Vụ cho ở rồi mất đất ở Cao Bằng: Cựu chiến binh 81 tuổi trông chờ tòa phúc thẩm công tâm

(PLVN) - Theo đơn khởi kiện, thấy gia đình ông Mã Văn Chỉnh không có đất ở, bố ông Hoàng Văn Tiến cho mượn đất. Tuy nhiên, sau này ông Chỉnh được cấp GCNQSDĐ và đã đem mảnh đất này bán cho người khác. Gia đình ông Tiến trông chờ TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ việc đúng pháp luật, bảo vệ công lý.
Trao đổi với PV, ông Mã Văn Chỉnh xác nhận, đất nhà ông ở là được gia đình ông Tiến cho mượn.
Trao đổi với PV, ông Mã Văn Chỉnh xác nhận, đất nhà ông ở là được gia đình ông Tiến cho mượn.

Đem đất được cho mượn đi bán?!

Trong đơn gửi báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoàng Văn Tiến (81 tuổi, trú phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) trình bày, nguồn gốc hơn 12.000m2 đất rừng có tên gọi là Nà Mò, toạ lạc tại tổ 32, phường Sông Hiến là của bố, mẹ ông (ông Hoàng Văn Châu, bà Nông Thị Nữ, đều đã mất) khai hoang từ những năm 1945.

Khoảng năm 1967, ông Mã Văn Chỉnh là người từ Hà Quảng (Cao Bằng) xuống, xin ở nhờ, vì thương người cùng quê, nên vợ chồng ông Châu đã cho gia đình ông Chỉnh ở nhờ. Khi cho mượn, trên đất đã trồng các loại cây ăn quả như chè, mít, chuối, tre. 

Đến năm 1985, ông Chỉnh có xin ý kiến bố, mẹ ông Tiến và được xây dựng ngôi nhà cấp 4 để ở. Đến năm 1987, gia đình ông Chỉnh tự xây dựng thêm 1 ngôi nhà, khi xây dựng được phần móng (hiện nay phần móng vẫn còn) thì bị ông Tiến ngăn cản nên phải dừng lại.

Năm 2004, ông Phạm Văn Thành bất ngờ cho máy móc, tiến hành xây dựng trung tâm đào tạo lái xe, ông Tiến phát hiện và yêu cầu ông Thành phải dừng lại. Lúc này, ông Tiến mới phát hiện gia đình ông Chỉnh đã chuyển nhượng cho gia đình ông Thành 10.000m2 đất. Ông Chỉnh còn làm đơn xin nhận đất, nhận rừng và được UBND Thị xã Cao Bằng (nay là TP Cao Bằng) ra quyết định và cấp GCNQSDĐ từ năm 1991 đối với thửa đất mà bố mẹ ông Tiến cho ông Mã Văn Chỉnh ở nhờ. 

Khi trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, cũng như tại biên bản hòa giải ngày 6/8/2004, nguồn gốc khu đất trên còn được chính ông Chỉnh thừa nhận: “...gia đình tôi do điều kiện nhu cầu sinh sống của gia đình gặp nhiều khó khăn nên tôi xin chuyển xuống thị xã và cắm nhà ở xuống nền nhà cũ của ông Tiến”. Các vị cao niên trong xóm như các cụ: Đàm Thị Phằn, Hoàng Thị Hài, Đinh Ngọc Chuân, Lục Thanh Bình, Đinh Ngọc Đắc, Đinh Ngọc Hạp, Hoàng Văn Tuyên đều khẳng định đây là đất của gia đình ông Tiến.

Tranh chấp xảy ra, ông Tiến yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Trong biên bản hòa giải được lập tại UBND phường Sông Hiến với sự chứng kiến của Chủ tịch phường, tổ chức chính trị xã hội địa phương..., ông Chỉnh cũng công nhận, năm 1967 ông xuống thị xã, gia đình ông tiến đã cho gia đình ông ở nhà trên đất. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận chưa hợp lệ?

Do gia đình ông Chỉnh không chịu trả lại đất nên ông Tiến đã khởi kiện ra tòa. Cuối năm 2019, vụ án “Tranh chấp đất đai và hủy quyết định hành chính” được TAND tỉnh Cao Bằng đưa ra xét xử sơ thẩm. 

Các văn bản ông Hoàng Văn Tiến gửi đi và nhận lại từ các cơ quan chức từ khoảng 15 năm qua.
Các văn bản ông Hoàng Văn Tiến gửi đi và nhận lại từ các cơ quan chức từ khoảng 15 năm qua.

