Học nghề từ nhà chồng
Đó là cụ Phạm Thị Xuân Thu, ngụ tại số 49 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến đầu phố Hàng Buồm, hỏi một người dân vãng lai hay chạy đến uống cà phê thôi họ cũng biết đến tay kéo của cụ Thu: “À, quán của cụ ở đằng kia, ngay cạnh cái quán phục vụ cho người nước ngoài đấy”.
Quán cắt tóc của cụ Thu nằm ngay dưới gốc cây bằng lăng. Gọi là “quán” cho oai chứ thực chất chỉ là cái giá gương, một cái ghế ngồi với ít dụng cụ đồ nghề để cắt tóc. Cụ bảo: “Đồ đạc đơn giản để mỗi lần dọn ra dọn vào cho đỡ mệt nhọc. Chứ nhiều khi đang cắt tóc trời đổ mưa, lúc ấy nhiều đồ không dọn kịp thì có mà ướt hết”.
Cụ lý giải như vậy, nhưng trong thâm tâm tôi, và có lẽ cũng là của rất nhiều vị khách đến đây, đều có chung cảm nhận rằng đơn giản nhưng rất… nên thơ. Bởi còn gì thú vị, nhàn nhã bằng việc giữa trưa hè được ngồi dưới bóng râm cây bằng lăng, hưởng tí gió hiu hiu, ngắm phố phường, xe cộ qua lại. Thi thoảng thấy buồn buồn, nhột nhột khi người cắt tóc đưa lược vào đầu, hay dùng cục phèn chua xát vào cằm.
“Tôi cắt tóc ở đây cũng phải được 30 năm rồi”, với giọng chầm chậm, cụ Thu bắt đầu lục lại những kí ức đẹp đẽ của cuộc đời mình. Cụ bảo: “Tôi bắt đầu mưu sinh bằng nghề cắt tóc từ những năm 1960 của thế kỉ trước. Ngày ấy, tôi lấy chồng là người gốc ở phố Kim Liên. Xưa làng Kim Liên có nghề truyền thống là cắt tóc, vì thế mà gia đình chồng tôi cũng làm nghề cắt tóc. Bố chồng, anh chồng, cả chồng tôi, ai cũng theo nghề truyền thống của địa phương" - cụ Thu chia sẻ.
Tiếp lời cụ nói: "Về nhà chồng theo việc nhà chồng, tôi đứng phụ mọi người cắt tóc, lúc thì lấy kéo, lúc thì dọn dẹp dụng cụ, lúc lại quét dọn nhà cửa… Thấy tôi nhanh nhẹn, anh chồng tôi đã dạy nghề cho tôi. Được anh chồng tận tình chỉ dạy, chỉ trong thời gian ngắn tôi đã tự mình cầm kéo cắt tóc cho khách. Chẳng bao lâu sau tôi cũng được mở quán cắt tóc. Sau đó, tôi được Nhà nước chọn làm nhân viên cắt tóc trong hiệu quốc doanh trên phố Hàng Khay. Ngày ấy tôi nổi tiếng lắm, đi đâu ai cũng biết, cũng khen vì là người phụ nữ cắt tóc nam hiếm hoi, lại cắt rất đẹp. Làm trong quốc doanh đến đầu những năm 1990 thì tôi nghỉ hưu và chuyển về Hàng Buồm sinh sống”.
Theo nghề đến hơi thở cuối cùng
Nghỉ hưu rồi nhưng cụ Thu vẫn tiếp tục làm nghề. Dù con cái phản đối, khuyên mẹ nên nghỉ cho đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cụ không nghe. Cụ vẫn dựng gương, mở quán dưới gốc cây bằng lăng trước cửa nhà mình từ đó đến bây giờ. Cụ cười bảo: “Cái nghề ăn sâu vào máu thịt rồi, nghỉ sao được. Nghỉ á, cái tay nó ngứa ngáy ghê lắm, không chịu được. Rồi thì vừa cắt tóc vừa nói chuyện với khách vui vẻ, thành quen rồi. Nếu phải nghỉ sẽ thấy trống vắng, buồn bực lắm”.
Hàng ngày, sau khi ăn sáng xong, cụ lại khệ nệ vài vòng vác đồ nghề ra dựng ở vỉa hè. Cụ chỉ cắt tóc từ 8h đến 10h sáng, sau đó trả lại mặt bằng cho người khác mở quán bán hàng. Cụ cắt tóc cẩn thận, đẹp, giá lại rẻ, chỉ từ 30- 50 ngàn đồng nên đông khách. Khách của cụ đủ mọi thành phần, từ già đến trẻ, có cả khách nước ngoài.
Ngoài cắt tóc đẹp, cụ Thu còn một mẹo rất hay, đó là dùng cục phèn chua thoa cho khách sau khi cạo mặt. Cụ bảo làm như thế khách sẽ cảm thấy da dịu mát, khoan khoái, không bị rát. Cụ lại cười hiền, giải thích: “Không phải mẹo gì cao siêu đâu cháu ạ. Những người thợ cắt tóc ngày xưa đều làm như thế cả. Bây giờ giới trẻ có nhiều mỹ phẩm, hóa chất để phục vụ cạo mặt nên không ai biết tới công dụng của phèn chua. Dùng phèn chua là thích nhất đấy cháu ạ”.
Cụ Thu tâm sự, trong số đồ nghề có chiếc lược là vật dụng được cụ quý nhất. Đó là chiếc lược nhôm do cụ tự tay mài. Sau khi chải tóc cho khách, cụ lại đâm đâm vào chậu cát để răng lược không bị xước, đều răng hơn.
Qua chiếc lược tôi đã cảm nhận được lòng yêu nghề của cụ Thu đến mức nào. Và tôi tin, có lẽ phải đến khi sức khỏe của cụ yếu đi, chân đã chậm, mắt đã mờ thì cụ mới thôi làm nghề. Còn tình yêu nghề thì sẽ theo cụ đến tận lúc trút hơi thở cuối cùng. Cụ đúng là tay kéo vỉa hè độc nhất phố cổ./.