Cay đắng "chiêu" trốn tiền cấp dưỡng nuôi con

 Khi gia đình tan vỡ, nhiều người tuy làm cha, làm mẹ nhưng đã áp dụng vô số “chiêu” để trốn tránh, khấu trừ tiền cấp dưỡng nuôi con. Họ làm thế không phải do nghèo đói mà có nghìn lẻ lý do khác nhau...

Khi gia đình tan vỡ, nhiều người tuy làm cha, làm mẹ nhưng đã áp dụng vô số “chiêu” để trốn tránh, khấu trừ tiền cấp dưỡng nuôi con. Họ làm thế không phải do nghèo đói mà có nghìn lẻ lý do khác nhau...

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thích chồng Tây và hàng hiệu hơn con

Hoàng Mai Ly là một cô gái phố Hàng Đào, Hà Nội chính hiệu. Vì thế nên từ nhỏ, Ly đã quen với việc mua bán, làm đẹp, ăn chơi hơn là học. Một ngày nọ khi vừa qua sinh nhật 18 tuổi, Ly gặp “người yêu sét đánh” tại vũ trường. Anh này cũng là dân phố, nhưng hơn Ly nhiều tuổi, sở hữu mấy nhà hàng. Lý mết anh vì vẻ giàu sang, lãng tử, chơi đẹp. Còn anh khoái Ly vì vẻ sành điệu, xinh đẹp của “gái phố Hàng”. Đám cưới nhanh chóng diễn ra và đứa con trai 4 tuổi ra đời sau đó.

Thế nhưng, cuộc hôn nhân của Ly lại tan vỡ. Nguyên nhân cũng là do Ly. Vì tuy đã có gia đình, con cái nhưng Ly vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt như thời thiếu nữ. Gần chục năm lấy chồng, Ly chưa lần nào đi chợ, vào bếp, trông con hay giúp chồng quản lý nhà hàng. Mọi việc cô phó mặc cho chồng và giúp việc, còn cô chỉ chăm chút sắc đẹp và sắm sanh hàng hiệu, ăn chơi. Quá thất vọng với cô vợ “búp bê phố Hàng” của mình, chồng Ly đâm đơn ly dị. Anh nhận trách nhiệm nuôi đứa con vì không yên tâm giao về tay vợ. Tòa xử Ly mỗi tháng phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 2 triệu đồng.

Một buổi sáng, Ly tìm đến một văn phòng của một nữ luật sư. “Lý do cô ấy tìm luật sư là lo lắng người chồng sẽ kiện cô ra tòa vì cô không chịu cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Trong lúc cô ấy than nghèo kể khổ và ra sức yêu cầu tôi mách nước để nhỡ ra lúc ra tòa cô có thể thuyết phục được là cô rất nghèo không thể nuôi con được, thì tôi ngắm nghía bộ trang phục từ quần áo đến đôi giày đều rất sành điệu của cô. Thấy tôi có vẻ thán phục vẻ bề ngoài của mình, cô tự hào: “Quần áo này toàn hàng Ý đấy chị ạ, cũng không đắt lắm đâu, chừng gần chục triệu thôi. Chị thích không, em giới thiệu địa chỉ cho” - nữ luật sư kể.

Cuối cùng, sau khi bị luật sư hỏi vặn, Ly đã thú nhận cô đang có ý định “săn” một anh chồng ngoại nên bằng mọi giá phải biến hóa thành gái tân, kể cả việc trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con, vì theo Ly nếu không thì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” .

Mẹ đâu rồi? Ảnh minh họa
Mẹ đâu rồi? Ảnh minh họa

Hận cha mẹ vợ mà sòng phẳng với con

Khi con gái dắt người yêu về nhà, ông bà Hòe (Hoàng Mai, HN) đã không hài lòng vì cái cung cách trầm trồ tiện nghi trong nhà và sờ đến cái gì cũng hỏi giá trị tiền bạc của anh chàng. Thế nhưng, chả hiểu ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà Liên, con gái ông bà Hòe, vẫn nhất nhất lấy bằng được.

