Một vụ án có nhiều sai sót về tố tụng, người bảo lãnh hợp đồng không được triệu tập

(PLVN) - Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn thừa nhận khoản nợ và đồng ý thanh toán với điều kiện phía nguyên đơn phải đối trừ các khoản đang còn thiếu nợ cho mình nhưng yêu cầu phản tố của bị đơn không được hai cấp tòa xem xét và bị tách thành vụ kiện khác. Bên cạnh đó, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đứng ra bảo lãnh hợp đồng cũng không được tòa triệu tập. 
Ông Nguyễn Trọng Hữu bên đống hàng thức ăn tôm tồn kho nhưng không được Cty NewHope thanh toán.
Ông Nguyễn Trọng Hữu bên đống hàng thức ăn tôm tồn kho nhưng không được Cty NewHope thanh toán.

Nội dung vụ việc

Nguyên đơn trong vụ kiện là Công ty TNHH NewHope Vĩnh Long (gọi tắt là Cty NewHope, địa chỉ tại Lô 1, KCN Bình Minh, ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), người đại diện theo pháp luật là ông Chen Xue Jun – Tổng giám đốc, quốc tịch Trung Quốc; người đại diện theo ủy quyền để tham gia phiên tòa là ông Dương Linh Nôi. Bị đơn là ông Nguyễn Trọng Hữu (ngụ Ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). 

Theo phía nguyên đơn trình bày tại bản án sơ thẩm: Ngày 1/4/2019 Cty NewHope có ký Hợp đồng tín dụng khách hàng nuôi tôm chiến lược theo nội dung xây dựng mô hình nuôi tôm thí điểm 4 ao trải bạt, số tiền tín dụng là 179 199 196 đồng (làm tròn là 180 triệu đồng).

Theo thỏa thuận, sau hai vụ tôm trễ nhất đến ngày 31/10/2019 ông Hữu phải thanh toán cho Cty số tiền trên, bất kể việc nuôi tôm như thế nào. Cty đã chuyển cho ông Hữu phần bạt xây dựng ao và chuyển hóa đơn chứng từ để ông Hữu thanh toán nhưng đến nay ông Hữu chưa thanh toán. Vậy nên Cty NewHope khởi kiện ông Hữu ra TAND huyện U Minh yêu cầu ông Hữu phải trả số tiền gốc là 180 triệu đồng và tính lãi từ ngày 1/11/2019 cho đến khi thanh toán xong. 

Theo bị đơn ông Nguyễn Trọng Hữu trình bày: Ông là đại lý bán thức ăn nuôi tôm và thuốc thủy sản của Cty NewHope, ngày 1/4/2019 hai bên có ký Hợp đồng tín dụng khách hàng nuôi tôm chiến lược. Tại Điều 1.1 Hợp đồng này ghi rõ: "Bên B (tức ông Hữu) chỉ kinh doanh mặt hàng thức ăn tôm do bên A (Cty NewHope cung cấp, thu thập số liệu nuôi trồng, tuyên truyền quảng bá cho bên A, sản lượng năm cam kết không thấp hơn 300 tấn.

Hình thức lấy hàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc bảo lãnh Ngân hàng. Bên A cho bên B vay tiền xây dựng mô hình hộ nuôi tôm thí điểm (4 ao bạt). Phương thức tín dụng: Bên B bàn giao hợp đồng tín dụng và hóa đơn chứng từ xây dựng ao bạt cho bên A, số tiền tín dụng 180 triệu đồng được bên A trực tiếp thanh toán cho bên B. Đồng thời bên A phải có đơn bảo lãnh Ngân hàng tương đương 600 triệu đồng. Sau 2 vụ nuôi tôm, trễ nhất đến ngày 31/10/2019 bên B phải hoàn trả 100% tiền bạt cho bên A bất kể kết quả nuôi tôm thế nào.

Điều 1.2 về Những người bảo lãnh gồm có: Dương Linh Nôi, Lê Anh Tâm, Hà Trung Phong, Nguyễn Thắng Cảnh, Nguyễn Văn Thắng.” 

Điều 1 của bản "Hợp đồng tín dụng khách hàng nuôi tôm chiến lược" giữa Cty NewHope ký với ông Nguyễn Trọng Hữu thể hiện rõ có sự bảo lãnh của Ngân hàng.
Điều 1 của bản "Hợp đồng tín dụng khách hàng nuôi tôm chiến lược" giữa Cty NewHope ký với ông Nguyễn Trọng Hữu thể hiện rõ có sự bảo lãnh của Ngân hàng. 

Theo ông Hữu, trong “Hợp đồng tín dụng khách hàng nuôi tôm chiến lược” ngày 1/4/2019 giữa hai bên thể hiện 3 nội dung quan trọng: một là ông Hữu làm đại lý độc quyền cung cấp thức ăn tôm của Cty NewHope; hai là Cty NewHope cho ông Hữu vay tiền xây 4 ao tôm trải bạt trị giá 180 triệu đồng, thỏa thuận đến 31/10/2019 phải thanh toán; ba là Hợp đồng giữa hai bên có sự bảo lãnh của bên thứ ba là Ngân hàng (có chứng thư bảo lãnh kèm theo). 

Cũng theo ông Hữu, nội dung Hợp đồng tín dụng khách hàng nuôi tôm chiến lược thực chất bao gồm 2 hợp đồng: Hợp đồng đại lý và hợp đồng mua bán bạt trải ao nuôi tôm. Trong đó Hợp đồng mua bán bạt trải ao tôm có nội dung như Cty NewHope trình bày; còn Hợp đồng đại lý bán thức ăn nuôi tôm và thuốc thủy sản thì có thỏa thuận ông Hữu được chiết khấu hoa hồng, được đổi trả hàng nếu hàng bị lỗi, mốc, hư hỏng. 

