“Người mẹ” nặng tình với học sinh Đan Lai giữa đại ngàn xứ Nghệ

(PLVN) - Khi chỉ còn 4 năm nữa là về hưu, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã quyết định viết đơn tình nguyện lên miền núi công tác. Tại Đồn Biên phòng Môn Sơn, chị không chỉ là hạt nhân thúc đẩy công tác Hội phụ nữ tại xã biên giới mà còn tham mưu cho chỉ huy đơn vị có các biện pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh.
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh.

Chị còn dạy bảo trẻ em Đan Lai từ những điều nhỏ nhất. Cũng từ đó mà nhiều học sinh Đan Lai dành cho chị những tiếng gọi thân ái “mẹ Thanh”.

Sắp về hưu lại quyết định lên núi

Khoảng 3 năm nay, bà con đồng bào ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đã quen thuộc với hình ảnh Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh (49 tuổi, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An)trên chiếc xe máy rong ruổi khắp các bản làng. Với gương mặt rắn rỏi, bản lĩnh, chị luôn khéo léo xử lý các tình huống, được bà con dân bản yêu quý.

Đến nay, Trung tá Thanh có gần 26 năm trong quân ngũ. Trong đó, phần lớn thời gian chị phụ trách công tác hội phụ nữ ở Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An. So với nhiều nữ quân nhân biên phòng, chị thuận lợi hơn khi được công tác gần nhà, có điều kiện chăm sóc chồng con. Nhưng vào năm 2018, khi chỉ còn 4 năm nữa là về hưu chị đã có quyết định bất ngờ khi viết đơn xin lên miền núi. “Để đi đến quyết định đó, tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Tôi muốn thay đổi để thử thách bản thân, để có cơ hội cống hiến, được trải nghiệm”, chị chia sẻ.

Khi đã xác định tư tưởng, chị khăn gói đồ từ Thành Vinh nhộn nhịp lên Đồn Biên phòng Môn Sơn. Ở môi trường mới, giữa núi rừng hoang vắng trong khi bản thân là phụ nữ, thời gian đầu chị cũng có những lo lắng nhất định. Nhưng rồi nỗi lo ấy nhanh chóng được gạt đi khi chị chứng kiến cuộc sống còn khó khăn của đồng bào nơi đây, nhất là người Đan Lai. 

Hình ảnh người nữ quân nhân biên phòng miệng nói, tay làm được bà con đồng bào Đan Lai yêu quý.
Hình ảnh người nữ quân nhân biên phòng miệng nói, tay làm được bà con đồng bào Đan Lai yêu quý.  

Theo Trung tá Thanh, Môn Sơn là nơi tuyến đầu biên cương, Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ưu tiên hàng đầu là bảo vệ bình yên biên giới, chủ quyền quốc gia, các cán bộ, chiến sỹ còn giúp đồng bào phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, tuyên truyền dân số…

Trên cương vị công tác, Trung tá Thanh đã bám sát địa bàn, nắm tình hình, tham mưu chỉ huy đơn vị có các biện pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Chị trở thành hạt nhân thúc đẩy công tác Hội phụ nữ tại xã biên giới Môn Sơn hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Bà con trong vùng đã quen, trân quý với hình ảnh nữ cán bộ biên phòng miệng nói, tay làm này.

Để tuyên truyền cho bà con đồng bào, chị đã có cách truyền đạt hiệu quả. “Thay vì đọc rông dài những quy định, nghị quyết, tôi chọn cách truyền tải bằng hình ảnh, video, những câu nói ngắn gọn để bà con dễ nghe, dễ hiểu. Hướng dẫn cho bà con biết cái gì được làm và điều gì tuyệt đối không. Cách làm này giúp bà con dễ tiếp thu, nhờ vậy công tác tuyên truyền có hiệu quả”, chị chia sẻ. 

“Người mẹ” đặc biệt của học sinh Đan Lai

Không chỉ bà con dân bản quý mến, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh còn  được biết đến là người mẹ của học sinh Đan Lai. Từ khi lên nhận nhiệm vụ mới, chị Thanh đã sát cánh với Trường THCS xã Môn Sơn trong công tác vận động giữ 68 học trò Đan Lai ở lại trường học chữ. 

