Theo ATP, việc các nhà bảo tồn vừa tìm thấy một cá thể hoang dã khác của loài rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội mang ý nghĩa khoa học và bảo tồn to lớn với quần thể loài ở quy mô toàn cầu. Nâng tổng số cá thể của loài này được ghi nhận trên thế giới lên 4 gồm 2 cá thể ở Việt Nam, 2 cá thể ở Trung Quốc, mở ra hy vọng nhân giống loài vốn bế tắc nhiều năm nay.
Tuy nhiên, ATP cho biết, cả hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam, một tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) và cá thể vừa phát hiện ở hồ Xuân Khanh đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ hoạt động đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. Hồ Xuân Khanh đang được tư nhân đấu thầu và quản lý.
Từ ngày 11/4/2018, chủ hồ Xuân Khanh đã bắt đầu sử dụng phương pháp bắt chuồng (một hình thức đánh bắt cá) ở phần nửa hồ mà các cán bộ ATP tin rằng cá thể rùa Hoàn Kiếm đang sinh sống ở đó. Với phương thức đánh bắt này (sử dụng các tay lưới dài sắp xếp theo dạng tia rẻ quạt và các hoạt động tạo tiếng ồn, sóng nước nhằm dồn cá vào một túi lưới khổng lồ), cá thể rùa Hoàn Kiếm vừa tìm thấy có khả năng sẽ bị bắt trong những ngày gần đây.
ATP đề nghị, trường hợp cá thể rùa Hoàn Kiếm bị bắt bởi hoạt động đánh bắt cá, cơ quan chức năng cần đưa rùa về nơi an toàn để bảo tồn. Trước mắt, ATP kiến nghị nên đưa rùa về hòn đảo trên hồ Đồng Mô. Đây là hòn đảo có diện tích gần 5000 m2 đã được ATP khảo sát và lựa chọn cho việc xây dựng cơ sở bảo tồn loài. Tại đây, công tác chăm sóc cứu hộ sẽ được tiến hành trong điều kiện môi trường được kiểm soát và hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam có thể ghép đôi sinh sản nếu giới tính của chúng được xác nhận.
ATP đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan có phương án phối hợp cứu hộ và bảo tồn hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam.
Trước đó, thông tin phát hiện thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm gây chấn động dư luận, mở ra cơ hội nhân giống loài rùa được coi là quý hiếm nhất thế giới.