Nhạc sĩ Hoàng Phương - Từ “Hoa sứ nhà nàng” đến “Ông hoàng nhạc Gò Công”

(PLVN) - Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương (1943 - 2002), nhiều người yêu thích âm nhạc đều biết đó chính là tác giả của nhạc phẩm “vàng” duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải phóng - “Hoa sứ nhà nàng”. Ông chính là người sáng lập ra dòng nhạc Gò Công đã “làm mưa làm gió” từ Nam chí Bắc suốt thập niên 1980.
Nhạc sĩ Hoàng Phương - Từ “Hoa sứ nhà nàng” đến “Ông hoàng nhạc Gò Công”

Từ “Hoa sứ nhà nàng”…

Vào năm 1968, một bản nhạc trữ tình có tên “Hoa sứ nhà em” (tức “Hoa sứ nhà nàng”) được ra đời, tác giả viết lên một chuyện tình dang dở. Và những chuyện chia xa thì thường bao giờ cũng buồn nhưng đẹp đến vô cùng. Bài hát được viết theo thể điệu bolero, với hợp âm chính bằng cung rê thứ. 

Lời bài hát rất gần gũi với hầu hết thanh niên nam nữ thời bấy giờ, dễ ca, dễ nhớ. Những hợp âm của bản nhạc đơn giản mà bất cứ ai biết chơi đàn guitar chút chút cũng có thể ôm đàn chuyển đổi nhịp nhàng.

“Hoa sứ nhà nàng” như có một sức sống mãnh liệt, nó lan tỏa rất nhanh, từ thị thành đến thôn quê, từ những sinh viên, học sinh đến những thanh niên nam, nữ ở ruộng vườn chân chất đều có thể ca và chơi đàn một cách đam mê, nhuần nhuyễn.

Tác giả bài hát này là nhạc sĩ Hoàng Phương, tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh ra tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Nhạc phẩm nổi tiếng đến nỗi thời ấy, những bạn bè, những người yêu mến gọi tác giả bài hát là Hoa Sứ.

Ít ai biết rằng đây cũng là nhạc phẩm đầu tay của nhạc sĩ Hoàng Phương. Thời ấy, nhiều ca sĩ hát nhạc phẩm này, nhưng thành công nhất có lẽ là danh ca Chế Linh. Một minh chứng là vào khoảng cuối năm 1973, sau khi nghe Chế Linh trình bày “Hoa sứ nhà nàng” buổi trưa ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau, các sạp bán lẻ ngoài đường phố không còn một bản nào.

Nhạc phẩm "Hoa sứ nhà em" - "Hoa sứ nhà nàng"
 Nhạc phẩm "Hoa sứ nhà em" - "Hoa sứ nhà nàng" 

Hồi đó, rạp hát Quốc Thanh ở Sài Gòn cứ mỗi sáng và chiều chủ nhật hàng tuần thường có chương trình đại nhạc hội do các bầu sô đứng ra tổ chức, nổi tiếng trong các bầu sô thời đó có Tùng Lâm và Duy Ngọc.

Trong phần tân nhạc của chương trình, thường thì nhà tổ chức chỉ cần mời được 2 ca sĩ nam nữ gạo cội hát cặp với nhau ăn ý thì coi như phần tân nhạc đã mỹ mãn. Mà hát cặp với nhau trong chương trình đại nhạc hội ở Sài Gòn lúc đó thì nhiều, nhưng thật sự chỉ có Hùng Cường - Mai Lệ Huyền, Thanh Lan - Nhật Trường và Thanh Tuyền - Chế Linh.

Thường đôi song ca sẽ trình bày 2 bản nhạc cho mỗi chương trình. Bản nhạc nào được trình bày thì trước cửa rạp, gần chỗ bán vé sẽ có một chồng nhạc để bán cho người hâm mộ. Chẳng hạn như hôm đó Hùng Cường - Mai Lệ Huyền trình bày nhạc phẩm “Túp lều lý tưởng” thì người ta bán “Túp lều lý tưởng”.

Năm 1974, tại rạp hát Quốc Thanh, cặp song ca gạo cội Thanh Tuyền - Chế Linh hát bản “Hoa sứ nhà nàng” trong sự tưởng thưởng của khán giả. Và đôi song ca “có một không hai” này thêm một lần nữa đã đưa nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” lên ngất ngưởng trời mây. Khi tan hát, nhiều người ra cửa rạp tìm mua “Hoa sứ nhà nàng” thì chồng nhạc cao nghệu đã được bán sạch, không còn một bản nào.

Sau ngày miền Nam giải phóng, hầu như tất cả các dòng nhạc được viết trước đó ở miền Nam đều bị cấm lưu hành vì không dính dáng đến thời cuộc thì cũng bị xếp vào loại nhạc ủy mị.

Chỉ có một tác giả duy nhất - nhạc sĩ Hoàng Phương là không dính dáng đến thời cuộc, bởi vì ông bị khập khiễng một bên chân. Và dĩ nhiên, “Hoa sứ nhà nàng” là nhạc phẩm “vàng” duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải phóng. Hồi đó, “Hoa sứ nhà nàng” là nhạc phẩm không thể thiếu trong những tiệc vui, đám cưới thôn quê và những lần họp mặt.

