Trao đổi với PV, ông Tuấn Anh cho biết, theo chỉ đạo của cấp trên, nhiệm vụ của BQL là chỉ đạo nhà thầu xử lý tình huống và chỉ được phép cung cấp cho báo chí Văn bản số 489/BQL đã gửi UBND TP Hải Phòng. “Tất cả các tài liệu liên quan đến giao dịch giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công thì BQL không thể cung cấp được. TP sẽ cử các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng. Việc trả lời báo chí, UBND TP và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có định hướng cho phù hợp”, ông Tuấn Anh nói.
Trước đó, ngày 21/7, đoạn đường dẫn cầu Đăng, cây cầu bắc qua nhánh sông Thái Bình nối huyện Tiên Lãng và huyện Vĩnh Bảo (vừa khánh thành chưa đầy 8 tháng - PV) đã bị sạt lở nghiêm trọng sau trận mưa kéo dài. Đường dẫn phía bờ Tiên Lãng bị sạt lở rộng khoảng 2-3m, dài hơn 30m, đất đá sụt lún sâu khoảng 2m.
Đến ngày 22/7, BQL gửi Công văn số 489/BQL, cho rằng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài từ đêm 19/7 đến sáng 21/7 đã gây sạt lở ta-luy hố móng đang thi công trong phạm vi chiều dài móng gần 30m. Xung quanh sự việc, dư luận cho rằng, nguyên nhân do nhà thầu thi công ẩu và không tính toán được phương án dự phòng cho việc thi công mở rộng đường dẫn mặc dù thời gian hiện tại là trong mùa mưa bão.
Ông Tuấn Anh cho rằng: “Việc sạt lở ta - luy không ảnh hưởng đến kết cấu cầu Đăng và không có chuyện cây cầu này bị đội vốn”. Ông Tuấn Anh cũng cho rằng đơn vị thi công “có uy tín, thực hiện đúng thiết kế và tiến độ”. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp thiết kế cầu, thiết kế đường dẫn, biên bản bàn giao mặt bằng, hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công thì ông Tuấn Anh đã từ chối.
Được biết, công trình cầu Đăng được Thủ tướng chấp thuận thực hiện theo cơ chế đặc thù đối với công trình cấp bách. Tổng mức đầu tư của cầu Đăng là 171 tỷ đồng với thiết kế là cầu bê tông cốt thép, chiều dài hơn 250m, bề rộng 12m. Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Hà là nhà thầu thi công công trình.