Chứng tích bi hùng
Đi trên đường ĐT741, khi ngang qua cầu Phước Hòa (nối hai xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa của huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) – nơi cách TP.Thủ Dầu Một chừng hơn 35km, nhiều người ấn tượng với hình ảnh một cây cầu xi măng bị đứt gãy phần giữa nơi lòng sông. Gắn với cây cầu gãy nhịp chia cắt đôi bờ đẹp như tranh vẽ ấy là bao biến động thời cuộc, là những tháng ngày máu lửa không thể nào quên của quân và dân Sông Bé xưa, Bình Dương bây giờ.
Theo ký ức của những bậc cao niên nơi đây, cầu sông Bé được Pháp xây dựng những năm 1925-1926, thời kỳ thành lập Sở cao su Phước Hòa. Cây cầu ban đầu được ra đời nhằm khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại vùng Phú Giáo, Phước Long. Ngoài ra, cây cầu cũng là một phần của tuyến đường huyết mạch lên Tây nguyên.
Thông tin khảo sát của Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Dương thì cầu có bề ngang hơn 4,5m, chiều dài mỗi bên của cầu còn lại khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông. Chỗ cao nhất 2 bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m. Dù từng chịu đựng đạn bom và bị con người phá hủy phần giữa cầu, trải qua gần thế kỷ xây dựng, hai phần đầu cầu vẫn sừng sững dưới nắng mưa.
Lịch sử vùng đất còn ghi lại, hồi những năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền cao su bùng phát mạnh. Trong những cuộc đàn áp, quân địch đã coi cây cầu như đoạn đầu đài khi đưa những người chiến sỹ yêu nước đến đây để xử bắn rồi thả trôi sông. Dòng sông vì thế trở thành huyệt mộ sâu của những người cách mạng. Những cuộc đàn áp dù bạo tàn vẫn không khuất phục được tinh thần yêu nước của quân và dân ta. Những ngày đấu tranh quyết liệt, cầu sông Bé là cửa ngõ chiến khu Đ. Minh chứng cho tinh thần bất khuất ấy là sự kiện năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên cầu.
Trong thời kỳ chế độ Việt Nam Cộng hòa, cầu là tuyến giao thông huyết mạch của quân đội chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong giai đoạn nắm quyền của Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành Nguyễn Minh Mẫn, quân đội Việt Nam Cộng hòa “biến” nơi đây thành điểm xử bắn, chôn cất các đồng chí, đồng bào hoạt động cách mạng. Sứ mệnh nối liền đôi bờ trên tuyến đường huyết mạch của cây cầu đã chấm dứt bằng một trận đánh ác liệt mà bây giờ lịch sử vẫn khắc ghi.
Vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/4/1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và cắt đứt toàn bộ đồn bót trên 2 xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho 2 cánh của Quân đoàn 1 đánh qua phía tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu. Cuộc tấn công mạnh mẽ của quân, dân Bình Dương đã buộc địch ở Chi khu Phú Giáo (Phước Vĩnh) rút qua cầu sông Bé để chạy về Lai Khê.
|
Cầu gãy Sông Bé bị đánh sập vào năm 1975. |
Trên đường tháo chạy, địch đã bị bộ đội, du kích Phú Giáo chặn đánh tiêu diệt 30 tên. Chiều 29/4/1975, quân địch tràn về Phước Hòa để tìm đường rút chạy. Để tránh bị truy kích, viên chỉ huy trung đội biệt kích của địch tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy cầu sông Bé. Sau đó, quân và dân Phú Giáo đã phá ấp chiến lược, phá đồn... bắt hơn 200 tên địch còn cố thủ, thu giữ hơn 200 súng các loại. Đến trưa 30/4, huyện Phú Giáo đã hoàn toàn giải phóng.
Để ghi lại tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta trong chiến tranh, Đảng bộ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã cho xây dựng khu vực bia tưởng niệm rộng gần 100m2 tại đầu cầu phía ấp Bưng Riền, xã Vĩnh Hòa. Đấy là nơi binh lính Việt Nam Cộng hòa đã tra tấn những chiến sĩ cách mạng và những người mà chúng nghi ngờ theo cách mạng một cách tàn bạo. Còn cây cầu gãy vẫn được lưu giữ như một chiến tích bi hùng, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ địa phương.
