Vụ “bay lắc” trong bệnh viện: Bệnh án tâm thần còn khả năng giúp tội phạm thoát tội?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa triệt phá thành công một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I do bệnh nhân tâm thần Nguyễn Xuân Quý cầm đầu. Dư luận thắc mắc, liệu bệnh án tâm thần có giúp Nguyễn Xuân Quý một lần nữa không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) với những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng hắn đã gây ra?
Vụ “bay lắc” trong bệnh viện: Bệnh án tâm thần còn khả năng giúp tội phạm thoát tội?

Bệnh án tâm thần không còn là “kim bài miễn tử”

Ngày 31/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Dư luận vô cùng bàng hoàng, phẫn nộ trước việc một bệnh nhân đang chữa trị bệnh tâm thần mà còn được tạo điều kiện sử dụng, mua bán ma túy, xây dựng phòng bay, lắc trong chính cơ sở chữa bệnh.

Tối 1/4, đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội cho biết, đã khởi tố Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì) cùng 4 người khác gồm Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, có 5 tiền án về ma túy), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, có 2 tiền án), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, có 3 tiền án về ma túy) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi) về tội “Mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Riêng Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần trung ương I, bị khởi tố về tội “Không tố giác tội phạm”. Theo điều tra, Quý có tiền sử bệnh tâm thần nên vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ tháng 11/2018. 

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) cho rằng, trên thực tế, trong nhiều vụ án việc lợi dụng kết luận giám định mắc bệnh tâm thần để hưởng sự khoa hồng về mặt pháp luật của Nhà nước nhằm thoát tội, tránh việc phải chịu những hình phạt thích đáng của pháp luật đã xảy ra rất nhiều. 

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners)
 Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners) 

Trong vụ việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra đã phát hiện ra hành vi tàng trữ, vận chuyển mua bán ma túy của Quý. Chắc chắn, khi đối tượng phạm tội hình sự đưa ra hồ sơ bệnh án tâm thần thì đó chỉ là một căn cứ, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành chưng cầu giám định pháp y tâm thần xem tại thời điểm phạm tội đối tượng đó có bị tâm thần hay không. 

Trong nhiều trường hợp, bệnh tâm thần chỉ làm hạn chế năng lực hành vi chứ không làm mất đi năng lực, nên việc giám định pháp y tâm thần là thực sự cần thiết để xác định đối tượng có năng lực nhận thức, năng lực làm chủ hành vi khi thực hiện phạm tội hay không.

Trên thực tế, theo kết luận giám định pháp y tâm thần số 359/KLGĐ ngày 30/10/2018 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương đối với Nguyễn Xuân Quý, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

Trong quá trình bắt buộc chữa bệnh, ngày 11/9/2019, Nguyễn Xuân Quý đã được chuyển từ Khoa 5 (khoa điều trị) sang Khoa Phục hồi chức năng điều trị, cho thấy bệnh tình của Quý đã có dấu hiệu thuyên giảm.

Vào ngày 20/3 vừa qua, khi Quý và đồng bọn bị Công an bắt giữ, có thể thấy tình trạng sức khỏe của Quý là hoàn toàn bình thường.

Nhưng trên nguyên tắc, để xác định, có hay không việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng Nguyễn Xuân Quý cơ quan tố tụng cần phải có các biện pháp Giám định, giám định lại pháp y tâm thần (trước đó đã có kết luận giám định số 359/KLGĐ ngày 30/10/2018), xác định năng lực nhận thức, năng lực làm chủ hành vi khi đối tượng tiến hành phạm tội. Quy trình tiến hành được quy định trong Thông tư 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 về Quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần.

Một vấn đề cần lưu ý là khi sử dụng ma túy đá, đối tượng sẽ có hiện tượng bị ảo giác, triệu chứng và biểu hiện gần giống với mắc bệnh tâm thần, do đó trong quá trình tiến hành giám định pháp y, cần lưu ý tới vấn đề này.

Theo Điều 21 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Do đó, Nguyễn Xuân Quý sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp xác định đã khỏi bệnh sau khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc khi vẫn mắc bệnh tâm thần nhưng chỉ bị hạn chế năng lực hành vi, vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Lãnh đạo bệnh viện có hoàn toàn vô can?

Quá trình điều trị, Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ y tế của bệnh viện, trong đó có Nguyễn Anh Vũ để được tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Thậm chí Quý cải tạo căn buồng điều trị bệnh thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze, cất giấu và sử dụng trái phép chất ma túy.

