Cay mắt trước "lều" học bên dòng sông Nậm Quàng

Bên dòng sông Nậm Quàng (Piếng Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An), có một căn lều nứa lá dựng tạm giữa bản, nơi đó, ngày lại ngày, cô giáo và 16 đứa trẻ nhỏ đối mặt với nắng táp cháy mặt, mưa ngấm thấu xương để mơ ước về một ngày không còn đói chữ.
Bên dòng sông Nậm Quàng (Piếng Cắm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An), có một căn lều nứa lá dựng tạm giữa bản, nơi đó, ngày lại ngày, cô giáo và 16 đứa trẻ nhỏ đối mặt với nắng táp cháy mặt, mưa ngấm thấu xương để mơ ước về một ngày không còn đói chữ. 
 
Bản nghèo và lều nuôi chữ
Khi chúng tôi đặt chân đến đây, tiếng cô giáo đang tập cho đám trò nhỏ đọc thơ, tiếng trẻ thơ đứa méo đứa tròn hòa lẫn tiếng nước chảy vang vọng núi rừng “Nhà em treo ảnh Bác Hồ, bên trên là một lá cờ đỏ tươi, ngày ngày Bác vẫn tươi cười với em…”. Tiếng bi bô của bọn trẻ vang lên trong cái lều được dựng tạm bằng tre nứa mọc lên trơ trọi giữa bản mỗi ngày.
 Ít ai biết được đây lại là cảnh mà cả cô và trò lớp mẫu giáo của bản Piếng Cắm, xã Cắm Muộn, Quế Phong (Nghệ An) lại đang ngày ngày phải đối mặt.
“Em mới ra trường được một năm, về công tác và được đứng lớp dạy các cháu ở đây, ban đầu về khổ chịu không nổi cứ muốn đi về xuôi dạy cho khỏe. Đi dạy nhiều hôm chảy nước mắt, trời mưa cả cô cả trò ướt nhẻm như chuột vì mái tranh hư hỏng nước mưa chảy xối xả vào lớp…” , cô giáo Lô Thị Liêm (SN 1989) tâm sự.  
Cô giáo và lũ trẻ trong lều học
Bên trong lớp học không có thứ gì được làm bằng gỗ ngoài mấy bộ bàn ghế và chiếc bảng viết, còn tất cả là tre, nứa, lá được cô giáo và các phụ huynh họp nhau dựng tạm để có chỗ đứng ngồi. Nhưng đấy là là tất cả những tài sản hiếm hoi và quý gia nhất của cả cô và trò dùng để dạy và học mỗi ngày. Lớp học cũng chưa có điện thắp sáng nên ban ngày cô giáo phải mở toang cửa, chống liếp lên để lấy ánh sáng cho đám trò. Đám trò nhỏ đứa thì ốm nhom, đứa thì gầy đét, đứa đen nhẻm… vì những tháng thiếu ăn mùa giáp hạt. 
Ông Lô Văn Tịnh – trưởng bản nói: “Điện thắp sáng mới kéo về bản được gần một năm nay nên chưa có điều kiện để kéo điện cho các cháu học, ngôi nhà là bà con góp người miếng tranh, người cây tre, người vác nứa… dựng lên có chỗ chui vô che nắng thôi…”. Được biết, ở cái bản nghèo này, nhiều nhà chưa giám kéo điện để dùng vì sợ không tiền để trả. Theo số liệu thống kê thì cả bản có 60 hộ dân, nhưng từ năm 2007 đến nay mới chỉ có 4 hộ thoát nghèo, còn lại 56 hộ còn lại đang là hộ nghèo của địa phương, cảnh thiếu đói là chuyện dễ gặp phải.  
Trăn trở…
Ông Lô Văn Xanh (56 tuổi) cho biết, “Cả bản hầu như nhà nào cũng thiếu ăn mỗi năm là 3,4 tháng, từ tháng 3, 4, 5 là những thời điểm dân bản không có gạo ăn mà chủ yếu ăn ngô, khoai, sắn…”. Con đường dẫn vào bản cũng heo hút sâu thẳm như chính cái tên Piếng Cắm. 
Lớp học mọi thứ cũng tạm bợ như chính cái “lều” được dựng lên, mọi thứ đều được cô giáo “chế” lên từ những vật dụng hàng ngày làm đô để dạy học hoặc sinh hoạt cho các bé.  
Những đứa trẻ ngây thơ bên Những đứa trẻ ngây thơ bên cái lều dạy chữ dựng tạm bợ giữa núi rừng .
Đều đặn, 16 trò và một cô giáo trẻ ngày ngày vẫn miệt mài học. “Mùa hè thì nắng nóng mà mùa đông thì không thấy gì vì không có điện thắp sáng, sương mù mịt phải đến đến 9, 10 giờ sáng sương tan lớp mới học được, còn mùa mưa thì hết khổ với gió, với nước mưa dột không thể học… Chỉ mong có kinh phí để cất xây lại lớp cho ổn định có thêm nhiều dụng cụ để dạy cho các cháu.” cô Liêm chia sẻ. 
Khi cách đó không xa, khoảng hơn 10km thì các em học trò khác tại thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) lại được học trong những mái trường xây dựng kiên cố, điện thắp sáng, tài liệu, dụng cụ học tập đầy đủ. Còn ngược lại với hình ảnh đó là ngôi trường mẫu giáo Piếng Cắm với tre nứa lá.  Ông Lô Minh Tùng – Phó chủ tịch UBND xã Cắm Muộn trăn trở, “Xã cũng muốn xây dựng trường mẫu giáo cho các cháu có điều kiện học tập, nhưng kinh phí nguồn vốn có hạn nên chưa thể đầu tư được. Cũng mong muốn được sự quan tâm của các cấp tạo điều kiện để xóa trường tranh tre cho địa phương”. 
Một năm học mới đã lại đến, cô và trò lại dẫn nhau vào lều tranh nuôi mơ ước để bản nghèo không còn nghèo cái chữ với đám trò nhỏ. Chúng tôi chợt nghĩ, bản nghèo khi nào có trường mẫu giáo xây kiên cố, lớp trò nhỏ được ngồi dưới ánh điện đọc chữ cũng như có các dụng cụ hỗ trợ học tập như những trẻ em cùng độ tuổi.
Ngô Toàn

Đọc thêm