…đến “Ông hoàng nhạc Gò Công”

Nhạc sĩ Hoàng Phương vốn xuất thân từ một gia đình có của ăn của để. Gia đình ông vốn không thích cậu con trai theo nghiệp cầm ca mà hướng cậu vào con đường thương nghiệp. Thế nhưng, những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, niềm đam mê âm nhạc dường đã lấn át con chữ trên những trang vở. Ông say đắm các nhạc khúc viết về quê hương vùng biển Gò Công. 

Cùng lúc ấy, như duyên trời đã định, khi còn đang theo học tại Trường Nam Tiểu học Gò Công, ông đã vô tình được biết nhạc sĩ Lê Dinh. Từ đây, con đường đến với âm nhạc của cậu học trò trường làng đã tìm được lối dẫn.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng (con trai nhạc sĩ Hoàng Phương) kể: “Khi còn sống, cha tôi thường kể cho tôi nghe về những năm tháng đầu tiên ông đến với âm nhạc. Tôi còn nhớ ông kể rằng vào một mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng 2 của ngôi nhà bên cạnh đường. Ai đó đang chơi bài “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong. Những tiếng đàn, những nốt nhạc đó đã thôi thúc ông tiến đến gần hơn con đường âm nhạc”. 

Đó là cái đêm định mệnh thôi thúc Nguyễn Kim Hoàng đến với nghiệp cầm ca. Ông quyết dành dụm tiền để mua cho kỳ được đàn violon và ghi danh học nhạc với nhạc sĩ Lê Dinh.

Một thời gian sau, ông tìm đến với guitar. Có lẽ, đối với ông đàn guitar đa dạng, phong phú hơn, trong những buổi trình diễn trước công chúng, trong những lần cắm trại hay họp mặt bạn bè mà mang cây đàn guitar trễ một bên hông, nó có vẻ lãng mạn, tình tứ, mang dáng dấp của một gã du ca lãng tử. 

Nhạc sĩ Hoàng Phương thời trẻ (bên phải).
 Nhạc sĩ Hoàng Phương thời trẻ (bên phải).

Việc gì đến phải đến, ông rời ghế nhà trường khi vừa học xong chương trình lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Từ đây, ông bước vào một thế giới mới, không còn gò bó bởi thời gian như khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Và, sau bao tháng ngày bên cung bậc bổng trầm, năm 1968, ông đã đạt được kết quả hơn sự mong đợi rất nhiều, khi nhạc phẩm đầu tay “Hoa sứ nhà nàng” ra đời.

Sau này, nhạc sĩ Hoàng Phương tiếp tục làm sôi động đời sống âm nhạc không chỉ miền Nam mà cả miền Bắc với dòng nhạc mang tên quê hương ông - dòng nhạc Gò Công. Suốt thập niên 80, dòng nhạc Gò Công tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc Việt như một hiện tượng nghệ thuật mới lạ. Người khai phá và duy nhất tỏa sáng với dòng nhạc này là nhạc sĩ Hoàng Phương. 

Ông được giới nghệ sĩ, thính giả thời bấy giờ vinh danh là “Ông hoàng nhạc Gò Công” với những bài hát ca ngợi quê hương Gò Công, cũng như chuyện tình đôi lứa bằng lời hát trong sáng và mặn mà. Những ca khúc viết về tình yêu, về biển của ông trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại đa số người yêu nhạc. 

Những ca khúc như: “Chuyện tình hoa muống biển”, “Biển tím”, “Chuyến xe Tiền Giang”, “Tình em quán Phượng”… trở nên phổ biến đến độ hầu như ai cũng thuộc. Cho đến nay, những ca khúc này của ông vẫn chinh phục tình yêu âm nhạc của người đời.

Có thể nói, cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Phương đã trải qua đủ cả 2 kiếp sống. Đó là lúc giàu sang, ông có tiệm vàng, tiệm đồng hồ, xe hơi, vài căn nhà phố; khi nghèo khó, ông phải cùng vợ con sống trong mái nhà chật chội trống trước hở sau nằm ngay trước mảnh đất của cha mẹ ông. Nhưng bất hạnh ở chỗ, cái nghèo lại đến sau, nó bám riết ông hàng chục năm cho đến tận cuối đời. 

Phải nói, chính vì quá đam mê làm nghệ thuật và lại tiêu xài rộng rãi, phóng khoáng trong giao tiếp đã làm tiêu tan tài sản mà ông gầy công tạo dựng. Thật trớ trêu, chính trong cảnh sống túng bấn, cùng khổ, cảm xúc của ông lại dạt dào, thăng hoa bên làn khói thuốc liên tục hút trên môi, trong men say chếnh choáng những tưởng để quên đời. Và cây đàn cũ kỹ, thiếu dây lại gắn bó cùng ông cho ra đời những bài hát hay: “Thuyền giấy chiều mưa”, “Chung vầng trăng đợi”, “Nhớ biển Gò Công”, “Hẹn em bên cửa sông Tiền”…

Đọc thêm