hàm ếch, vợ thì mới sinh con trai được 15 ngày. Cuộc sống gia đình dựa vào nguồn thu nhập chính của nó nhưng nay nó đã lìa xa vợ con, người thân”, bà Ngô Thị Bích Nga (mẹ anh Hoài) nức nở.

Ông Phòng nghẹn giọng: “Nghiệp biển giã khắc nghiệt, thỉnh thoảng rủi ro hay vào mùa bão vẫn có người mất tích, mất xác. Tuy nhiên, cùng lúc mất cảmấy chục người như thế này là lần đầu tiên, hết sức ám ảnh và quá sức chịu đựng”.

Các ngư dân sống sót trở về đều bảo, trong những lời trăn trối, nhắn nhủ cuối cùng trước khi kiệt sức buông tay chìm vào biển cả, điều anh em bạn thuyền mong mỏi là vợ con, cha mẹ, người thân đừng quá đau buồn, hãy mạnh mẽ vượt qua và bản thân sống tốt, chăm lo tốt cho gia đình. Dù lưu lạc bất cứ nơi nào, linh hồn họ luôn chở che cho gia đình.

Trong những ngày qua, để chia sẻ với các ngư dân, gia đình của ngư dân bị nạn, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên bà con sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.

“Trong số những ngư dân bị mất tích, có nhiều trường hợp ngư dân còn trẻ đang có con nhỏ, vợ mới cưới đang mang thai, cha mẹ mới mất. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các gia đình này, nhất là kêu gọi sự hỗ trợ nuôi dưỡng con của các ngư dân có đủ điều kiện tiếp tục đến trường”, Bí thư Thịủy, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết.

Đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình ngư dân gặp nạn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng bày tỏ, nỗi đau của các gia đình ngư dân cũng là nỗi đau của tỉnh. Ngay sau khi có thông tin các tàu gặp nạn, Chính phủ, tỉnh và ngành chức năng đã nỗ lực hết mức trong công tác tìm kiếm cứu nạn, song kết quả không được như mong muốn. 

Ông Dũng mong các gia đình nghị lực để vượt qua mất mát, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, giữ vững, phát huy truyền thống của ngư dân Hoài Nhơn, tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Đọc thêm