Ngành công nghiệp “mang thai hộ” Ấn Độ sụp đổ vì luật cấm đẻ thuê

(PLVN) - Năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã thông qua dự luật cấm dịch vụ đẻ thuê vì mục đích thương mại, một hoạt động đang rất sôi động ở nước này, thậm chí còn biến tướng thành một ngành công nghiệp mang tầm quốc tế.
Đạo Luật mới tại Ấn Độ sẽ chấm dứt "ngành công nghiệp" đẻ thuê 2 tỷ đô la mỗi năm
Đạo Luật mới tại Ấn Độ sẽ chấm dứt "ngành công nghiệp" đẻ thuê 2 tỷ đô la mỗi năm

Giấc mơ đổi đời của nhiều phụ nữ nghèo 

Theo số liệu từ chính phủ Ấn Độ, mỗi năm có khoảng 2.000 cặp vợ chồng thuê người mang thai hộ. Hoạt động mang thai bắt đầu từ năm 2002 được cho tạo ra 500 triệu đến 2,3 tỉ USD doanh thu mỗi năm cho Ấn Độ. Mỗi ca thuê đẻ thuê tốn khoảng 20.000-30.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ, một trong những quốc gia cho phép đẻ thuê vì mục đích thương mại.

Trước đây, Dự luật Mang thai hộ của Ấn Độ dựa trên khuôn khổ của đạo luật cấy ghép cơ thể người năm 1994. Đạo luật chỉ cho phép việc hiến tặng xuất phát từ tình cảm. Những người hiến tặng còn sống sẽ được bồi thường cho việc phẫu thuật và chi phí y tế.

Tiếp đó, mang thai hộ bắt đầu được hợp pháp hóa tại Ấn Độ vào năm 2002 nhằm cung cấp thêm một sự lựa chọn cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, những ông bố bà mẹ đơn thân và những cặp đôi đồng tính.  Cũng từ năm 2002, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho phép thương mại hóa việc sử dụng phụ nữ để sinh con.

Chuyện mang thai hộ ở Ấn Độ đã dựng thành bộ phim nổi tiếng có tên "Đẻ mướn"
Chuyện mang thai hộ ở Ấn Độ đã dựng thành bộ phim nổi tiếng có tên "Đẻ mướn"  

Theo quy định hiện hành của Ấn Độ, một cặp vợ chồng người nước ngoài muốn có một thỏa thuận dịch vụ mang thai hộ phải là “đàn ông và phụ nữ kết hôn hợp lệ và việc kết hôn phải được duy trì ít nhất 2 năm”. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ Ấn Độ sinh con cho người khác ngày càng gia tăng. Những người phụ nữ đẻ thuê sẽ được trả mọi chi phí và nhận được khoản tiền bồi thường lớn.

Không chỉ diễn ra khắp cả nước, mang thai hộ ở Ấn Độ còn trở thành thị trường đối với nhiều cặp vợ chồng nước ngoài. Cụ thể, đẻ thuê bị cấm ở một số nước châu Âu và được quy định nghiêm ngặt tại Mỹ. Trong khi đó, với công nghệ y tế phát triển, chi phí thấp, vấn đề pháp lý không phức tạp và đặc biệt là nguồn cung dồi dào, những người sẵn sàng mang thai hộ là những phụ nữ nghèo đã khiến Ấn Độ trở nên nổi tiếng thế giới với ngành công nghiệp đẻ thuê.

Quá trình này liên quan thụ tinh ống nghiệm và cấy phôi, đưa tới sự gia tăng các trung tâm dịch vụ sinh sản ở Ấn Độ. Chi phí đẻ thuê ở Ấn Độ vào khoảng 18.000-30.000 USD/ca (chưa đến 1/3 chi phí ở Mỹ), trong đó người mang thai hộ nhận được khoảng 8.000 USD.

Đấy là số tiền lớn đối với những người phụ nữ nghèo, họ mơ ước có một tương lai tốt đẹp hơn, vì vậy mà nhiều người quyết định trở thành những người đẻ thuê. Một lần mang thai hộ có thể là cơ hội để đổi đời, để thay đổi vận mệnh của cả gia đình. Nhận một ca đẻ thuê, phụ nữ Ấn Độ sẽ có thu nhập bằng số tiền cả đời họ dành dụm từ làm nông nghiệp.

Cấm mang thai hộ với mục đích thương mại

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 bởi chính phủ Ấn Độ cho thấy, mức chi tiêu cho một căn bệnh nghiêm trọng đối với phụ nữ thấp hơn 28% so với nam giới. Trong báo cáo của Dự án Phát triển Liên Hợp Quốc năm 2017 về bất bình đẳng giới, Ấn Độ là nước xếp thứ 125 trong số 159 quốc gia.

Phân tích dữ liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Y tế Ấn Độ năm 2018 cũng cho thấy, phụ nữ chiếm tổng số ca hiến thận còn sống và 61% trong số tất cả những người hiến gan còn sống. Nhiều trường hợp trong số đó là hiến tạng bất hợp pháp nhưng được sự đồng ý của người phụ nữ. Một bác sĩ phẫu thuật gan cho biết: “Trong các gia đình tại Ấn Độ, phụ nữ thường bị ép buộc hiến tạng mà không có sự lựa chọn nào khác”.

