Ông còn viết hàng trăm lá thư gửi theo địa chỉ ghi trên mộ để tìm người thân của những người đã khuất. Ngót nghét một thập kỷ trôi qua, công việc “bao đồng” ấy đã tiêu tốn biết bao tiền bạc, thời gian nhưng ông nguyện còn sống thì còn làm “cầu nối” đặc biệt ấy.
Một thập kỷ tìm thân nhân cho hàng trăm ngôi mộ
Ông Phạm Minh Tâm (66 tuổi, ngụ phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi (thuộc phường Hưng Dũng) là nơi chôn cất những chiến sỹ, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc vào những năm 70, nhiều ngôi mộ chưa có người thân đến nhận.
“Gần chục năm qua, bằng tất cả khả năng của mình, tôi đã tìm mọi cách để liên lạc theo thông tin ít ỏi ghi trên các ngôi mộ tại khu nghĩa trang này. Trong hàng trăm ngôi mộ ấy, hiện những ngôi tìm được người nhà, quê quán của họ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông nói.
Lật giở những trang tư liệu ghi chép, ông Tâm cho hay, sau khi Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, Nghệ An cũng như các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã tiếp nhận hàng trăm lượt cán bộ miền Nam ra tập kết. Ở Nghệ An thời kháng chiến đã hình thành Bệnh viện miền Nam (còn gọi là Bệnh viện E) ngay tại khu vực Dăm Mụ Nuôi.
Nhiều người tập kết do vết thương, bệnh tật đã qua đời tại Bệnh viện khi chưa kịp nhắn gửi tới người thân nơi quê nhà. Theo danh sách của UBND phường Hưng Dũng lưu giữ, có khoảng gần 300 người được chôn cất tại khu vực Dăm Mụ Nuôi. Những ngôi mộ này nằm hiu quạnh ngoài nghĩa trang, không có ai lo hương khói.
Cho đến năm 2007, khi ông Tâm đảm nhận chức vụ Hội phó Hội Cựu chiến binh phường Hưng Dũng, nghĩa trang dần được thay đổi. Tình cờ ông biết được danh sách cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc được chôn cất từ khoảng 50 năm trước, tại nghĩa trang trên. Từ đó, ông có tâm nguyện tìm người thân cho những ngôi mộ chưa ai đến nhận ấy.
Từng là người lính vào sinh ra tử nơi chiến trường miền Nam, ông Tâm có niềm đồng cảm đặc biệt với những người con miền Nam nằm lại nơi đất Bắc. Để bắt đầu công việc như “mò kim đáy biển”, đầu tiên ông dọn dẹp cho từng ngôi mộ khỏi lớp đất bùn, bụi cây rậm rạp.
Sau đó, ông chép lại tên tuổi, địa chỉ, ngày sinh, ngày mất được ghi trên từng ngôi mộ. Nhiều ngày ròng rã, ông tỉ mỉ ghi chép được 229 ngôi mộ.
Quê quán những người đang an nghỉ ở nghĩa trang Dăm Mụ Nuôi nằm rải rác khắp các tỉnh từ Quảng Trị đến Đông Nam Bộ. Cùng với việc đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Tâm còn viết thư gửi về các địa phương theo địa chỉ trong bản danh sách.
Mỗi một ngôi mộ, ông viết hai thư, một gửi về chính quyền, một gửi đến địa chỉ người thân. Riêng công đoạn này đã “ngốn” nhiều thời gian và tiền bạc. Nhưng công việc “bao đồng” của ông đều vợ con ủng hộ.
Ông Tâm cho biết, dù đã gửi hàng trăm bức thư nhưng số lượng hồi âm rất ít. Ông đoán có thể những bức thư đó không đến được tay người nhận bởi địa chỉ ghi trên mộ hiện nay đã thay đổi.
Cũng có trường hợp, thư đến đúng địa chỉ nhưng người thân của người đã khuất ở tận Đồng bằng sông Cửu Long cũng nghèo khó, chưa có điều kiện ra Nghệ An nhận mộ. Lại có trường hợp địa phương nhận được thư lại nhờ ông hương khói giùm cho người dưới mộ, vì người thân của phần mộ không còn ai, hoặc đã chuyển đi, hoặc cũng đã qua đời.
