Đẩy lùi những “khoảng tối” trong bản làng
Cách TP. Huế chừng 80km về phía tây, nằm gọn giữa đại ngàn A Lưới, thôn A Bung, xã Nhâm, huyện A lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), trước đây luôn bị cái đói, cái nghèo và cái lạc hậu hiện hữu trong mỗi ngôi nhà. Hơn 90% người dân nơi đây là đồng bào Tà Ôi, cuộc sống của họ gắn liền với tập quán du canh, du cư.
Họ tin tưởng tuyệt đối vào các đấng thần linh, họ nhờ thầy mo đến cúng bái để chữa bệnh, để phạt phong tục… trong khi đó trình độ phát triển cũng như nhận thức của người dân còn khá hạn chế. Những điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng và sự phát triển của người dân. Sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu khi đó là bài toán nan giải, bởi vì những hủ tục lạc hậu này không chỉ là thói quen bình thường của người dân mà nó còn được duy trì qua nhiều thế hệ.
Để đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong nhận thức của người dân vào thời điểm đó thực sự rất khó khăn, bởi nó như là những khoảng tối mà chưa thể giúp người dân tìm ra cách lí giải để họ có thể hiểu về hệ lụy của những hủ tục này. Trong khi đó xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng văn minh thì những khoảng tối ấy lại càng hiện ra rõ rệt.
Chính lúc ấy già làng Quỳnh Nhất đã đến và làm thay đổi cả một vùng đất, vị già làng ấy đã cùng với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động, tuyên truyền để cho họ hiểu rằng họ không cần phải đi tìm cuộc sống mới ở đâu xa, mà có thể định cư ngay ở chính vùng đất này, vùng đất A Bung, như thế mới mang lại cho họ cuộc sống ổn định, no đủ chứ không phải du canh, du cư nữa, phải “có an cư thì mới lạc nghiệp được”.
Không những thế, già làng Quỳnh Nhất còn được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Nhâm đóng trên địa bàn, đồn đã cắt cử cán bộ đến giúp đỡ cho từng gia đình, cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây để họ gắn bó với mảnh đất này.
Trung úy Lê Văn Sơn, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ: “Đội vận động quần chúng của Đồn đã phối kết hợp với già làng, các tổ chức ban ngành của xã để tổ chức tuyên truyền pháp luật để cho bà con nắm được quy chế, quy định trên khu vực biên giới trong đó có nghị định 34 của Chính phủ và các quy định của địa phương để bà con nắm và thực hiện nghiêm túc các quy định ấy để hạn chế những vi phạm. Đồng thời, giới thiệu và hướng dẫn cho bà con những mô hình kinh tế hay, hiệu quả.
Khi cuộc sống dần ổn định, kinh tế phát triển, người dân A Bung đã không còn phải du canh, du cư. Cũng từ đó người dân tin tưởng hơn vào Già làng Quỳnh Nhất, vào những người lính Biên phòng và cũng từ đó cuộc sống của họ ngày càng phát triển, văn minh và cái khoảng tối về những hủ tục lạc hậu đó đã hoàn toàn bị đẩy lùi, họ tiếp nhận những cái tiến bộ của xã hội nhưng vẫn giữ được những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp văn hóa riêng biệt của đồng bào Tà Ôi trên Bản làng A Bung.
Người già làng làm kinh tế giỏi
Trong tiến trình xây dựng bản làng biên giới đổi mới, Già làng Quỳnh Nhất đã tích cực tìm tòi, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao để áp dụng cho gia đình mình. Trước đây, trên diện tích hơn 1000 m2 đất trũng của gia đình hoàn toàn bị bỏ hoang. Cũng như mọi người dân trong nơi đây, già chỉ làm lúa nương và vào rừng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng mang ra bán kiếm tiền lo cho gia đình. Đến năm 2014, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Nhâm, già đã quyết định cải tạo diện tích ruộng bỏ hoang của gia đình thành ao nuôi thả cá.
Được bộ đội Biên phòng hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cá và tận dụng được nguồn nước suối tự nhiên chảy vào ao cá, cùng với nguồn thức ăn sẵn có nên ao cá của già sinh trưởng phát triển rất tốt, cho thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 1 tấn cá thương phẩm. Đồng thời, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo thành chuỗi giá trị trong phát triển nông lâm nghiệp cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình già làng.
Chia sẻ với chúng tôi già làng Quỳnh Nhất cho biết: Gia đình già nuôi cá từ năm 2014, được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ một phần về con giống và kỹ thuật chăn nuôi. Hiện nay, ao cá của già đang phát triển và mang đến hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó già cũng đang cải tạo cái ao và đẩy mạnh nuôi ong mật, trồng cà phê, hồ tiêu để tăng thêm thu nhập. Hồi còn trẻ thì già còn làm ruộng, đi rẫy và làm cái nương được, giờ già rồi không làm được như lúc trước đâu, chỉ làm được cái ao, nuôi con ong và cà phê vì nó dễ hơn, mà hiệu quả kinh tế lại cao nữa.
Những năm gần đây, mô hình kinh tế kết hợp giữa chăn nuôi, trồng rừng theo hướng sản xuất hàng hóa đang là mô hình chủ đạo được các hộ gia đình nơi đây thực hiện. Thành công từ mô hình kinh tế Rừng-ao-chuồng-ruộng của gia đình già làng Quỳnh Nhất đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các hộ dân trong bản làng A Bung, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp sức của Bộ đội Biên phòng, bà con đã cải tạo diện tích đất trũng, đồng ruộng kém hiệu quả thành ao nuôi thả cá; tích cực phủ xanh đất trống, đồi trọc; mở rộng diện tích trồng lúa nước 2 vụ để giải quyết vấn đề lương thực; phát triển vườn, rừng với các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu hoặc trồng keo lấy gỗ.
Ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, huyện A Lưới cho biết: Chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng để hỗ trợ về con giống, cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Sắp tới đây xã sẽ tiếp tục phối hợp với cán bộ Biên phòng trong công tác tuần tra biên giới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của bà con, để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, lạc hậu của cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương lại có sự chung tay, giúp sức của bộ đội biên phòng trong tiến trình xây dựng bản làng biên giới đổi mới, luôn đậm dấu ấn của sự đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các già làng kiên trung như già làng Quỳnh Nhất, họ là những người được bà con dân bản suy tôn, quý trọng và nghe theo. Già làng Quỳnh Nhất đã thực sự là trung tâm đoàn kết và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân. Góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn và cùng với Bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.