Sau đám cưới, biết được tâm lý anh con rể nhắm đến căn hộ chung cư mà bấy lâu ông bà vẫn cho thuê, nhưng ông bà Hòe không đồng ý. Ông bà chỉ có con gái một món tiền hồi môn và khuyên hai vợ chồng trước mắt cứ thuê nhà ở sau đó dành dụm dần tiền mua nhà vì “có qua đói khổ mới thương nhau được”, theo họ.

Nào ngờ, khi con gái vừa tròn 3 tuổi thì vợ chồng Liên ly hôn vì cô không chịu nổi tính ham vật chất quá mức của chông, cộng thêm đó lúc nào anh cũng cạnh khóe về chuyện ông bà ngoại ky bo, tiếc của để dằn vặt cô. Tòa xử Liên nuôi con và chồng cũ phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2 triệu đồng.

Dọn về ở với bố mẹ, chỉ có tháng đầu tiên là Liên nhận tiền đầy đủ. Còn sau đó, số tiền ấy được anh chồng cũ chia làm 4 lần đưa sau mỗi cuối tuần anh ta đến  đón con đi chơi. Nhưng cay đắng nhất là tuy mỗi tuần chỉ có 500.000 đồng nhưng không lần nào Liên nhận được trọn vẹn số tiền đó vì chúng đã bị trừ vào các khoản mua bóng bay, mua bim bim, thậm chí mua băng dán cứu thương 2.000 đồng vì con gái của Liên chạy chơi trong công viên vấp ngã trầy đầu gối.

Quá uất trước thái độ tiểu nhân của chồng, Liên đã gọi điện nói thẳng yêu cầu chồng hoặc chấm dứt kiểu hành xử tiểu nhân này hoặc đừng bao giờ gửi tiền cấp dưỡng nữa. Nhưng anh ta cũng lạnh lùng trả đũa: “Con tôi không ai có quyền cấm tôi nuôi. Còn nuôi thế nào là quyền của tôi. Tôi làm thế để cho nó biết ngày xưa bố nó đã bị nhà vợ xử tệ thế nào”.

Đến nước này Liên chỉ biết ôm đều kêu trời, hận mình ngày trẻ đã mù quáng để đến giờ “cõng rắn cắn gà nhà”.

Góc nhìn từ luật pháp

Mức tiền cấp dưỡng nuôi con tiền triệu như hai câu chuyện trên có thể nói là những mức tương đối khá so với thực tế về cấp dưỡng hiện nay. Bởi, đã và đang tồn tại những mức cấp dưỡng 150.000 đồng/tháng, rồi thậm chí 30.000 đồng/tháng trong thời gian kéo dài đến tận năm 2015 (!) khi đứa trẻ được cấp dưỡng đủ 18 tuổi.

Tại sao lại có những mức cấp dưỡng thấp một cách kỳ cục và bất hợp lý so với mặt bằng cuộc sống đến vậy? Nghiên cứu quy định của luật cho thấy mức cấp dưỡng cho con do cha mẹ thỏa thuận và nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa giải quyết. Có thể thấy, quy định của tòa án về mức cấp dưỡng là căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án. Mà hầu hết các vụ án ly hôn, con cái còn ở lứa tuổi rất nhỏ, phải 14-16 năm sau mới đủ 18 tuổi. Trong quãng thời gian dài đó, cuộc sống có nhiều biến động mà mức cấp dưỡng lại bất di bất dịch nên đã trở thành gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi con.

Để khắc phục bất cập của luật, có ý kiến cho rằng nên pháp luật nên quy định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu làm định khung để quy định mức cấp dưỡng (kể cả trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không phải người làm công ăn lương).

Hạnh Quyên  

Đọc thêm