Ngồi một chỗ để nộp trước bạ, đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến

(PLVN) - Cùng với sự kiện khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa qua, một sự kiện đáng chú ý nữa là dịch vụ công thứ 1.000 cũng được công bố tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cho phép người dân, doanh nghiệp nộp trước bạ, đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến.
Ngồi một chỗ để nộp trước bạ, đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tại sự kiện, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp quan tâm trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Đó là dịch vụ công thứ 1.000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; dịch vụ công thứ 998: Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số.

Thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Cổng DVCQG trên Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 12/3/2019 đã trở thành một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Đây là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.

Việc đưa 3 dịch vụ công này tích hợp trên Cổng DVCQGlà sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn VNPT… để cung cấp sự thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19, thông qua đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, không phụ thuộc thời gian, không phụ thuộc vị trí địa lý. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ đăng nhập một lần trên Cổng DVCQGđể thực hiện các thủ tục hành chính.

Chẳng hạn, Tổng cục Thuế đã phối hợp với VNPT thống nhất cách thức bố trí giao diện về dữ liệu, sau đó chia sẻ dữ liệu cho Cục Cảnh sát giao thông để hoàn thành các nội dung kết nối, chia sẻ dữ liệu và thực hiện thử nghiệm liên thông giữa các đơn vị. Hayđối với dịch vụ công số 998, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết đơn vị đang phối hợp với các ngân hàng thương mại để phục vụ việc thanh toán trực tuyến. 

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VP Chính phủ) Ngô Hải Phan, đây là 3 dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm, sẽ có lượng người sử dụng lớn. Việc đưa 3 dịch vụ công này tích hợp vào Cổng DVCQGsẽ tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Dịch vụ công thứ 1.000 - cột mốc mới trên Cổng DVCQG

Để tích hợp được các dịch vụ công này lên Cổng DVCQGtheo đúng thời hạn là tháng 8/2020, nhiều cuộc họp đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cùng với các đơn vị thuộc các bộ, cơ quan liên quan. Tại các cuộc làm việc, các đơn vị như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thuế, Cục Đăng kiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông... đều cho biết rất tích cực hoàn thành các nhiệm vụ cuối cùng để sẵn sàng cho thời điểm khai trương và tích hợp các dịch vụ công theo đúng kế hoạch, kịp thời hạn đặt ra.

Các bộ, cơ quan đều nhấn mạnh về tinh thần quyết liệt, hoàn thành đúng hạn việc kết nối với Cổng DVCQG, hoàn thành đúng tiến độ, đẩy sớm hoàn thành các dịch vụ công lên Cổng.

Riêng với dịch vụ công thứ 1.000 về kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá cao sự tích cực của các cơ quan như Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tập đoàn VNPT... và 3 nhà sản xuất ô tô trong nước là Công ty TNHH VinFast, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải Thaco, Công ty cổ phần Huyndai Thành Công. Dịch vụ công đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến liên quan đến nhiều cơ quan từ cơ quan công an, đăng kiểm, thuế, hải quan... để liên thông đăng ký ô tô, xe máy và cấp biển.

Chia sẻ với các bộ, cơ quan triển khai nhiệm vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu dịch vụ công thứ 1.000 là dịch vụ rất quan trọng và rất khó bởi lần đầu tiên triển khai và phải cấu trúc lại quy trình thủ tục. Dịch vụ công này được vận hành chính là sản phẩm thay đổi tư duy, cách quản lý, là hành động cụ thể phục vụ người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Đây cũng là mong mỏi rất lớn của người dân, doanh nghiệp khi dịch vụ này được triển khai", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh nhiều lần tại các buổi làm việc.

Theo ông Ngô Hải Phan, dịch vụ công nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy hiện đã hoàn thành hệ thống truyền nhận để chia sẻ dữ liệu điện tử về thông tin đăng kiểm có ký số của các loại phương tiện ô tô, xe gắn máy mới giữa cơ quan đăng kiểm và cơ quan thuế.Khi dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến được tích hợp trên Cổng DVCQG, người dân, doanh nghiệp không cần đến gặp cơ quan hành chính Nhà nước, mà thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng thủ tục sẽ hết sức rút gọn. Người dân, doanh nghiệp có thể ngồi một chỗ để nộp thuế trước bạ, thực hiện đăng ký ô tô, xe máy trực tuyến.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Cục Cảnh sát giao thông đã có kế hoạch, chương trình cụ thể ngay từ thời điểm được giao nhiệm vụ để cùng phối hợp với các cơ quan triển khai dịch vụ công thứ 1.000. Đặc biệt, Cục đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để liên thông dữ liệu và chạy thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã sẵn sàng để kết nối với Cổng DVCQG. Đến ngày chính thức tích hợp trên Cổng DVCQG, dịch vụ công thứ 1.000 đã được chạy thử nhiều lần.

Theo dự kiến, từ thời điểm khai trương, dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến được thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TPHCM. Từ tháng 11 tới sẽ triển khai toàn quốc việc thực hiện cấp đăng ký, biển số xe đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu chưa qua sử dụng.

 Sau hơn 8 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến.

Hiện có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; hơn 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, hơn 260.000 hồ sơ được thực hiện trên Cổng DVCQG. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó Cổng DVCQG đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm.  

Đọc thêm