Thương bông điên điển lạc mùa…

(PLVN) - Chớm thu, đi giữa phố Sài Gòn, bất chợt gặp vòm hoa vàng rực rỡ bên đường mà thắt lòng nhớ quê mình mùa nước nổi, và bồi hồi nhớ sắc vàng bông điên điển giữa sông nước mênh mông… 
Thương bông điên điển lạc mùa…

Có lẽ với bất cứ người dân miền Tây nào cũng nặng lòng gắn bó với sắc vàng của bông điên điển. Màu vàng gợi thương, gợi nhớ về những tháng ngày tuổi thơ nghèo khó, dầm mưa dãi nắng, đầu trần chân đất hái rau đắng, hái bông điên điển trên cánh đồng nước nổi, rồi vớt cá lòng tong, xúc tép, bắt ba khía về ăn...

Với người dân quê, bông điên điển là món ăn dân dã nhưng chứa chan kỷ niệm, nhấm nháp món canh chua, món xào tép đồng mà như thể ăn nhớ ăn thương. Điên điển nấu canh, xào tép... là món ngon gắn bó với mọi gia đình.

Bông điên điển đẹp giản dị, chân phương gắn với hình ảnh tảo tần, duyên dáng của những người phụ nữ miền Tây: là hình ảnh của ngoại, của má, của chị, của những người em gái bơi xuồng, lội đồng hái bông súng, bông điên điển... Với riêng tôi, bông điên điển còn gắn bó với mối tình đầu trong trắng, ngọt ngào nhưng cũng nhuốm dư vị đớn đau.

Bông điên điển đẹp giản dị, chân phương gắn với hình ảnh tảo tần, duyên dáng của những người phụ nữ miền Tây...
Bông điên điển đẹp giản dị, chân phương gắn với hình ảnh tảo tần, duyên dáng của những người phụ nữ miền Tây...

Ngày xưa của tuổi hoa niên xa lắc, cô bé cùng ấp mang cái tên của loài hoa vàng hoài nhớ đó chính là người con gái đầu tiên trong đời tôi được cầm tay, cài lên mái tóc em vương miện vàng rực sắc hoa vùng lũ cùng lời ước hẹn mai này lớn sẽ kết duyên đôi lứa…

Vậy mà dòng đời chia đôi ngả. Tôi ra Sài Gòn lập nghiệp rồi lấy vợ Sài Gòn, bỏ lại sau lưng miền quê lấm lem bùn đất, rơm rạ, cùng mối tình đầu vụng dại. Mải mê duyên mới cùng những công danh chốn phù hoa, cho đến ngày tôi giật mình nhớ về sắc hoa mùa cũ và tìm lại người con gái của mối tình đầu thì mới biết em đã bỏ nhà ra thành phố sau ngày biết tin tôi có người con gái khác.

Tôi đành nén nỗi ngậm ngùi, tự vấn an mình chắc giờ này nàng cũng đã có một gia đình êm ấm, ta cũng không có quyền làm dậy sóng quá khứ đã ngủ yên. Tuy vậy, nỗi dằn vặt mình là người có lỗi khiến trái tim tôi luôn thổn thức khi nhớ đến…

Cho đến một ngày, rã rời trong men say của những tiệc tùng của những thương vụ làm ăn, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra cô tiếp viên giày cao, váy ngắn có cái tên kiều nữ trong quán bar chính là cô bé quê ngây thơ đội vương miện hoa vàng của mối tình xa lắc năm nào. Nhưng khi tôi gọi tên, nàng cố tình tỏ ra không quen biết, chỉ lạnh lùng: "Xin lỗi, ông đã nhận nhầm người!" rồi lặng lẽ xin cáo từ... 

Nhiều ngày sau đó, tôi quay lại quán cũ để tìm em nhưng chủ quán nói em đã chuyển làm nơi khác. Sài Gòn hơn 10 triệu dân, tôi biết tìm em ở nơi đâu? Hơn nữa, tôi còn gia đình, vợ con, công danh địa vị phù du, thời gian đâu để dành cho mối tình cũ như khói lam chiều trong thời buổi cái gì không thể làm phát sinh lợi nhuận thì đều bị cho là vô bổ? 

Chỉ còn lại chút hoài niệm về thứ mùi vị của loại bông dân dã, quê mùa mà ai ai cũng từng gắn bó suốt tháng ngày thơ dại. Ngày xưa, muốn ăn bông điên điển, người ta phải đợi đến mùa nước nổi (khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm) mới có. Nhưng thời buổi công nghiệp bây giờ, điên điển có quanh năm, thậm chí không thiếu bông điên điển ngay giữa Hà Nội, Sài Gòn.

Đôi lúc vợ tôi thắc mắc, cằn nhằn: "Thiếu gì hoa đẹp mĩ miều, thiếu gì món cao lương mĩ vị mà anh lại đi tương tư bông điên điển!?" Tôi chỉ biết ậm ờ qua chuyện...

Vậy đó, cuộc sống của tôi giờ cũng tạm coi là no đủ, vậy mà sao vẫn thấy thiếu vắng thứ gì đó trân quý lắm nên vẫn phải đau đáu đi tìm. Thảng hoặc trong mơ tôi vẫn mơ về loài hoa vàng và gọi tên một bông điên điển trong ký ức. Tháng ngày trẻ dại của tôi, mối tình đầu của tôi, bây giờ em ở đâu?

Đọc thêm