Không chỉ cùng đàn em mời bạn bè, trong đó có cả cán bộ bệnh viện, sử dụng ma túy ngay tại chỗ, Quý còn đưa cả những cô gái làm "dịch vụ" đến đây để cùng sử dụng ma túy. Bị can Vũ cũng tham gia dùng ma túy, nên khi bị bắt kết quả test nhanh dương tính với ma túy.

Không những thế, Quý còn tổ chức mua bán ma túy ngay tại bệnh viện. Những người đến mua ma túy thường giả danh người nhà chăm sóc bệnh nhân để thực hiện các giao dịch mua bán ma túy. Quý không trực tiếp đưa "hàng", mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn ở khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong bệnh viện rồi ném ma túy qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống. Để tránh bị phát hiện, Quý bố trí Nguyễn Trung Nguyên và Nguyễn Công Thường ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng bệnh viện làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy.

Phòng điều trị bệnh nhân đã được Nguyễn Xuân Quý cải tạo thành “động bay lắc” tại Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1
 Phòng điều trị bệnh nhân đã được Nguyễn Xuân Quý cải tạo thành “động bay lắc” tại Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1

“Trên thực tế, không thể có khả năng Ban lãnh đạo bệnh viện không biết về hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Quý”, đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh. Thứ nhất, Luật sư cho rằng, cơ sở vật chất như phòng bệnh, thiết bị y tế đều được đầu tư, sửa chữa từ ngân sách Nhà nước hoặc của bệnh viện.

Khoa hay bệnh nhân không được tự ý thay đổi, những yêu cầu dù nhỏ nhất của bệnh nhân mà nằm ngoài quy định bệnh viện, các bác sĩ, các khoa thường sẽ phải xin ý kiến, lãnh đạo bệnh viện phê duyệt mới được thực hiện nên việc cải tạo phòng bệnh thành “nơi bay lắc” Trưởng khoa phục hồi chức năng không thể không biết

Thứ hai, bệnh nhân không có quyền cấm hay cản trở bác sĩ, các cán bộ của bệnh viện vào phòng bệnh để khám, giám sát hay kiểm tra.

Thứ ba, người ngoài hay kể cả người thân bệnh nhân khi có nhu cầu vào thăm đều phải thông qua người quản lý của bệnh nhân đó. Người quản lý sẽ có nhiệm vụ kiểm soát mục đích vào gặp bệnh nhân, thời gian cũng như nơi gặp, thường sẽ có phòng thăm gặp riêng. Người quản lý còn phải kiểm tra những vật dụng mà người ngoài mang vào trước khi gặp bệnh nhân.

Thứ tư, bệnh nhân tâm thần có chìa khóa riêng để ra vào phòng bệnh tự do, rõ ràng khoa đã vi phạm quy định. Bệnh nhân tâm thần không bao giờ được cầm chìa khóa phòng bệnh mà chỉ các bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực mới được cầm. Khi hết ca, chìa khóa sẽ bàn giao lại cho ca trực sau.

Theo ông La Đức Cường, nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I nói về vụ bệnh nhân bay lắc: “Nói không quá chứ điều dưỡng sẽ nắm rõ từng “chân tơ, kẽ tóc” của phòng bệnh cũng như bệnh nhân. Họ không sát sao trong công việc là tạo sơ hở cho những việc tiêu cực.”

Hơn nữa, đây không phải là vụ việc mới xảy ra hoặc diễn ra trong thời gian ngắn mà quá trình phạm tội của đối tượng Quý và đồng bọn đã diễn ra trong thời gian dài do đó, trong vụ việc này ban lãnh đạo của bệnh viện không thể thoát khỏi trách nhiệm, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và Trưởng khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền không thể vô can.

Muốn biết về các hình thức kỷ luật, hoặc xử phạt cụ thể áp dụng đối với Giám đốc Bệnh Viện, Trưởng khoa Phục hồi chức năng chúng ta cần phải đợi kết quả điều tra và quyết định của Ban Cán sự Đảng.

Ngày 01/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 1770/QĐ - BYT về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc BV Tâm thần TW I để làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành Bệnh viện khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.

Căn cứ theo Nghị định 112/2020/NĐ - CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Y tế đề nghị ông Vương Văn Tịnh trên cương vị là người đứng đầu đơn vị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, BV Tâm thần TW I. Bộ Y tế đề nghị ông Vương Văn Tịnh gửi bản kiểm điểm về Bộ Y tế trước ngày 07/4/2021 để báo cáo Ban Cán sự Đảng xem xét, quyết định.

Do đây là vụ việc cực kì nghiêm trọng nên dù biết hay không biết, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung Ương I và các cán bộ có liên quan vẫn phải chịu trách nhiệm.

Đọc thêm