Như vậy, có thể thấy, áp lực còn lớn hơn rất đối với phụ nữ hành nghề “đẻ thuê” khi hoạt động này bị đặt vào môi trường thương mại.  Thực tế đó phần nào phản ánh mức độ thiếu đạo đức của các hoạt động mang thai hộ, núp dưới danh nghĩa nhân đạo. Việc thương mại hóa hoạt động mang thai hộ cũng từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi và biểu tình trước đó, khi các nhà hoạt động vì nữ quyền liên tục chỉ ra sự bất công đối với những phụ nữ hành nghề “đẻ thuê”.

Tờ New York Times còn mô tả ngành công nghiệp đẻ thuê như một cơn ác mộng. Trong “nhà mang thai hộ” được mô tả như “nhà máy trẻ em”, phụ nữ chia nhau các căn phòng nhỏ, bị giám sát và phải sống xa gia đình suốt thời gian mang thai.   Mặc dù nói là mang thai hộ, nhưng trên thực tế mối quan hệ của bố mẹ nước ngoài và người mang thai không gì khác ngoài khách hàng và người làm thuê. Sau khi sinh, đa phần người mẹ và trẻ sơ sinh được đưa đến phòng riêng biệt.

Mặc dù không phải máu mủ, nhưng nhiều bà mẹ cảm thấy tổn thương vì sự chia cắt. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng khi không được cảm ơn, họ thường có xu hướng đau buồn. Ngoài ra, phụ nữ nhiều lần mang thai có nguy cơ tăng hiếu áp, thiếu máu và sinh non, trong khi sinh mổ cũng là một rủi ro lớn so với sinh thường. Thậm chí, Nhiều trường hợp khách hàng từ chối nhận vì không hài lòng với đứa trẻ được sinh ra, đổ thêm gánh nặng cho những phụ nữ nghèo khổ…

Ông Puneet Bedi, bác sĩ phụ khoa tại Delhi cho biết: “Trong các gia đình Ấn Độ, phụ nữ thường không muốn nhờ mang thai hộ nhưng họ vẫn buộc phải làm điều đó. Họ không may mắn mắc bệnh vô sinh hoặc bị ung thư. Vô sinh không có nghĩa là cần đẻ thuê. Đẻ thuê trở thành một ngành ở Ấn Độ bởi vì không có quy định kiểm soát. Nhiều bệnh nhân còn hỏi tôi rằng có thể giới thiệu người đẻ thuê cho họ hay không. Việc này giống như đến một cửa hàng và yêu cầu một dịch vụ vậy”.

“Đã có nhiều người đã kiếm được hàng tỷ đô la trong ngành này. Họ còn tự quảng cáo bằng cách mời phóng viên đến các cơ sở của mình để giới thiệu về dịch vụ cung cấp nhà ở cho các bà mẹ đẻ thuê, nhưng thực chất nó không khác gì nhà tù. Không chỉ có vậy, các bác sĩ chuyên khoa ngành đẻ thuê  cũng xuất hiện trên các kênh truyền hình, khẳng định việc mang thai hộ là quyền con người. Nhưng đó không phải là quyền, không ai có quyền sử dụng cơ thể của người khác để sinh con thay mình cả”, bác sĩ Puneet chia sẻ.

Chính vì vậy vào năm 2019, Quốc hội Ấn Độ đã đề xuất một Dự luật quy định về mang thai hộ. Dự luật mới bổ sung một số quy định nghiêm ngặt hơn liên quan đến vấn đề thuê người sinh con hộ.  Theo đó, các hoạt động sinh con hộ đều bị cấm ngoại trừ những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh cưới nhau hơn 5 năm, nhưng người mang thai hộ phải là người thân quen đã từng có con. Ngoài ra, những trường hợp không có hộ chiếu Ấn Độ, những người là bố mẹ đơn thân và những người đồng tính sẽ bị cấm có con bằng phương pháp này.

Bên cạnh đó, người mang thai hộ cũng cần tuân thủ một số tiêu chí vô cùng nghiêm ngặt từ yếu tố di truyền, phòng khám thai, các chuyên gia y tế và người hiến trứng, tinh trùng. Quan trọng hơn hết, Ấn Độ sẽ nghiêm cấm mọi hoạt động thương mại hóa các mô hình mang thai hộ. Tất cả những người phụ nữ đồng ý đẻ thuê phải xuất phát từ tình cảm, không phải vì những lý do tiền bạc hay vật chất. Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc “đẻ thuê” hay mang thai hộ phải hoàn toàn xuất phát từ lý do nhân đạo thay vì vấn đề thương mại.

Chính quyền Ấn Độ cũng sẽ yêu cầu các cặp vợ chồng xuất trình các loại giấy tờ chứng minh vô sinh nếu muốn thuê người mang thai hộ. Nếu vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt tù ít nhất là 10 năm và phạt tiền hơn 22.000 USD. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói rằng mục đích của dự luật là nhằm bảo vệ những phụ nữ nghèo khổ khỏi sự “bóc lột” của dịch vụ đẻ thuê. “Đây là một dự luật toàn diện. Những cặp vợ chồng không có con có thể nhờ sự giúp đỡ từ người thân. Cần phải hành động ngay để ngăn chặn vấn nạn này”, Ngoại trưởng Swaraj nói. 

Đọc thêm