“Vua nhạc sến” Vinh Sử đốt cả chục cây vàng một đêm

(PLVN) - Vinh Sử (tên thật Bùi Vinh Sử, sinh năm 1944 tại Sài Gòn)là một trong những nhạc sĩ đào hoa bậc nhất làng nhạc Việt, với lịch sử tình trường dài không đếm xuể. Nhờ yêu và thất tình nên ông viết nhạc hay, được mệnh danh là “vua nhạc sến”. Thời hoàng kim, ông chơi một đêm có khi 12 cây vàng ở các nhà hàng nổi tiếng tại Sài Gòn. 
Nhạc sĩ Vinh Sử.
Nhạc sĩ Vinh Sử.

Viết nhạc hay nhờ... thất tình

Nhạc sĩ Vinh Sử bắt đầu câu chuyện từ khi còn là cậu bé nghèo sống trong xóm “nhà lá” ởquận 4, Sài Gòn thập niên 1950 - 1960. Cái nghèo đã “rèn” nên một nhạc sĩ có tâm hồn nhạy cảm, luôn khát khao yêu nhưng nhiều lần thất bại vì… yêu.

“Nhạc của tôi phần lớn viết về những chuyện tình dang dở, trắc trở khi yêu. Hàng trăm ca khúc phần lớn đều viết từ chính cảm xúc, tình yêu đời tôi”, nhạc sĩ Vinh Sử bộc bạch.

Trong số những ca khúc nằm trong kho gia tài sáng tác của mình, có một bài hát được nhạc sĩ Vinh Sử viết từ khi còn là cậu bé con 9 tuổi. Nhớ lại, ông kể, ngày đó gia đình ông ở trong một khu xóm nghèo của Sài Gòn, có rất nhiều cầu tre. Mỗi lần đi học về, ông thường đi theo các bạn gái qua cầu.

Một lần, đi không quen nên ông bị ngã xuống dưới mé sông. Chứng kiến cảnh này, cô bạn gái đi phía trước vừa thương vừa buồn cười cậu bạn, nhưng ngại ngần nên không hỏi han hay đoái hoài gì. Còn ông thì vừa xấu hổ, vừa buồn vì không được cô bạn kia hỏi thăm nên đành lủi thủi leo lên bờ rồi đi về. Thời gian sau đó, nhớ lại câu chuyện này, ông viết nên ca khúc “Cầu tre kỷ niệm”.

Cũng theo lời kể của nhạc sĩ Vinh Sử, khi còn trẻ, ông có mối tình với một cô gái đẹp. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nghèo khó của cả hai nên cô gái này sau đó đã nói lời chia tay ông để lấy chồng nước ngoài với mong muốn giúp đỡ gia đình. Quá đau khổ về cuộc chia ly này, ông viết nên ca khúc “Làm dâu xứ lạ”. 

Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ.
Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ. 

Cô gái tiếp theo đến với nhạc sĩ Vinh Sử là một người rất thích ăn quả trứng cá. Trong sân vườn của nhà cô cũng trồng loại cây này. Thời gian yêu cô gái này, mỗi lần đến nhà chơi mà mẹ cô không có nhà, ông lại trèo lên cây hái quả trứng cá cho bạn gái ăn. Những kỷ niệm ngọt ngào này được ông mang vào sáng tác “Nhành cây trứng cá”.

Đặc biệt, có một ca khúc đã giúp nhạc sĩ Vinh Sử mua được cả chiếc xe hơi bằng tiền tác quyền cao chót vót. Đó là bài “Nhẫn cỏ cho em” được ông viết năm 17 tuổi. Ngày ấy, ông yêu thầm một người con gái, một mối tình rất trong sáng và đầy lãng mạn. Nhiều lần đi chơi với nhau, muốn ngỏ lời nhưng mỗi lần định nói, ông lại ngập ngừng rồi thôi vì chẳng biết bắt đầu giãi bày tình yêu từ phía mình thế nào.

Có lần, cả hai hẹn nhau đi dạo công viên, ông cứấp úng mãi không dám tỏ bày, khi chuẩn bị ra về, ông cúi xuống bứt cọng cỏ kết thành chiếc nhẫn rồi đeo vào ngón tay cô bạn gái mà không nói gì. Cô gái nhận chiếc nhẫn với tâm trạng vô cùng thích thú. Tình cảm này tuy không đi đến đâu nhưng lại là cảm xúc giúp ông sáng tác nên ca khúc “Nhẫn cỏ cho em”.

“Lúc đó cũng là người lớn, cũng có trí thức rồi. Yêu một nàng, hai đứa yêu nhau thiệt. Nhưng sau lại có người nhà giàu tới hỏi cưới, gia đình bắt buộc gả. Khi làm đám cưới, nàng cũng mời tôi. Ngày hôn lễ, họ trao nàng một vòng nhẫn cưới lớn thật lớn. Cũng đeo trên tay này nọ. Tôi quá đau khổ, chẳng biết phải làm gì nên viết thành “Vòng nhẫn cưới”. Bài hát này cũng ra đời trong lúc thất tình”, nhạc sĩ Vinh Sử nói vềhoàn cảnh ra đời ca khúc “Vòng nhẫn cưới”.

