Tây Nguyên – miền đất sử thi

(PLVN) - Tây Nguyên được biết đến như là miền đất huyền thoại, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá. Dù ngắn hay dài, sử thi Tây Nguyên là một bức tranh toàn cảnh của cả một thời đại, phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả…
Tây Nguyên – miền đất sử thi

Miền đất sử thi

Sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỉ XVI, khi xã hội Tây Nguyên có những biến động to lớn do các cuộc chiến tranh giữa các buôn làng… Cũng như thần thoại Hy Lạp, sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư…

Cũng theo các tài liệu lịch sử, sử thi Tây Nguyên đã được biết đến từ khá lâu, từ thời Pháp thuộc, đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, nhưng đến gần đây, mới được nghiên cứu, khai thác một cách quy mô, sâu rộng.

Theo các nhà nghiên cứu, cho đến nay, đã có hơn hai trăm bộ sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn; số còn lại đã được biết đến nhưng chưa kịp ghi chép cũng có hàng trăm bộ nữa.

 

Trong đó, sử thi ngắn cũng có tới mấy trăm câu (sử thi H’điêu có 570 câu); sử thi tương đối dài thì có hàng nghìn câu, như Đăm San (2077 câu), Khinh Dú (5880 câu); có những sử thi rất dài, có lẽ dài nhất trong số những sử thi đã được biết cho đến nay là Ot N’rông của người M’nông khoảng 30.000 câu…

Nhưng điều quan trọng hơn là dù ngắn hay dài, sử thi Tây Nguyên vẫn phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả mà sự kiện trung tâm là hình ảnh những người anh hùng (các M’tao) qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng phi thường của mình, đưa nhân dân đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, giàu mạnh, vinh quang hơn… Một trong những hình ảnh tiêu biểu ấy là Đăm San, người  anh hùng của các buôn làng Tây Nguyên.

Người thổi hồn sử thi trường tồn

Điều đặc biệt ở sử thi Tây Nguyên là cách kể độc đáo. Dù văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng vẫn có các cụ già thuộc lòng. Họ là những nghệ nhân, là những “kho tàng sống”, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên.

Trong khung cảnh huyền ảo của màn đêm, của không gian núi rừng như tạo nên một không - thời gian huyền thoại mà cũng rất thực và sống động lạ thường… Nếu ai đã được nghe kể sử thi thì hẳn không quên được cái ấn tượng của những đêm Tây Nguyên khi bên bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà rông hay nhà dài, nghệ nhân hát kể sử thi và xung quanh con cháu, buôn làng ngồi nghe như nuốt từng lời, như hòa vào cái không gian huyền ảo, lung linh, lặng thầm cuộc sống. Người kể khan khi cao giọng, khi lắng trầm, lúc tâm tình, ngâm ngợi..

 

Trong lúc diễn xướng, nghệ nhân dường như sống trong “một thế giới riêng”, hóa thân vào các nhân vật trong sử thi mà họ hằng yêu mến; còn người nghe mở trí tưởng tượng bay bổng cho tâm hồn trở về với thời xa xưa, huyền thoại.

Ngoài cách kể trên, còn một cách kể độc đáo hơn. Đó là cách người ta nằm kể. Mỗi lần như thế, nghệ nhân nằm trên một chiếc ghế chỉ dành cho khách quý và là chỗ ngồi của các nghệ nhân cồng chiêng trong các ngày lễ hội lớn. 

Người Tây Nguyên, ai cũng thuộc một số câu thơ hay tên các nhân vật “chính diện” nào đó trong tác phẩm sử thi. Họ luôn luôn mơ ước và được như mẫu người của các nhân vật lý tưởng được miêu tả trong câu chuyện, đó là chàng Đam San, Xinh Nhã, Lêng, Mbông luôn khỏe mạnh, dũng cảm; là nàng Hbia, Bing, Jông nết na, xinh đẹp. Mọi người càng được nghe kể khan càng thích thú, say mê bởi nội dung bổ ích, giúp cho họ hiểu được cuộc sống của chính mình, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp, hoàn thiện hơn.

Nỗ lực bảo tồn

Có một thực tế hiện nay là trong các buôn làng Tây Nguyên, việc dân làng tụ tập về nhà Rông hay nhà dài đêm đêm nghe già làng kể sử thi đã thưa vắng dần. Lớp người kế tục công việc của những nghệ nhân thì hầu như vắng bóng, trong khi lớp nghệ nhân - già làng thì ngày một thưa dần….

Nghệ nhân trẻ chưa có được nhiều người sẵn sàng và có đủ khả năng để đón nhận, tích góp những vốn liếng của người đi trước trao truyền lại. Loại hình di sản này đang có nguy cơ thất truyền. Trước tình hình đó, các địa phương đã có một số việc làm kịp thời như tạo điều kiện cho các nghệ nhân thực hành diễn xướng, truyền dạy, giúp đỡ các nghệ nhân trẻ người dân tộc tham gia sưu tầm, dịch thuật sử thi.

Nhiều nghệ nhân sử thi Tây Nguyên đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Công tác xã hội hóa về bảo tồn di sản được phát huy, nhiều người đã tự nguyện góp sức chung tay bảo tồn sử thi Tây Nguyên, có nơi đã tổ chức trợ cấp tiền sinh hoạt hàng tháng cho một số nghệ nhân, giúp họ bớt những khó khăn trong cuộc sống để cùng với các nhà sưu tầm, nghiên cứu giữ gìn vốn quý của dân tộc mình

Điều phấn khởi nhất là di sản của đồng bào được trân trọng, tôn vinh, đó là vào năm 2014, sử thi Tây Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đọc thêm