Những dấu hỏi cần làm rõ trong vụ cựu cán bộ công an kêu oan vì bị kết tội cho vay nặng lãi

(PLVN) - Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Tiến Dũng – cựu cán bộ Công an tỉnh Nam Định kêu oan, cho rằng mình vô tội, quá trình điều tra có nhiều dấu hiệu sai phạm về tố tụng. Luật sư bào chữa cũng đưa ra những lập luận phản bác cáo trạng nhưng Hội đồng xét xử vẫn kết án bị cáo 12 tháng tù giam.
Những dấu hỏi cần làm rõ trong vụ cựu cán bộ công an kêu oan vì bị kết tội cho vay nặng lãi

Bị cáo kêu oan

Ngày 22/9/2020, TAND quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội) đã tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cho vay nặng lãi, bị cáo là Phạm Tiến Dũng, SN 1993, từng công tác tại Công an tỉnh Nam Định. 

Tại tòa, cáo trạng của Viện KSND cáo buộc Dũng có hành vi cho vay nặng lãi. Cụ thể, trong thời gian đi học tại trường Học viện Cảnh sát nhân dân, Dũng quen với bạn cùng trường là Nguyễn Thị Bé Thương (quê Nghệ An) và Nguyễn Huyền Trang (quê Nam Định). 

Theo cáo trạng, từ ngày 28/8/2018 đến ngày 28/1/2019, tại trường Học viện CSND thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm và khu vực phường Mỹ Đình 2 thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Dũng đã có hành vi cho vay lãi nặng khi cho chị Nguyễn Thị Bé Thương vay tổng số tiền 500 triệu đồng với lãi suất 5000 đồng/1 triệu/ngày quy đổi là 182,5%/năm thu lãi tổng cộng 288.000.000 đồng, thu bất chính 256.440.000 đồng.

Ngoài ra, ngày 5/11/2018, tại Học viện CSND thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Dũng tiếp tục cho vay lãi nặng khi cho chị Nguyễn Huyền Trang vay 200.000.000 đồng, lãi suất 5000 đồng/1 triệu/ ngày quy đổi là 182,5%/năm thu lãi tổng cộng 107.500.000 đồng, thu lợi bất chính 95.720 triệu đồng. Tổng số tiền Dũng hưởng lợi bất chính khi cho Thương và Trang vay là 352.160.000 đồng.

Trước cáo buộc của Viện KSND, bị cáo Phạm Tiến Dũng một mực kêu oan và khẳng định hoàn toàn không có chuyện cho vay nặng lãi. Dũng cho rằng vì thân nhau nên giữa bị cáo với Thương thường xuyên chuyển tiền qua lại để góp vốn, làm ăn… Việc chuyển tiền giữa Dũng và Thương chỉ nói với nhau bằng miệng và không có bất kỳ giấy tờ nào.

Còn với Huyền Trang, Dũng cho rằng do Trang đồng hương, trong khi Dũng lại là Hội trưởng hội đồng hương Nam Định tại Học viện CSND nên giúp đỡ vì thấy Trang vừa đi học vừa nuôi con nhỏ lại cần vốn làm ăn. Khi Trang cần vốn làm ăn, Dũng đã cho Trang vay mượn, 2 bên cũng có chuyển khoản qua lại và không có giấy tờ chứng minh... 

Dũng còn khai, Nguyễn Thị Bé Thương có nói là sẽ lo được cho cậu ruột của Dũng vào làm bảo vệ tại trường Học viện CSND, chi phí cho việc này là 500 triệu đồng. Khi nhận tiền chạy việc, Thương có viết giấy biên nhận và ghi rõ nội dung. Hai bên đã có giao dịch chuyển tiền cho nhau qua ngân hàng. Hiện tại, Thương mới trả cho cậu của Dũng được 80 triệu đồng, còn 420 triệu vẫn chưa trả. Mặc dù có giấy biên nhận mà Thương ghi rõ là nhận tiền chạy việc nhưng đại diện viện kiển sát cho rằng đây là giấy biên nhận vay tiền của Dũng và cáo buộc đó là do Dũng bắt Thương phải viết.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra lại

Trước những cáo buộc của Viện kiểm sát, bị cáo một mực kêu oan. Trong khi đó, luật sư bào chữa cho rằng, vụ án có nhiều vấn đề khúc mắc ngay từ khi điều tra cho đến quá trình tố tụng. 

Sự việc xảy ra tại quận Bắc Từ Liêm nhưng Công an quận Nam Từ Liêm điều tra là sai thẩm quyền. Trước lập luận này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, theo quy định của pháp luật trong đấu tranh với tội phạm không cấm việc này, hơn nữa, trong một số lần giao dịch Dũng và Thương có gặp nhau tại một địa điểm nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm nên việc điều tra là không sai thẩm quyền. Đáp lại, phía bị cáo và luật sư bào chữa đưa ra dẫn chứng về việc không giao dịch trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cùng căn cứ về thẩm quyền điều tra nhưng không được HĐXX chấp thuận. 

Trong quá trình bào chữa, phía luật sư cho rằng, vụ việc trước đây đã bị yêu cầu điều tra lại, bị can đề nghị được đối chất đối với người bị hại Thương nhưng cơ quan điều tra không cho tiến hành việc này. Trong khi đó, các bằng chứng để buộc tội Dũng cho vay nặng lãi chỉ dựa vào lời khai của Thương và các sao kê của ngân hàng, hoàn toàn không có bất cứ tài liệu nào chứng minh được hành vi cho vạy nặng lãi.

Ngoài ra, Phạm Tiến Dũng đã có nhiều đơn thư khiếu nại về việc mình bị ép cung, đơn kiến nghị những vi phạm tố tụng trong hoạt động tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cho rằng, cáo buộc của Viện kiểm sát là rõ ràng, tài liệu chứng minh tội trạng có đủ chứng cứ, cùng với đó, việc bị cáo cho rằng bị ép cung nhưng Dũng lại không đưa ra được bằng chứng chứng minh việc này nên không thể nói là bị ép cung. 

Sau khi nghe phần tranh tụng giữa bị cáo, luật sư và đại diện Viện kiểm sát, HĐXX tuyên phạt Phạm Tiến Dũng 12 tháng tù giam.

Khẳng định vụ án có nhiều điểm mờ cần phải làm rõ, luật sư bào chữa đề nghị cần phải tiến hành trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tiến hành đối chất giữa bị cáo Phạm Tiến Dũng với chị Nguyễn Thị Bé Thương và chị Nguyễn Huyền Trang; làm rõ việc Công an quận Nam Từ Liêm có dấu hiệu bắt giữ trái pháp luật và ép cung, nhục hình. Đồng thời, thu thập vật chứng trả nợ và giấy nhận tiền và giấy cam kết trả nợ…nếu thiếu những chứng cứ này thì giải quyết vụ án sẽ không được khách quan, đúng pháp luật. 

Đọc thêm