Tại bản án số 08/2012/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND tỉnh Cao Bằng, ông Tiến yêu cầu tòa hủy các quyết định hành chính của UBND Thị xã Cao Bằng (nay là TP Cao Bằng) về việc giao đất giao rừng và cấp sổ đỏ mảnh đất tranh chấp cho ông Chỉnh trái pháp luật. Hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông Chỉnh có nhiều điểm đáng ngờ như biên bản nhận đất lại không có chữ ký ông Chỉnh… 

Tại phiên xử, đại diện VKSND tỉnh cũng phát biểu: Căn cứ các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, thấy rằng chữ ký trong đơn xin nhận đất rừng không phải chữ ký ông Chỉnh, biên bản nhận đất rừng ông Chỉnh không ký... Không đủ cơ sở để UBND Thị xã Cao Bằng ra Quyết định số 200/QĐGĐGR ngày 30/6/1991 giao đất giao rừng cho ông Chỉnh và như vậy không có đủ cơ sở để cấp sổ đỏ vào ngày 14/12/1991.

Thế nhưng, tòa cấp sơ thẩm lại cho rằng ông Chỉnh sử dụng mảnh đất liên tục, công khai và ngay tình trên 30 năm nên có quyền chiếm hữu. Tòa cũng cho rằng các quyết định hành chính giao đất, giao rừng và cấp sổ đỏ cho ông Chỉnh là đúng luật. Từ đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông Tiến về việc yêu cầu ông Chỉnh trả lại quyền sử dụng đất và hủy các quyết định giao đất, giao rừng và cấp sổ đỏ mảnh đất. 

Ông Tiến cho rằng nhận định của tòa cấp sơ thẩm là chưa đúng bản chất, phán quyết không khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi gia đình nên đã làm đơn kháng cáo.

Chờ đợi một phán quyết công tâm

Luật sư Đặng Hồng Dương - Công ty Luật TNHH Sao Sáng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng, Bản án sơ thẩm số 08/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND tỉnh Cao Bằng có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không khách quan, áp dụng pháp luật không đúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Hoàng Văn Tiến. 

Luật sư Đặng Hồng Dương dẫn chứng: lẽ ra, tòa án cấp sơ thẩm phải trả lại đơn, yêu cầu nguyên đơn phải làm đơn gửi UBND phường Sông Hiến hòa giải lại theo đúng quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn (NĐ43), tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý vụ án số 05/2018/TLST – DS ngày 17/12/2018 mà không trả lại đơn khởi kiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Hoàng Văn Tiến có yêu cầu hủy giao dịch dân sự về chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất số 77, tờ bản đồ số 13 giữa ông Chỉnh và ông Thành. Tại bút lục số 207, TAND tỉnh Cao Bằng đã ra thông báo bổ sung số 146 ngày 28/5/2019 để thụ lý yêu cầu này. Tuy nhiên, trong suốt quá trình giải quyết tiếp vụ án TA cấp sơ thẩm đã không tiến hành công khai chứng cứ, hòa giải đối với yêu cầu này. Mặt khác, khi xét xử cũng không giải quyết yêu cầu này của đương sự. Đây là việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của TA cấp sơ thẩm.

Tại bút lục số 351,352 thể hiện rõ: Văn bản mua bán nhà và đất ngày 10/5/2003 giữa vợ chồng ông Chỉnh bà Sáng và vợ chồng ông Thành bà Loan, thể hiện rõ các các bên có tham gia chuyển nhượng thửa đất đang tranh chấp. Nguyên đơn có yêu cầu hủy giao dịch mua bán này, cả bà Sáng và bà Loan đều là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, TA cấp sơ thẩm đã không xem xét yêu cầu của nguyên đơn, không đưa bà Sáng và bà Loan tham gia tố tụng trong vụ án này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Luật sư cho rằng, TAND tỉnh Cao Bằng ra bản án liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Văn Thành, khi ông Phạm Văn Thành không có đơn yêu cầu độc lập. 

Ngày 24/2/2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 23/2020/TLPT-DS ngày 14/1/2020. Tuy nhiên, phiên xử đã phải hoãn lại do vắng mặt người có quyền lời và nghĩa vụ liên quan. Gia đình ông Tiến mong đợi TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ việc đúng pháp luật, bảo vệ công lý, thượng tôn pháp luật.

Đọc thêm