Có thể nói, cầu Sông Bé là minh chứng lịch sử không bao giờ quên đối với người dân tỉnh Sông Bé. Mang trên mình nhiều giá trị lịch sử, cầu sông Bé đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Điểm tham quan có một không hai
Sau giải phóng, cơ quan chức năng tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) đã cho xây dựng cạnh cầu gãy một cây cầu đôi mang tên cầu Phước Hòa để người dân thuận tiện đi lại. Trên cây cầu mới ngày một tấp nập xe cộ qua lại, hình ảnh chiếc cầu gãy Sông Bé im lìm nằm đó giữa dòng đời hối hả, không biết đã thu hút bao nhiêu ánh nhìn. Có thể là cái nhìn lạ lẫm của những người lần đầu tiên ngang qua vùng đất, hay là cái nhìn thân thuộc của những người con miền đất vốn thấu rõ bao lớp thăng trầm phủ lên nó.
Cây cầu nằm giữa không gian yên tĩnh với đôi bờ cỏ cây xanh mướt rợp bóng hai đầu cầu, trải dài xuống tận mép nước - nhiều khi gợi cho người ta cảm đìu hiu quạnh vắng. Kiến trúc thành cầu với những đường nét xưa cũ mà chỉ những cây cầu tuổi đời trăm năm ở xứ mình mới có dáng dấp ấy. Hình ảnh đứt gãy dang dở khiến đôi bờ cách trở chẳng những được nhìn thấy trên cầu mà còn in bóng xuống lòng sông sâu thẳm, lững lờ đỏ nặng phù sa.
Chẳng những thu hút những người yêu thích chụp ảnh, cảnh đẹp cây cầu cũng “lọt mắt xanh” những đoàn làm phim. Cuối năm 2013, bộ phim hài đình đám “Tèo em” ra đời gây ấn tượng mạnh với cảnh quay mạo hiểm chiếc xe ô tô “bay qua” cây cầu gãy – chính là cầu gãy Sông Bé.
Ngay lập tức phim trường bí ẩn được tìm hiểu, hàng ngàn khán giả đã vô cùng bất ngờ khi biết rằng cây cầu không phải là sản phẩm của kỹ xảo mà hoàn toàn có thật. Cây cầu vốn được nhiều người biết đến từ đó lại càng trở nên nổi tiếng. Những năm gần đây, cây cầu gãy đã trở thành địa điểm check-in, sống ảo cực ngầu của giới trẻ chẳng những ở Bình Dương mà còn đông đảo du khách các tỉnh lân cận hay bất cứ ai có dịp ngang qua.
|
Cầu gãy Sông Bé giờ đây trở thành điểm tham quan hút khách. |
Nếu như trước đây, du khách chỉ đến cầu gãy vào các ngày thứ bảy và chủ nhật thì bây giờ vào những ngày thường cũng có nhiều lượt khách ghé thăm. Ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp, khách còn có thể thưởng thức hai món đặc sản của vùng đất này là bắp luộc và cá nhảy nấu măng chua.
Tuy nhiên điều gây lo ngại là nhiều bạn trẻ hồn nhiên, vô tư khi cố gắng trèo lên thành cầu hay ra sát vị trí đứt gãy để ghi lại hình ảnh mạo hiểm, gây nguy cơ tai nạn và hậu quả đáng tiếc. Ông Lê Hoàng Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, (huyện Phú Giáo) cho biết, việc ngày càng có nhiều bạn trẻ đến đây vui chơi, chụp hình kèm theo đó là những mối nguy hiểm khiến địa phương hết sức quan tâm.
Thời gian qua, UBND xã Vĩnh Hòa đã xin phép UBND huyện Phú Giáo lập hàng rào ngay chân cầu nhằm hạn chế các phương tiện đi trên cầu, nhưng không thể rào bít lối đi bởi đây là di tích lịch sử thì không thể cấm người dân đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử cây cầu.
Trước trào lưu đua nhau đến cầu gãy tìm kiếm trải nghiệm độc lạ, bên cạnh những lời khen vẻ đẹp của thắng cảnh có một không hai này, có nhiều ý kiến khuyến cáo đối với các bạn trẻ, du khách khi tham quan cầu gãy Sông Bé ý thức cẩn thận, không vì sở thích chụp hình mạo hiểm hay cảm giác mạnh mà leo trèo đến những vị trí gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh.