Cây “Then” giữa đại ngàn

(PLO) - Bảo tồn Then tốt nhất chính là phát huy được giá trị các nghệ nhân Then. Ở vùng đất “99 ngọn núi Phượng Hoàng bay về đây làm tổ”, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Mạnh Thẩm (thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) được coi là “cây đại thụ” về Then, tuy đã 83 tuổi nhưng ông vẫn say sưa tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm truyền nghề cho các em học sinh

Đam mê truyền thống văn hóa cha ông

Nà Đồn những ngày đông này mây từ những ngọn núi cao kéo về giăng vào giữa bản. Nhấp nhô bên bờ suối ẩn hiện những mái nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày. Qua con đường bê tông quanh co, chúng tôi tìm đến được nhà NNƯT Nguyễn Mạnh Thẩm. Hồ hởi mời khách chén chè nóng, ông bảo mình là người Tày gốc quê thôn Nà Khà, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình). Từ nhỏ ông  hay được nghe những làn điệu Then cổ do ông bà, bố mẹ thể hiện trong các nghi lễ cúng. Điệu hát truyền thống ngấm vào người ông Thẩm không biết từ khi nào.

Sau khi học ở trường làng, ông Thẩm được mọi người động viên “khăn gói quả mướp” lên thị trấn Na Hang học tiếp. Do nhà quá nghèo, đường sá xa xôi nên hết cấp một ông xin nghỉ. Với vốn kiến thức quý báu học được, năm 1950 xã Thanh Tương trưng tập ông đi dạy bình dân học vụ, xóa mù chữ 3 năm cho xã Thanh Tương và Phúc Yên. Hết thời điểm xóa mù chữ ông Thẩm được gọi nhập ngũ. Năm 1970 ông Thẩm xuất quân chuyển ngành sang Ty Văn hóa, phụ trách mảng văn nghệ phong trào và xây dựng nếp sống mới. Chính cơ duyên này, ông được cử đi học chuyên sâu 8 tháng về sáng tác Then và cách làm đàn Then ở Thái Nguyên do nghệ nhân Then tỉnh Cao Bằng giảng dạy.

Thời điểm làm ở Ty Văn hóa, ông Thẩm được đánh giá là cán bộ văn nghệ phong trào năng nổ. Ông đã tham mưu với lãnh đạo mở nhiều lớp học về Then cho các hạt nhân văn hóa của huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn. Từ những đốm lửa nhỏ này, các làn điệu Then, cách chế tác đàn Then dần được khôi phục.

Do điều kiện muốn gần gia đình, năm 1976 ông Thẩm xin lên Na Hang làm cán bộ Phòng Văn hóa huyện. Kế thừa những kết quả nổi bật đạt được, ông tiếp tục tăng cường đào tạo những hạt nhân văn nghệ quần chúng cho các xã trên địa bàn huyện, tập trung vào mảng Then. Năm 1981 tuy đã về hưu nhưng ông vẫn được tỉnh trân trọng mời đi dự các hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ cấp khu vực, tỉnh. Tại Liên hoan hát Then-đàn Tính lần thứ nhất, năm 2005 tại Thái Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận ông là nghệ nhân Then. Hơn 40 năm thực hành và truyền dạy Then, năm 2015, Chủ tịch nước ký quyết định công nhận ông là Nghệ nhân Ưu tú.

Còn sức còn truyền “lửa” Then

Từ khi tỉnh nhà có chủ trương cho thành lập các câu lạc bộ Then, phong trào dạy học Then lan tỏa rộng rãi. Xã Thanh Tương nhanh chóng thành lập được Câu lạc bộ hát Then “điểm” thôn Nà Đồn với 15 thành viên do nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm làm cố vấn, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng văn xã làm Chủ nhiệm. Các thành viên hàng tuần tập trung ở nhà văn hóa để giao lưu, luyện tập. Nhờ có sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của ông Thẩm mà các hạt nhân văn nghệ đều biểu diễn thuần thục, tham gia các hội thi trong huyện đều đoạt giải cao. Giờ đây phong trào Then đã lan ra các thôn khác và trong khối trường học.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Thanh Tương cho biết, xã đã tổ chức được 2 lớp hát Then, sau khóa học các em đều phát huy được sở trường của mình. Trong gia đình, ông Thẩm còn truyền dạy Then cho 32 cháu nội ngoại, trong đó có nhiều cháu trở thành hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của xã. 

Ngoài biểu diễn các bài Then, chơi đàn Tính giỏi, ông Thẩm còn trực tiếp sáng tác trên 80 bài Then mới, nhiều bài dựa trên lời Then cổ. Một số bài tiêu biểu như “Gặp nhau ngày hội”, “Người Thanh Tương”, “Na Hang đổi mới”, “Pác Tạ quê em”… Vào những lúc rỗi ông Thẩm lại tẩn mẩn tỉ mỉ làm ra những cây đàn Then cho học viên các lớp học mượn tập. Thành công của phong trào hát Then ở cơ sở có một phần đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm. Ông chính là mạch nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ, công chúng yêu Then. Tiếng Then Nà Đồn vẫn còn chảy mãi. 

Đọc thêm