Một “bóng hồng” khác giúp ông viết nên sáng tác “để đời” là một phụ nữ người gốc Hoa. Cô gái này không chỉ đẹp mà còn rất giỏi, là chủ của một nhà hàng ăn uống tại Sài Gòn. Cả hai “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” ngay từ khi mới gặp. Sau đó, tình cờ một lần cô nhìn thấy ông đi trên đường, chở phía sau một cô ca sĩ nên dứt khoát đòi chia tay. 

Thời gian sau, ông cứ kiên trì đến nhà hàng của cô để ăn, thực chất là để được có cơ hội gặp và nói chuyện giải thích rõ ràng với cô. Song lần nào cũng thế, cứ nhìn thấy ông là cô lại quay lưng bỏ đi. Trở về trong nỗi buồn vô vọng, ông viết nên ca khúc “Đêm lang thang”.

Từ bị vứt vào sọt rác đến “nhất dạ đế vương”

Nhạc sĩ Vinh Sử bảo, âm nhạc như có sẵn trong máu ông từ kiếp trước. Ông không được học nhạc trước đó nhưng sau khi quyết định đến với nhạc, ông đi học và mua nhiều loại sách hướng dẫn cách sáng tác. Sau một năm, ông bắt đầu sáng tác và tất cả các tác phẩm đều nói về sự chia ly, mất mát của tình yêu đôi lứa.

Trước khi sáng tác, ông từng trộm tiền của bố mẹ để chơi bời. Ông còn “to gan” bán cả căn nhà bố mẹ cho được khoảng 400.000 đồng để ăn uống, chơi bời.Đến khi hết tiền, ông giấu người thân và đến xin sống với một người bạn đạp xích lô trong một con hẻm nhỏ. Cuối cùng bố mẹ cũng phát hiện ra và tức giận đến mức gọi công an tới bắt ông.

“Nhưng tôi vẫn không từ bỏ đam mê. Còn nhớ lúc đó, Chế Linh đã ghi lại cho tôi bài “Yêu người chung vách”. Tối đến tôi thường mang ra lề đường, nơi bán hàng quán nhiều và mở lớn tiếng, mọi người khen hay. Thấy vậy tôi mang đi bán cho một nhà phát hành nhạc ở đường Nguyễn Trung Trực nhưng người chủ chỉ kêu về đợi.Vài ngày sau tôi trở lại thì thấy cuốn băng của mình trong sọt rác. Tôi đã không dám cúi xuống lượm vì xấu hổ mà phải dùng đôi dép đang đi, kẹp lại mang giấu”, nhạc sĩ Vinh Sử kể.

Nói về hoàn cảnh sáng tác nhạc phẩm này, nhạc sĩ Vinh Sử kể: “Năm đó tôi khoảng 14 tuổi và để ý nhớ thầm một cô gái nhà kế bên. Nhà chung vách lá nên tôi “khoét” hẳn một cái lỗ để “theo dõi” nàng. Thực ra nói theo dõi cho vui, chứ mỗi khi nhớ là vạch vách lá xem nàng đang làm gì. Có hôm nọ, khi đang “nhìn trộm” qua vách thì nàng phát hiện và chọt ngay ngón tay vô mắt tôi. Đau không thể tả và mắt bị sưng tấy đến mấy ngày không thể ra đường. Nàng tên Hằng và rất đẹp”.

Thời hoàng kim nhất của nhạc sĩ Vinh Sử là trước năm 1975. Số tiền tác quyền từ các ca khúc đủ đểông tậu xe hơi, nhà lầu. Ông chắp bút bài nào là nổi tiếng bài đó. Và người ta gọi ông là “vua nhạc sến”.

“Khi người ta gọi tôi là “vua nhạc sến”, ban đầu nghe cũng ngộ nhưng riết rồi quen. Tự người ta phong chứ tôi có nói mình như thế đâu. Đến giờ thật khó để mà xác định như thế nào là nhạc sến. Người ta hay nghĩ sến là cái gì đó bình dân, rất bình thường… không sang. Thôi thì cứ vui khi người ta gắn cho mình “ông vua”. Mà cứ “vua” là tôi thích, thấy vui”, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết.

Nhạc sĩ Vinh Sử bảo, hồi trẻông ăn chơi bạt mạng. Chơi một đêm có khi 12 cây vàng ở các nhà hàng nổi tiếng khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Đúng nghĩa “nhất dạ đế vương”. Ông ngồi trên “ngai vàng”, uống toàn rượu Tây. Bước vô nhà hàng có nhiều giai nhân vây quanh, muốn gì được nấy. 

“Tôi yêu và thất tình vì những người không yêu tôi. Các cô ấy đẹp lại con nhà giàu có nữa. Tôi yêu đơn phương thời trẻ, lúc đó chưa có gì trong tay. Sau này các cô đến với tôi cũng chỉ một thời gian. Họ không chịu được cách sống của tôi nên ra đi. Tôi cũng vì thế mà buồn rồi trút hết vào âm nhạc nên mới có nhiều bài thất tình”, nhạc sĩ Vinh Sử chia sẻ.

Đọc thêm