Những bức tranh về chống Covid-19 của cô bé Việt Nam lên báo quốc tế

(PLVN) - Ngày 12/6 vừa qua, hãng tin Reuters đã đăng tải bài viết về cô bé Nguyễn Đới Chung Anh, 10 tuổi ở Việt Nam trong thời gian nghỉ trách dịch đã vẽ những bức tranh đầy sắc mà về công cuộc chống đại dịch Covid- 19 trên thế giới.
Chân dung nữ sinh tiểu học Việt Nam được báo nước ngoài đưa tin
Chân dung nữ sinh tiểu học Việt Nam được báo nước ngoài đưa tin

Bài viết của hãng Reuters đăng tải có tiêu đề: “Nữ sinh Việt Nam vẽ tranh thể hiện sự hỗn loạn trong dịch Covid-19”. 

Những bức tranh từ trái tim 

Nguyễn Đới Chung Anh, đang là học sinh lớp 4E, trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Trong thời gian phải nghỉ học ở nhà do trường học tạm thời đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội, Chung Anh đã tận dụng tối đa thời gian này dành cho nghệ thuật vẽ tranh, thể hiện những bi kịch, sự kiên cường và hỗn loạn trong trận chiến chống lại đại dịch Covid-19 của thế giới. 

Tác phẩm của Chung Anh cho thấy các sự kiện đã diễn ra trên toàn cầu như thế nào, miêu tả các địa danh chịu tác động của đại dịch như Tháp Eiffel, Tượng Nữ thần Tự do, Tháp đồng hồ Big Ben và Tháp nghiêng Pisa khi nó lan rộng khắp Châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác. Những bức tranh của cô bé cũng nhằm làm nổi bật thành công của Việt Nam trong khống chế virus trước làn sóng các ca lây nhiễm tới từ nước ngoài.

Đó là bức tranh về một chiếc máy bay chở khách bị virus tấn công đang trong vòng tay của hai chiến sĩ và một bức khác cho thấy cùng một chuyến bay bị chặn đứng bởi các nhân viên y tế phun thuốc khử trùng từ máy bay chiến đấu. Những bức tranh đó lấy cảm hứng từ chuyến bay định mệnh VN54 chở một loạt người nhiễm bệnh mới sau khi Việt Nam tuyên bố không có ca nhiễm nào trong suốt ba tuần. Việt Nam đã báo cáo 332 trường hợp mắc Covid - 19 và không có trường hợp tử vong.

Chung Anh cũng vẽ chính mình trong một bức tranh về sự an toàn của cô bé để thể hiện lòng biết ơn đối với những người trên tuyến đầu chống dịch - họ cũng xuất hiện trong hầu hết 11 bức vẽ và chống lại virus bằng khiên hoặc làm nổ nó bằng chất khử trùng. Cô bé Chung Anh cho biết: “Cháu đã vẽ những bức tranh này với hy vọng rằng mọi người có thể giữ tinh thần cảnh giác cao độ trong ngăn chặn dịch bệnh. Cô gái trong bức tranh chính là cháu, ở đó cháu đang vẽ và những điều này là trí tưởng tượng của cháu”.

Nguyễn Đới Chung Anh và những bức vẽ do em sáng tác
Nguyễn Đới Chung Anh và những bức vẽ do em sáng tác  

Một số bức tranh khác Chung Anh vẽ về tàu du lịch Diamond Princess, con tàu du lịch có hàng trăm hành khách bị nhiễm virus corona và bác sĩ Lý Văn Lượng, bác sĩ Trung Quốc đã qua đời vì chính virus này, cũng là người bị khiển trách khi cố gắng cảnh báo sớm về sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Cô Đới Xuân Hiếu, mẹ của Chung Anh, cho biết đó là sở thích của cô bé, và tự hào nói: “Tôi rất cảm động khi thấy con bé có thể thông cảm và biết ơn sự hi sinh của các bác sĩ đã mạo hiểm, thậm chí hi sinh tính mạng”.

Được biết, Chung Anh sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều làm họa sỹ. Trước đó, trong cuộc thi vẽ tranh “Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức, nhằm tạo ra hoạt động hữu ích, giúp các em có niềm vui lành mạnh trong quãng thời gian nghỉ dài do dịch Covid-19, Hội đồng Đội T.Ư phát động cuộc thi vẽ tranh “Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Cuộc thi dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, diễn ra trên toàn quốc từ ngày 18/3/2020 đến hết ngày 14/4/2020 cũng để để lại nhiều bức tranh ý nghĩa của các em nhỏ viết về cuộc đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19.