Trong quá trình thực hiện, ông Hữu cho rằng phía Cty NewHope đơn phương dừng cung cấp thức ăn cho đại lý của ông khiến ông không cung cấp được cho khách hàng, dẫn đến các thiệt hại; vì thế ông không có kinh phí thanh toán tiền mua bạt xây dựng ao tôm như thỏa thuận. 

Ông Hữu thừa nhận có nợ Cty số tiền 180 triệu đồng và đồng ý thanh toán khoản nợ trên nhưng với điều kiện Cty NewHope phải thanh toán cho ông các khoản chiết khấu hoa hồng, tiền thiệt hại Cty đơn phương không cung cấp thức ăn nuôi tôm, do hàng kém chất lượng bị tồn kho… Tổng cộng số tiền ông Hữu yêu cầu Cty NewHope thanh toán là 273 triệu đồng, sẽ được đối trừ với khoản nợ 180 triệu tiền bạt. Có thể thấy, việc ông Hữu yêu cầu Cty NewHope thanh toán và đối trừ các khoản nợ như trên thực chất là yêu cầu phản tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. 

Lượng thức ăn tôm kém chất lượng của Cty NewHope đang tồn kho tại đại lý của ông Hữu.
Lượng thức ăn tôm kém chất lượng của Cty NewHope đang tồn kho tại đại lý của ông Hữu.  

Nhưng yêu cầu của ông Hữu không được Tòa xem xét là yêu cầu phản tố và phía nguyên đơn cũng không chấp thuận. Phía Cty NewHope đưa ra điều kiện: Nếu ông Hữu thanh toán khoản nợ trong vòng 3 ngày thì Cty sẽ thanh toán khoản chiết khấu hoa hồng và tiền hỗ trợ thiệt hại nuôi theo hợp đồng đã ký. 

Tại bản án sơ thẩm số 30/2020/DS-ST ngày 2/7/2020 của TAND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía Cty NewHope, buộc ông Hữu phải trả cho nguyên đơn tổng số tiền trên 193 triệu đồng gồm khoản nợ gốc theo hợp đồng cộng với khoản lãi suất chậm trả. Đối với yêu cầu đòi các khoản tiền của ông Hữu với Cty NewHope, bản án sơ thẩm cho rằng các yêu cầu này hai bên đang giải quyết, do đó nếu các bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. 

Ông Hữu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Cty NewHope phải trả cho ông các khoản tổng cộng 273 triệu đồng, đối trừ khoản nợ gốc mà ông đang nợ Cty là 180 triệu đồng, ông Hữu yêu cầu Cty NewHope phải thanh toán số tiền còn lại 94 triệu đồng. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 222/2020/DS-PT ngày 25/9/2020 của TAND tỉnh Cà Mau đã bác đơn kháng cáo của ông Hữu, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Về các yêu cầu của ông Hữu đối với Cty NewHope, bán án phúc thẩm nêu rõ nếu hai bên không thỏa thuận được thì ông Hữu có quyền khởi kiện thành một vụ án khác. 

Vì sao bị đơn khiếu nại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm? 

Không đồng tình với phán quyết của hai cấp Tòa, ông Nguyễn Trọng Hữu đã làm đơn khiếu nại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong đơn, ông Hữu cho biết, trong giai đoạn tố tụng tại TAND huyện U Minh và TAND tỉnh Cà Mau ông Hữu đều có yêu cầu phản tố để đối trừ nghĩa vụ công nợ với nguyên đơn nhưng yêu cầu chính đáng đó bị tòa án tách thành vụ kiện khác.

Việc tòa không xem xét đến yêu cầu phản tố của ông Hữu mà tách vụ án như vậy là không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan, toàn diện, xử lý không triệt để những vấn đề có tranh chấp khiến ông và bà con nuôi tôm ở U Minh bị thiệt hại.

Đơn của ông Hữu cũng chỉ ra vụ án có nhiều vi phạm về tố tụng. Đơn cử tại Biên bản hòa giải ngày 21/5/2020, thành phần tham gia tố tụng ghi Thư ký ghi biên bản là bà Dương Như Ý, nhưng phần thư ký ký tên cuối biên bản lại là bà Dương Thị Lụa. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đa vi phạm điểm b khoản 1 Điều 209, Điều 211 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Ông Hữu cũng cho rằng trong hồ sơ không thấy có biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

Cũng theo ông Hữu, trong vụ án này hai cấp Tòa đã bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, Hợp đồng mua bán và đại lý giữa Công ty NewHope với ông Hữu là hợp đồng 3 bên có sự bảo lãnh của Ngân hàng số tiền gần 600 triệu đồng; với mục đích khi ông Hữu vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì Cty NewHope có quyền yêu cầu Ngân hàng chi số tiền này cho Cty NewHope.

Trong hồ sơ vụ án có lưu chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng số tiền gần 600 triệu đồng. Thế nhưng việc cả hai cấp Tòa không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng là bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Mặt khác, theo hợp đồng ngày 01/4/2019 có nhiều người bảo lãnh nhưng Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng để xác định trách nhiệm bảo lãnh như thế nào là vi phạm Điều 73, Điều 199, Điều 201 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ các phân tích trên, bị đơn đề nghị xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu nhằm bảo đảm khách quan, công bằng.

Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

1. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

(Trích Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)  

Đọc thêm