Bằng con mắt nhạy cảm của một người mẹ, hơn ai hết chị hiểu thiệt thòi của những đứa trẻ sớm phải xa gia đình để học chữ. Các em chịu nhiều thiệt thòi về vật chất và tinh thần. Nói là ở bán trú được ăn, ở miễn phí, nhưng trong điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn thì các em cũng chịu thiếu thốn trăm bề, từ quần áo, chăn màn tới những nhu cầu sinh hoạt cá nhân tối thiểu. Là người mẹ, chị hiểu rằng, đây là nguyên nhân chính khiến các em bỏ học về nhà. 

Trung tá Thanh hạnh phúc khi được học sinh Đan Lai gọi bằng mẹ.
Trung tá Thanh hạnh phúc khi được học sinh Đan Lai gọi bằng mẹ. 

Vì lý do đó, chị đã mạnh dạn tham mưu để chỉ huy đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường tổ chức lại việc ăn, ở, học tập cho các em học sinh bán trú người Đan Lai. Hay mỗi khi gặp trường hợp học sinh Đan Lai bỏ học, Trung tá Thanh lại cùng giáo viên nhà trường vượt rừng đi tìm học trò trở lại lớp.

Chị chia sẻ: “Các cháu sống biệt lập với thế giới bên ngoài nên rất ngại tiếp xúc với người lạ. Do đó, mình phải ân cần, khéo léo bắt chuyện, thăm hỏi để các con không bỏ chạy mỗi khi thấy người lạ đến. Khi các con bắt đầu dạn dĩ, dám nói chuyện với người lạ, mình khéo léo dạy bảo từ những điều nhỏ nhất. Từ việc dạy các em ngủ dậy đúng giờ, cách gội đầu, tắm rửa ra sao cho sạch sẽ, đến việc dạy học và những chuyện tế nhị của học sinh nữ…”.

Chị còn mua cho các học sinh nữ những dây buộc tóc xinh xinh, mua cho học trò nam quả cầu, quả bóng để chúng chơi.Không chỉ vậy, Trung tá Thanh còn liên hệ xin 2 chiếc ti vi để các em xem vào thời gian ngoài giờ lên lớp, để các em tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Bằng các mối quan hệ của mình, chị vận động, kết nối để các mạnh thường quân biết đến hoàn cảnh khó khăn của trẻ em Đan Lai. Chỉ sau thời gian ngắn, các học sinh người Đan Lai đã dần quen với nền nếp mới, việc học tập đang ngày một tiến bộ.

Sự gần gũi, quan tâm của chị đã giúp các em Đan Lai thay đổi rất nhiều, chuyện bỏ học cũng giảm đáng kể. Sau thời gian dạy bảo điều khiến chị hạnh phúc là các em luôn gọi mình bằng cái tên thân mật “mẹ Thanh”. Chị cũng cảm nhận được việc các con đã khôn lớn khi biết nói lời cảm ơn, biết vâng lời thấy thầy cô, người lớn. Cho đến bây giờ, chị vẫn không quên hình ảnh nhóm học sinh Đan Lai kéo đến nhà mình chơi với món quà trên tay.

“Nhìn hộp bánh các con mang đến nói “tặng mẹ”, tôi đã rưng rưng nước mắt. Hạnh phúc vì các con đã biết thể hiện tình cảm, biết nói lời cảm ơn. Với tôi, đó là món quà ý nghĩa. Tôi cũng nhận ra rằng, quyết định viết đơn lên miền núi công tác của mình là hoàn toàn đúng”, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh xúc động chia sẻ.

Đôi nét về người Đan Lai ở Nghệ An

Đan Lai là dân tộc ít người sinh sống chủ yếu ở miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Người Đan Lai trước đây vẫn có thói quen ngủ ngồi để tránh thú dữ. Tục ngủ ngồi đã kéo theo hủ tục đẻ ngồi. Khi vợ đẻ xong, người chồng đem con xuống suối rửa rồi nhúng 7 - 9 lần mặc kệ nước suối lạnh hay nóng.

Sống biệt lập, co cụm nơi thâm sơn cùng cốc nên đồng bào Đan Lai đã sinh ra nạn tảo hôn và lấy nhau trong anh em nội tộc. Vấn nạn này đã kéo theo nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Nhưng hiện nay nhờ sự tuyên truyền của chính quyền, Bộ đội biên phòng vấn nạn đó không còn nữa.

Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Đề án như một cuộc giải cứu thực sự, khi đặt mục tiêu 146 gia đình dân tộc Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu. 30 hộ còn lại ở lại bản Cò Phạt nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm…để làm điểm du lịch sinh thái. Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Từ năm 2006 đến nay đã có hàng trăm người Đan Lai ra nơi ở mới.  

Đọc thêm