"Đàn ông gì mà chẳng tạo được chút bất ngờ nào. Nếu anh ấy không cầu hôn , tớ sẽ giận dỗi cả tháng", đó là lời phàn nàn Linh trước ngày lấy chồng khoảng vài tháng.
Cô ấy luôn mong muốn có một buổi lễ cầu hôn lãng mạn như đa số những cặp đôi khác bây giờ. Thế nhưng, người yêu cô lại không phải là người thích biểu hiện nhiều.
Cuối cùng, để làm vui lòng bạn gái, anh người yêu vẫn có một màn quỳ gối, tặng hoa và nhẫn trước sự chứng kiến của vài người bạn.
Cầu hôn, tại sao không?
Chỉ cần gõ vài từ khóa "cầu hôn, tỏ tình" tìm kiếm trên Internet, hàng triệu kết quả sẽ hiện ra. Những clip như vậy cũng được chia sẻ nhan nhản trên mạng xã hội, ngày càng nhiều.
Cảnh quỳ gối cầu hôn lãng mạn trong phim "Vườn sao băng"
Nhìn thấy niềm hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt của những cô gái được người yêu cầu hôn, có lẽ ai cũng mong muốn ít nhất một lần mình được thử cảm giác đó.
Có người chọn sự riêng tư: một buổi tối lãng mạn chỉ hai người, có nến, có hoa và có nhẫn. Họ cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon, chia sẻ về những kỷ niệm đã có và quỳ gối như một hành động khẳng định cuối cùng.
Cũng có người thích sự ồn ào, tạo bất ngờ cho nửa kia trước sự chứng kiến của người thân, bạn bè và cả những người chẳng quen biết.
Mấy ngày nay, chuyện Phó bí thứ Đoàn trường Đại học Vinh cầu hôn học trò ngay trong buổi lễ tốt nghiệp cô khiến người ta xôn xao bàn tán. Bên cạnh sự tán đồng, ngưỡng mộ, nhiều người lại cho rằng điều đó là không phù hợp với không khí trang nghiêm của buổi lễ tốt nghiệp.
Nhiều người nói gay gắt đến nỗi những nhân vật chính đều cảm thấy buồn. Ban đầu, họ chỉ đơn giản nghĩ đó là một điều bất ngờ, vui vẻ, nhưng sự việc được đẩy đi quá xa sau khi được đăng đàn trên mạng xã hội. Việc này lại khiến người ta bàn tán có nên hành động như vậy giữa chốn đông người, giữa một dịp như vậy.
Có lẽ, sau việc này cả người cầu hôn và người được cầu hôn đều sẽ phải thận trọng hơn. Thế nhưng, kết quả cuối cùng vẫn là niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt cô gái khi được người thương tạo sự bất ngờ.
Huyền Thương (sinh viên năm 3, Đại học Ngoại thương Hà Nội) bày tỏ cô bạn cũng sẽ mong chờ một màn cầu hôn từ bạn trai nếu sau này tình yêu của họ đơm hoa kết trái.
"Mình thấy đó là mong muốn chính đáng, vì bây giờ cầu hôn phổ biến mà. Nhưng mình chỉ muốn riêng tư hai người thôi. Điều đó cũng đủ làm mình hạnh phúc rồi", Huyền Thương chia sẻ.
Mai Trân (20 tuổi, Hà Nội) lại muốn được tỏ tình hoặc cầu hôn công khai nếu có bạn trai. Theo cô gái trẻ, "đã yêu thì ngại gì thể hiện".
Cầu hôn không được định nghĩa là "làm màu" như một số người nghĩ. Đó là chuyện thuộc về sở thích và suy nghĩ của mỗi người. Ai không mong muốn mình là nhân vật chính trong một dịp như vậy?
"Thế nào cũng được, miễn là chân thành"
Thời "ông bà anh", người lớn hai bên mang trầu cau tới để nói chuyện cưới xin. Thời "cha mẹ ta", thích nhau rồi, chỉ đơn giản nói một câu "cưới nhé".
Tôi hỏi 10 người bạn của tôi, cả 10 đều nói thích được cầu hôn. Nhưng họ không cần cầu kỳ truyền thống theo kiểu phải có nhẫn, phải có hoa, quà hay rượu vang. Chỉ cần những cái ôm chặt, những lời thì thầm chân thành "Lấy anh nhé, làm vợ anh nhé, anh hứa sẽ là một người chồng tốt cùng em cố gắng, nắm tay em đi hết cuộc đời này" cũng đủ làm họ rơi nước mắt rồi.
Tôi có một cô bạn khác lúc nào cũng phàn nàn trước khi cưới mình không được chồng cầu hôn. Cứ thấy ai được cầu hôn, cô lại hờn dỗi chồng vì anh chẳng lãng mạn như người ta. Dường như khi không có được cái gì, người ta lại càng mong muốn điều đó với tâm lý được "bằng bạn bằng bè".
Nhưng nhiều người bạn trẻ cũng ở tuổi 20 như cô cho rằng, chỉ cần sống rất hạnh phúc, được chồng quan tâm, chia sẻ dù có được cầu hôn hay không mới quan trọng.
Cầu hôn cũng được, không cũng chẳng sao, miễn sao ta cảm nhận được sự chân thành trong lời nói và cả hành động của người ấy.