Cây sanh ồ ạt "tập kết" vào Sài Gòn phục vụ Tết

“Trong số 500 cây, tôi đã chọn khoảng 60 cây bonsai và cây lớn “chiến” nhất có giá từ 1,5 -100 triệu để bán ra thị trường vào dịp Tết này. Theo quan niệm, cây sanh có nghĩa là “trường sinh” và nằm trong nhóm “tùng, cúc, trúc, mai, sanh”, một nhà vườn cho hay.

Những ngày cận Tết, các thương lái mua cây cảnh đã đổ xô về các tỉnh miền Trung, nhất là tỉnh Bình Định để thu mua các loại cây sanh từ bon sai cho đến cây lớn, rồi chuyển vào TP.HCM để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết năm 2012.
 
Cây sanh lên đời

Tại vườn cây cảnh ở ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM, nơi đây đang “tập kết” hơn 500 cây sanh lớn nhỏ được vận chuyển từ tỉnh Bình Định vào. Chủ nhân của vườn cây này là ông Nguyễn Đình Bá, một nghệ nhân chuyên “làm đẹp” cây cảnh ở Bình Định.

Ông Bá cho biết: “Trong số 500 cây, tôi đã chọn khoảng 60 cây bonsai và cây lớn “chiến” nhất có giá từ 1,5 -100 triệu để bán ra thị trường vào dịp Tết này. Theo quan niệm, cây sanh có nghĩa là “trường sinh” và nằm trong nhóm “tùng, cúc, trúc, mai, sanh”.

Cũng theo ông Bá, chuyện những “đại gia” sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu những cây sanh “bonsai” có dáng đẹp và độ tuổi từ 20 năm trở lên là chuyện bình thường ở miền đất võ.

Tuy nhiên, ở Sài Gòn thì những cây sanh bonsai có độ tuổi từ 2-3 năm tuổi chỉ mới bắt đầu được ưa chuộng.

Ông Nguyễn Đình Bá bên cây sanh với dáng “tiều phu quải tử”.

“Trong 60 cây mà Tết này tôi đưa ra thị trường, thì có 20 cây lớn có giá thấp nhất là 50 triệu. Còn lại là những cây sanh mi ni có giá từ 1,5 triệu đến 8 triệu đồng/1 cây”, ông Bá cho biết.

Được biết, mỗi cây sanh tự nhiên đều có dáng trực (thẳng đứng), rồi các nghệ nhân đã tạo cho chúng các loại dáng như: Dáng bay, đổ, rối, huynh đệ…Còn bộ rễ được ghép ôm vào đá, bên dưới thiết kế hòn non bộ.

Hiện cây sanh có tuổi đời lớn nhất, đẹp nhất và có giá trị nhất trong vườn ông Bá có tuổi thọ trên 30 năm. Cây có bộ rễ lớn, chằng chịt bao ôm vào tảng đá. Thân cây tạo thành dáng “bay” với thế “tiều phu quải tử”.

Ông Bá giải thích, với dáng “bay” sẽ tạo nên sinh khí, sức sống mãnh liệt và thế “tiều phu quải tử” thể hiện sự quấn quýt tình cảm cha con. Cây có giá trị trên 100 triệu đồng.

Để tạo ra những cây sanh đẹp, ông Bá đi khắp các tỉnh từ miền Trung để tìm mua những cây sanh có thân và rễ đẹp. Sau đó, qua bàn tay của mình, những cây sanh này được ghép vào đá với những dáng, thế khác nhau.

Cây sanh “đẻ” ra tiền

Theo anh Đặng Hoàng Hải - một nghệ nhân trẻ mới nổi lên với thú chơi cây cảnh ở Phù Cát, Bình Định cho biết: “Cây sanh ở miền Trung là loại cây dễ thiết kế bonsai nhất so với cây sanh ở các tỉnh khác, vì thân cây rất dẻo và nhờ khí hậu nơi đây thích hợp với việc phát triển của cây.

Ngày trước người dân trồng cây sanh để làm hàng rào. Nhưng vài năm trở lại đây, thú chơi cây sanh lại rộ lên, nên ở đất xứ Bình Định giờ thì hầu hết nhà ai cũng trồng và sở hữu cây sanh. Vì vậy, nhu cầu chơi cây sanh ngày càng nhiều và giá cả thì khó có thể định lượng được.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Bá đang cắt tỉa các cây sanh mi ni.

Vào tháng 11 vừa rồi, tôi có bán một cây sanh khoảng 15 năm tuổi cho một thương lái với giá 27 triệu đồng. Sau đó thương lái này đã bán lại cho một thương lái ở Hà Nội với giá 60 triệu đồng”.

Còn theo ông Bá, khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào chơi cây sanh phát triển “rầm rộ”, nên những cây sanh mọc tự nhiên trên núi ở các tỉnh miền Trung bị khai thác cạn kiệt. Những cây sanh có độ tuổi hàng trăm năm bị đưa ra khỏi núi rừng, và biến thành những cây sanh “tiền tỷ” ở những căn biệt thự của các “đại gia”.

Ông Bá buồn tâm sự: “Quê hương của tôi là ở núi Bà, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Núi Bà được xem là lá phổi của huyện, nơi đây nổi tiếng là Vực Xanh, khu vực này tập trung hàng ngàn cây xanh lớn nhỏ mọc tự nhiên tạo nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Tuy nhiên, sau thời gian dài bị khai thác “trộm”, những cây sanh nguyên thủy với thế đẹp, bộ rễ dài ôm chặt những tảng đá nặng hàng tấn len lỏi xuống dòng nước suối đã dần mất đi. Vì vậy, những cây sanh hiện nay là đều do bàn tay và khối óc của các nghệ nhân sáng tạo ra”.

Anh Hứa Ngọc Sơn, một người chuyên kinh doanh cây sanh ở TP.HCM kể lại: “Bạn của tôi là anh Phạm Xuân Nghi, ở tỉnh Phú Thọ cũng kinh doanh cây cảnh vào Nam Định bỏ ra 500 triệu mua 12 cây sanh núi. Sau đó, thuê một nghệ nhân về tạo tác bonsai. Ngay sau 1 năm, chỉ bán có 7 cây đã thu về 2,5 tỷ đồng. Có thể nói cây cảnh là… vô giá”.

Thọ Lang - Điền Minh

Đọc thêm