Câu hỏi được đặt ra là quy trình thay người đứng đầu DN, thay chủ đầu tư không chỉ rắc rối lằng nhằng quy trình, mà còn không dễ tìm đối tượng thay thế. Vậy ông Thăng có những “lực lượng” nào mà dám tuyên bố, dám làm như vậy?
Câu trả lời ấy mới đây đã tỏ tường, khi VKSNDTC ban hành cáo trạng truy tố ông Thăng cùng hàng loạt bị can khác về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án xảy ra tại Cty CP Tập đoàn Yên Khánh, TCty Cửu Long cùng một số đơn vị trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Dự án trên hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách đã đầu tư cho dự án.
“Sân sau” của ông Thăng lộ diện khi ông Thăng điện thoại cho TGĐ TCty Cửu Long để “giới thiệu” Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) tiếp cận đề án. Bộ trưởng đã “giới thiệu”, lập tức Cty của Hệ được “tạo điều kiện” trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc này.
“Sân sau” đó thực chất năng lực, phẩm chất ra sao? Đáng buồn cho ông Thăng khi đã tin nhầm người. Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, đã tìm cách kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí. Chưa hết, Hệ chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm nhằm thay đổi kết quả kinh doanh, che giấu doanh thu, báo cáo không đúng thực tế, chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo từ lỗ thành lãi và làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính giai đoạn 2001-2002, thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của các cán bộ Bộ GTVT trong vụ việc này và còn kéo cấp dưới “chết chùm” theo. Một cấp phó của ông Thăng khi đó nắm rõ các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản Nhà nước, nhưng đồng thời cũng biết rõ Út “trọc” có mối quan hệ cá nhân với “sếp” của mình. Từ động cơ nể nang trong quan hệ với cấp trên, vị này đã mắc sai phạm khi chỉ đạo cho Út “trọc” nộp tiền làm 3 lần; ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí nhưng không thông qua hội đồng thẩm định giá….
Từ chuỗi hành vi “tạo điều kiện” trái quy định cho doanh nghiệp “sân sau” – cả nể doanh nghiệp “quen biết sếp”, Út “trọc” cùng nhóm đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Nếu thực sự ông Thăng có quen biết các “lực lượng” thực hiện các hành vi đầu tư kinh doanh đúng quy định pháp luật, có tiềm lực, không gian dối… thì việc tạo điều kiện cho “lực lượng” đó, thậm chí là điều rất tốt. Nhưng thực tế trong vụ án này đã xảy ra ở chiều hướng ngược lại, gây hậu quả hại nước, hại dân. Đây là bài học cho những cán bộ lãnh đạo, đừng cảm tính, phải “tim nóng, đầu lạnh” trong quản lý điều hành.