Các bức tranh được vẽ với nhiều gam màu, nhiều ý tưởng, nội dung sáng tạo được các em khắc họa trong từng bức tranh, phản ánh về thực trạng, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 đối với sức khỏe con người, cách chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh nhằm phòng chống dịch bệnh, sự hy sinh đáng ngưỡng mộ của những y bác sỹ đang ngày đêm thầm lặng đẩy lùi dịch bệnh. Qua nét vẽ sáng tạo của các em đã thể hiện sự hiểu biết, ý thức cao về trách nhiệm của mỗi đoàn viên, đội viên, thiếu nhi trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. 

Gây ấn tượng với thế giới qua tranh cổ động

Trước đó, vào ngày 9/4, tờ Guardian của Anh đã đưa các bức tranh và áp cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam đến với thế giới. Bài viết đăng tải trên tờ tin tức uy tín The Guardian (Anh) có đoạn: Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh thông qua các biện pháp được tiến hành hiệu quả như cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm kịp thời, và đặc biệt là hoạt động tuyên truyền hiệu quả thông qua tranh cổ động.

Sau thành công của ca khúc “Ghen cô Vy” tuyên truyền về việc rửa tay sạch sẽ vốn đã được truyền thông quốc tế đưa tin khá nhiều trong thời gian qua, giờ đây, tờ tin tức The Guardian (Anh) lại tiếp tục giới thiệu những bức tranh cổ động ấn tượng được các họa sĩ tại Việt Nam thực hiện để hưởng ứng chiến dịch cả nước cùng phòng chống dịch Covid-19. Guardian đã liên lạc với nhiều họa sĩ Việt Nam là tác giả của những tranh ảnh cổ động này, trong đó có họa sĩ Lê Đức Hiệp.

“Sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để ngăn Covid - 19, tôi lướt khắp các trang mạng xã hội và thấy nhiều người vẫn tụ tập và đi cà phê, nhà hàng... điều đó làm tôi bận tâm. Tôi muốn sáng tạo thứ gì đó có khả năng lan tỏa, cảnh báo và truyền cảm hứng cho người dân làm điều đúng đắn”, Guardian trích lời của họa sĩ trên.

Nữ họa sĩ nhí trong phòng tranh của mình
Nữ họa sĩ nhí trong phòng tranh của mình  

Bức áp phích của Đức Hiệp vẽ một một nhân viên y tế nắm tay vươn cao cùng một người lính trẻ, cả 2 cùng đeo khẩu trang. Khẩu hiệu của bức áp - phích đề “Ở nhà là yêu nước”. Đức Hiệp giải thích anh chọn cách vẽ áp - phích tuyên truyền nhằm tạo cảm giác thân thuộc cho người dân Việt Nam và đây là phong cách luôn “khơi dậy tình yêu nước”. Guardian ghi nhận Đức Hiệp không phải họa sĩ Việt Nam duy nhất được truyền cảm hứng từ cách vẽ áp phích tuyên truyền trong đợt dịch Covid- 19.

Họa sĩ Phạm Trung Hà đã phối hợp cùng Bộ Y tế Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Chung tay phòng chống dịch Covid-19”. Họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi, người đang chống chọi với căn bệnh ung thư, cũng xuất hiện trên bài báo của Guardian. Ông đã góp cho Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam hai thiết kế cổ động chống dịch.

“Vẽ áp - phích tuyên truyền vốn là sở thích của tôi từ những năm 1960 và 1970, thời Việt Nam tập trung vào việc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời đấy, bạn có thể thấy những bức tuyên truyền lớn trên khắp đất nước tôi”, ông trả lời Guardian. Tờ báo Anh nhận định những thông điệp trên, cùng với hành động tức thời và sớm truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh đã giúp Việt Nam tránh thảm cảnh mà châu Âu đang phải chịu đựng, với hàng ngàn ca mới được ghi nhận mỗi ngày.

“Tại những quốc gia không có khả năng xét nghiệm hàng loạt, số ca nhiễm thường cao hơn số liệu chính thức ghi nhận được. Nhưng sau 88.000 xét nghiệm, tại Việt Nam chỉ có 245 người bị xác nhận nhiễm Covid-19 và chưa có ca tử vong. Việt Nam đã tập trung cách ly bất cứ ai có liên hệ với ca mắc Covid-19, đặc biệt là những người đến hoặc về nước. Việt Nam đã cách ly hơn 67.000 người”, Guardian ghi nhận. Các họa sĩ Việt Nam cũng nói với Guardian rằng trong những thời điểm như thế này, nghệ thuật là cách duy nhất để chúng ta cùng kết nối với nhau.

Đọc thêm