Sau nhiều nỗ lực liên lạc, ông Tâm đã nhận được 14 phản hồi, trong đó có 5 gia đình đã ra Nghệ An nhận mộ người thân, có hai gia đình đưa giấy tờ chứng minh chiến sĩ tập kết là liệt sĩ để đưa người thân về nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Giây phút các gia đình ở nơi xa xôi tìm đến xin được đưa hài cốt người thân về là kỷ niệm không thể quên trong tâm trí ông Tâm.
Trở thành “thân nhân” đặc biệt
Trong hành trình tìm lại thân nhân cho các phần mộ trên, ông Tâm đã gặp nhiều câu chuyện cảm động, nhiều hoàn cảnh bất ngờ. Có những hành trình tìm kiếm người thân kéo dài nửa thế kỷ chưa thành.
Ông Tâm coi những người yên nghỉ tại nghĩa trang này như thân nhân, dù chưa từng một lần gặp gỡ. |
Trong số những gia đình tìm được mộ người thân nhờ “cầu nối” ông Tâm, có ông Ngô Văn Dung (ngụ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tìm được người cô tập kết ra Bắc. Trong cuộc trùng phùng đặc biệt, ông Dung xúc động kể chuyện, người cô bị bệnh qua đời khi mới 18 tuổi. Nhiều năm sau, gia đình đã ra tận Nghệ An tìm nhưng không thấy. Sau này, đọc thông tin trên mạng thấy có nghĩa trang cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, họ đã tìm được số liên lạc để gọi cho ông Tâm.
Ngay đêm hôm đó, gia đình ông Dung đã nhờ người bạn đang làm việc tại TP Vinh ra tận nghĩa trang chụp hình phần mộ gửi vào để xác minh. Sau khi đối chiếu các thông tin, họ vỡ òa hạnh phúc khi nhận ra đó chính là phần mộ người thân. “Thấy họ vui mừng trong nước mắt mà lòng tôi cùng vui theo. Cũng từ đó, tôi càng quyết tâm giúp được nhiều gia đình đoàn tụ”, ông Tâm tâm sự.
Cũng có nhiều hoàn cảnh éo le khiến ông trăn trở. Ông kể, có xã nhận được thư ông đã gọi điện chia sẻ: “Chúng tôi đã dò tìm khắp toàn xã và được biết người thân của chiến sỹ này cũng thiệt mạng trong chiến tranh, không còn một ai. Bây giờ chỉ còn cách nhờ bác chăm sóc giúp phần mộ”.
Hàng trăm bức thư được ông Tâm gửi đi khắp các tỉnh miền Nam. |
Hay trường hợp liệt sĩ Đỗ Phi Hổ (quê tỉnh Bình Thuận). Tuy có hồ sơ rõ ràng nhưng thời điểm nhận được thư của ông Tâm, người thân liệt sĩ tại quê nhà chẳng còn ai. “Bí thư Đảng ủy xã đó gọi điện cho tôi, nhờ thắp nén hương cho liệt sĩ Hổ vì gia đình cũng không còn ai sống sót”, ông kể.
Ông Tâm lại day dứt, nếu ông bắt đầu gửi thư sớm hơn, có thể có những gia đình đã tìm được mộ người thân. Vì suy nghĩ ấy mà mấy năm gần đây, ông luôn miệt mài tra cứu địa chỉ và liên tục viết thư gửi đi. Ông bảo, sợ ít năm nữa ông già đi, không ai tiếp tục công việc của ông thì những ngôi mộ trên sẽ khó được người thân tìm đến.
Cũng nhiều năm nay, dù không đảm nhiệm chức vụ trông coi nghĩa trang nhưng vào ngày rằm, mùng một, các dịp lễ Tết, ông Tâm lại ra thắp nén hương cho những người đã khuất tại nghĩa trang Năm Mụ Nuôi.
Cuối năm 2014, một công ty xây dựng đã tôn tạo nghĩa trang chiến sỹ, cán bộ miền Nam tập kết tại TP Vinh. Sau hơn bốn tháng thi công, công trình đã hoàn thành với tổng chi phí gần 2 tỷ đồng. Nghĩa trang sạch sẽ, trang nghiêm hơn, ông Tâm vẫn gắn bó chăm sóc các phần mộ chưa có người nhận.
Thông tin trên các ngôi mộ được ông Tâm ghi chép cẩn thận |
Sau thời gian dài gắn bó với nghĩa trang đặc biệt ấy, ông đã thông thuộc tên, địa chỉ, vị trí của từng người đang yên nghỉ nơi đây. Đối với ông, họ cũng như những thân nhân, dù chưa từng một lần gặp gỡ.