Xin giới thiệu bài viết của một nhân viên xã hội Ngôi nhà Bình yên kể về hành trình dài và vất vả, tìm lại sự yên bình cho một đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực gia đình…
Lời tuyên án của thẩm phán phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai vào chiều ngày 26/5/2020 rằng “chấp nhận kháng cáo của chị Phan T.H, sửa Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 57/2019/ HNGĐ-ST ngày 27/11/2019, giao cháu N.D.K cho chị H nuôi dưỡng. Anh T chịu trách nhiệm trả án phí sơ thẩm và phúc thẩm là 600.000 đồng…” đã chấm dứt hành trình gần một năm gian nan bảo vệ quyền của bé N.D.K của Ngôi nhà Bình yên (NNBY)…
Những đêm trắng của một đứa trẻ
Hơn ai hết những nhân viên của NNBY có thể hiểu được tâm lý của bé K lúc này, khuôn mặt em nhẹ nhõm, vui tươi thay cho vẻ mặt rầu rĩ, căng thẳng, sẵn sàng “chiến đấu” và “đầy tức tối, hằn thù”. Người lớn chúng ta sẽ thấy đau lòng và khó chấp nhận khi thấy những biểu cảm tiêu cực đó ở một đứa trẻ, nhưng cũng sẽ rất dễ hiểu, nếu biết rằng đứa trẻ 13 tuổi đó đã phải trải qua những gì trong 7 năm trời và gần một năm ngược xuôi đòi quyền sống an toàn.
Bé đã phải kể đi kể lại trong nước mắt vài chục lần với rất nhiều người, nhiều cơ quan về những trận đòn, những hành vi bạo lực của bố và mẹ kế trong 7 năm trời, về sự sợ hãi, khổ sở mà không biết cầu cứu ai cho đến khi được về thăm mẹ.
Sự nhẹ nhõm, vui tươi hiện lên trên khuôn mặt đứa trẻ cho thấy bé đã thoát khỏi cảm giác bức xúc, đau khổ bao lâu nay. Các cảm giác tâm lý tệ hại của bé K không chỉ đến từ các hành vi bạo lực đã có trước đó mà còn đến từ hành trình “đòi quyền sống an toàn” tưởng như vô vọng.
Bé đã phải chịu đựng sự nghi ngờ của chính những người đến hỏi câu chuyện của bé và rồi lại vặn vẹo, cho là bé “bịa chuyện”, “bị mẹ mớm lời đổ tội cho bố”, bé đã phải chịu đựng sự đổ lỗi của người lớn “chắc là cháu không ngoan nên bố mới đánh”, chịu đựng sự chế giễu, chế nhạo cảm xúc của chính người cha của mình anh ta khi nói con “cứ diễn sâu vào”,...
Đồng hành cùng cháu K, NNBY đã chứng kiến những đêm bé không ngủ, giãy giụa với cơn ác mộng đáng sợ với cảm giác “bị bố đuổi giết bằng dao hay bóp cổ”. Rất nhiều lần, NNBY đã cảm thấy bất lực vì bé chán nản, muốn bỏ cuộc hoặc khi bé gia tăng cảm xúc tiêu cực, bùng phát những hành vi mất kiểm soát như đạp đổ bàn trong phòng xử án, gào khóc với bố và Hội đồng xét xử hoặc liên tục tuyên bố “cháu sẽ bỏ đi hoặc tự tử nếu phải về ở với bố”. Tất cả những điều này đã làm gia tăng sự bất ổn về tâm lý của bé và đòi hỏi sự hỗ trợ tâm lý liên tục, tích cực của NNBY, Bệnh viện Nhi trong suốt một năm trời.
Kết quả cuối cùng trước mắt có thể làm cho bé K nở nụ cười và trở nên vui vẻ hơn như bất kỳ một đứa trẻ nào trong độ tuổi đó, nhưng liệu những sang chấn tâm lý mà cháu phải gánh chịu trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của cháu sau này như thế nào thì không một ai có thể biết chắc chắn. Và ai sẽ là người đồng hành, là người chịu trách nhiệm cùng cháu về những thương tổn kéo dài này?
Hành trình đầy áp lực
Nhìn bé K vui vẻ, các nhân viên xã hội của NNBY lại nhớ đến hành trình trong gần 1 năm đồng hành cùng mẹ con bé, đã phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều bên. Với tư cách là một đơn vị thực hành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em của cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và là một trong những cơ sở ứng phó với bạo lực giới đầu tiên ở Việt Nam theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm PNPT tự tin để khẳng định sự chính nghĩa, tính nhân văn và việc tuân thủ pháp luật trong việc bảo vệ quyền của một đứa trẻ, nhưng nhân viên NNBY cũng rất băn khoăn về việc nhiều cơ quan, tổ chức dường như không biết đến những quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới...
Họ chất vấn hoạt động NNBY, bày tỏ sự nghi ngờ với câu chuyện của bé K nhưng lại không quan tâm đến việc cho đứa trẻ 13 tuổi thực hiện quyền tham gia trình bày ý kiến và được tôn trọng, ghi nhận ý kiến, họ coi trọng ý kiến của “hàng xóm không chứng kiến bạo lực” hơn là “lời kể trước sau như một hàng vài chục lần của một đứa trẻ”…
Bên cạnh đó, việc các cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng để từ đây một câu hỏi đặt ra là nếu mẹ bé K sợ hãi, không kiên định đi đến cùng, nếu NNBY nản lòng vì quá nhiều rào cản và rắc rối vậy thì bé K sẽ có cuộc sống như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ thất bại trong hành trình đi tìm sự an toàn, bình yên trong cuộc sống của chính mình?
Trong hành trình bảo vệ các quyền của bé K, lần đầu tiên Trung tâm PNPT và NNBY được mời tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền và nghĩa vụ liên quan” trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Những nhân viên được Giám đốc ủy quyền đại diện Trung tâm PNPT hy vọng được tham gia với tư cách bình đẳng như những người tham gia tố tụng khác, được nói lên quan điểm bảo vệ quyền và hỗ trợ cho bé trình bày đầy đủ rõ ràng tâm tư, nguyện vọng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, nhân viên NNBY lại tiếp tục chịu sự chất vấn của Hội đồng xét xử và cả bố cháu K về căn cứ, điều kiện tiếp nhận bé K vào NNBY. Cả luật sư bảo vệ mẹ con bé K và nhân viên NNBY đều không được tôn trọng các ý kiến bảo vệ quyền tham gia trình bày của trẻ, về khả năng chăm sóc, giáo dục con của người bố và các đề xuất bảo vệ lợi ích cho trẻ cũng như không có quyền trình bày và phản đối “những câu hỏi của bố cháu K gây tâm lý bất ổn, lo lắng, căng thẳng cho cháu”.
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, nhân viên NNBY gần như tuyệt vọng trong tình cảnh cảm xúc của bé K bị kích động và gia đình bên bố K vây quanh hai mẹ con, định đánh mẹ cháu K ngay tại phòng xử án. Sự áp đảo và vây quanh của bên gia đình bố K chỉ tạm dừng khi nhân viên NNBY gọi điện thoại cho Tổng đài 111 và 113 yêu cầu sự hỗ trợ.
Từ đây, những câu hỏi đặt ra rằng các ngành chức năng có đang hoạt động theo nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của trẻ” hay không khi hướng tới bảo vệ “quyền của người cha” - người đang bị điều tra về sự liên quan tới hơn 12% tỷ lệ thương tật trên người bé K và đã từng có tiền án đi cải tạo 2 năm vì bạo lực gia đình?
Liệu sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ phải chịu đựng cách làm việc này? Liệu sẽ còn bao nhiêu cơ quan, tổ chức phải chịu áp lực như NNBY và Trung tâm PNPT để rồi “bỏ cuộc” trong hành trình đi tìm công lý, hành trình bảo vệ quyền trẻ em?
Sau phiên sơ thẩm, mẹ bé K đã làm đơn kháng cáo để xin được xem xét lại đề nghị thay đổi quyền nuôi con và cuối cùng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/5/2020, với sự công tâm của Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ, công lý, quyền sống an toàn theo ý nguyện của bé K đã được thực hiện với phán quyết chấp nhận kháng cáo, thay đổi quyền nuôi con của mẹ bé K.
Để có được thành công này, ngoài sự nỗ lực, kiên trì của mẹ con bé K, NNBY, các luật sư đồng hành cùng NNBY còn có sự vào cuộc của Cục Trẻ em, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV, của Văn phòng Chính phủ và các báo: Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Tuổi Trẻ và Pháp luật Việt Nam.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay lập tức nhưng vẫn sẽ còn đó rất nhiều việc phải làm để hỗ trợ bé K hòa nhập cộng đồng. Các cơ quan liên quan tại các địa phương vẫn cần tiếp tục hỗ trợ để giúp bé thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo quyền học tập; gia đình, cộng đồng và NNBY tiếp tục có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tâm lý, kỹ năng và đảm bảo môi trường sống lành mạnh và an toàn cho bé.
Dù đã nhận được phần thưởng sau gần một năm vất vả ngược xuôi là nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của bé K nhưng lòng của nhân viên NNBY vẫn trĩu nặng với ước mong giá mà các vụ việc bảo vệ quyền trẻ em tương tự không phải viết công văn đề nghị phối hợp nhiều đến thế, giá mà các cơ quan liên quan có cơ chế phối hợp cùng thống nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ tốt hơn, giá mà ý kiến của bé K được nghiêm túc xem xét công bằng ngay từ sớm trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan… thì có lẽ bé K đã không phải để lỡ mất một năm học, cũng không phải liên tiếp trải qua những cảm giác tệ hại như bị nghi ngờ, đổ lỗi dẫn đến các trạng thái tiêu cực, giận dữ, thất vọng và cảm xúc mất niềm tin vào sự công bằng trong xã hội…
Và đó cũng chính là những câu hỏi còn bỏ ngỏ mà NNBY luôn gặp phải trong hành trình trả lại sự yên bình cho những nạn nhân bạo lực gia đình.